Doanh nghiệp

Chuyên gia mách nước cách bình ổn thị trường xăng dầu

Khúc Văn 31/07/2024 - 05:44

Các chuyên gia khẳng định xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm nhưng việc vận hành đang chịu nhiều tác động của các yếu tố quốc tế. Do vậy, cần phải có công cụ để giúp minh bạch và bình ổn thị trường này.

Sang năm 2024, giá xăng dầu không có nhiều biến động

Tại tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển minh bạch và hiệu quả”, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho hay, hiện nay việc kinh doanh xăng dầu; trong đó có điều hành giá xăng dầu thực hiện theo các Nghị định 83, 95 và 80.

Có thể thấy, việc điều hành giá đã bám theo đúng quy định và văn bản pháp luật hiện nay, theo giá thế giới.

Vừa qua, nhất là trong năm 2024, diễn biến xăng dầu có lúc tăng, lúc giảm, nhưng nếu đánh giá tổng quát lại, từ đầu năm đến nay thì không có nhiều biến động.

Chuyên gia mách nước cách bình ổn thị trường xăng dầu
Thị trường xăng dầu 2024 không có quá nhiều biến động.

Trong khi đó theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, xăng dầu là một mặt hàng mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí của người dân, sản xuất, tiêu dùng…

Đây là một mặt hàng nhạy cảm, thường xuyên biến động, phụ thuộc nhiều yếu tố thế giới, kinh tế, kể cả thiên tai… Từ đó đặt ra vấn đề làm sao để bình ổn giá mặt hàng này.

Tại Việt Nam, chúng ta đang rất nỗ lực trong điều hành, ổn định giá xăng dầu qua 3 công cụ. Đầu tiên là thông qua giá cơ sở. Xăng dầu do nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhưng giá bán ra thị trường lại dựa trên mức giá bán cơ sở do Nhà nước điều hành, công bố.

Thứ hai là điều hành bằng công cụ về thuế, thuế nhập khẩu, thuế môi trường… Và thứ ba là bình ổn giá, khi giá thấp thì cho phép trích lập quỹ và khi giá cao sẽ sử dụng để hỗ trợ bình ổn.

“Như vậy, công cụ đứng về mặt hình thức là tương tự như nhiều quốc gia đang làm và đem lại nhiều điểm tích cực, song lại có rất nhiều bất cập. Có thể kể đến như Nhà nước có vai trò lớn trong điều hành giá, chúng ta đã có các chính sách để không tạo ra những cú sốc khi giá thế giới biến động.

Nhưng hạn chế là dù Nhà nước điều hành nhưng vẫn hoàn toàn phụ thuộc biến động của thế giới. Nhược điểm thứ hai vẫn dùng công cụ của nhà nước áp cho các doanh nghiệp phải bán ở mức giá quy định, như vậy không đảm bảo lợi ích, lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp “lảng tránh” như thông báo hết xăng dầu vừa qua… Đó là tiêu cực không tốt cho người tiêu dùng và hoạt động của doanh nghiệp,” ông Cường nói.

Còn công cụ về thuế, quỹ bình ổn, ông Cường cho hay thực ra là dùng ngân sách, nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá, chứ chưa sử dụng công cụ sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp để bán ra sản phẩm ở mức hợp lý.

Như vậy, chính sách này mang tính cào bằng, không tạo ra sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường. Nếu làm theo đúng thị trường thì doanh nghiệp sẽ tự tạo ra tiềm lực tốt, tạo ra khả năng kinh doanh tốt hơn.

Trong khi đó ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho hay với việc tổ chức kinh doanh xăng dầu, chúng ta đã xây dựng 5 nghị định để hoàn thiện cơ chế về kinh doanh xăng dầu. Đây là một lĩnh vực nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm.

Xăng dầu là mặt hàng liên thông nhiều mặt hàng khác và liên thông quốc tế. Giá xăng dầu thế giới chiếm 64-72% trong cơ cấu giá, hoàn toàn phụ thuộc giá quốc tế, hoàn toàn không tuân thủ theo quy luật cung cầu thuần túy và phụ thuộc nhiều vào địa chính trị, chiến tranh, thiên tai, đầu tư của các tổ chức tài chính.

Vì thế chúng ta cũng chịu ảnh hưởng khi điều hành giá bán phụ thuộc giá bán xăng dầu.

Ông Bảo đánh giá nút thắt trong các nghị định hiện nay là cơ chế điều hành vẫn mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá, chúng ta quy định trong các nghị định vẫn là 7 ngày để xác định giá, Các cơ quan quản lý nhà nước đang làm thay cho doanh nghiệp, từ lúc giá 15.000 đến lúc lên 30.000 đồng/lít, cơ chế vận hành vẫn như vậy.

“Vậy phải xác định đâu là công đoạn quản lý của Nhà nước trong vấn đề giá và phải có cơ chế nào để quản lý, nhưng đâu là vấn đề thị trường thì để doanh nghiệp họ quyết định,” ông Bảo nhấn mạnh.

>>Một cổ phiếu xăng dầu được kỳ vọng tăng 32%

Sử dụng công cụ để bình ổn giá xăng dầu

Chia sẻ về giải pháp cho vấn đề bình ổn giá xăng trong thời gian tới, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng quản lý nhà nước trong vấn đề này là an ninh năng lượng, đảm bảo đủ lượng cung ứng xăng dầu cho vận hành của nền kinh tế.

Chuyên gia mách nước cách bình ổn thị trường xăng dầu
Cần sử dụng các công cụ để bình ổn giá xăng dầu.

Thứ hai là đảm bảo quản lý về mặt bằng giá chung để khi có biến động mạnh thì điều tiết thông qua thuế, bình ổn giá, còn lại thì để thị trường vận hành. Khi đã có thị trường cạnh tranh, người tiêu dùng sẽ luôn luôn có được mức giá hưởng lợi.

“Bên cạnh đó, chúng ta có thể dùng các công cụ mang tính quốc tế, như công cụ phái sinh, bảo hiểm giá xăng dầu... Trong khi tại Việt Nam, các quy định này vẫn thiếu đồng bộ; công cụ phái sinh không được hạch toán là bảo hiểm giá của xăng dầu, mà nó lại được hiểu là đầu tư tài chính. Nếu sử dụng không đúng, để gây thua lỗ thì doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm, Ngoài ra còn nhiều quy định bất cập khác. Vì vậy, cần phải có sự đánh giá, rà soát lại các nghị định để xây dựng nghị định mới, giải quyết vấn đề này,” ông Bảo cho hay.

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết thêm công cụ sử dụng trên thị trường xăng dầu thế giới hiện nay chủ yếu là phái sinh, bảo hiểm giá, trong khi ở Việt Nam đây là vấn đề bất cập, chúng ta chưa hiểu rõ về phái sinh và đang tạo ra những cách hiểu gây rủi ro tới doanh nghiệp.

“Nghịch lý của phái sinh bảo hiểm giá tại Việt Nam đang hiểu là kinh doanh tài chính, có thể lời, có thể lỗ. Nhưng với pháp luật là lời không sao nhưng lỗ thì sẽ hạch toán thế nào, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước. Theo tôi công cụ phái sinh phải được gộp vào chi phí xăng dầu, bình ổn mặt hàng, vì bản chất của công cụ này dùng để bình ổn, chứ không thể tách rời như một công cụ kinh doanh tài chính.”

Trên thực tế, một doanh nghiệp thực hiện nghiệp vụ phái sinh giá thường xuyên cho khoảng 30% nhiên liệu xăng dầu, mục đích là để bình ổn khoảng 30% xăng dầu đó, để rủi ro về dòng tiền giảm bớt đi khi giá tăng mạnh và khi giá xăng dầu giảm thì chấp nhận thua thiệt phần bình ổn đó 30% đó.

Các chuyên gia cho rằng khi dùng phái sinh để bình ổn, với giao dịch 30% lượng hàng, thì mọi doanh nghiệp đều mong muốn bị lỗ ở giao dịch phái sinh đó, bởi họ sẽ được lời ở 70% lượng hàng thả nổi giá chứ không ai muốn giá xăng dầu tăng lên để được hưởng 30% mức giá phái sinh mà lỗ ở 70% ở giá thả nổi.

Theo ông Hoàng Văn Cường, việc sửa đổi các nghị định hiện nay phải hướng vào thay đổi cơ chế, từ quản lý hành chính áp đặt hiện nay sang thị trường, để thị trường điều tiết. Chúng ta hoàn toàn có thể dùng cơ chế thị trường để điều tiết mà không cần quá lo về nguồn cung vì trong nước cũng sản xuất được 70%, còn mức giá thì Nhà nước cũng không nên can thiệp quá lớn, chỉ quản lý điều tiết bằng chính sách thuế, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập để điều tiết nguồn hàng.

Thứ hai, cần tiến tới nghiên cứu, đánh giá và sử dụng các công cụ bình ổn giá xăng dầu, các công cụ phái sinh, cùng đó tạo cơ chế pháp lý, nguồn lực để dự trữ quốc gia; xây dựng thị trường, sàn giao dịch xăng dầu để mọi nhà đầu tư tham gia giao dịch, chuyển sang thị trường xăng dầu nhưng có công cụ quản lý của Nhà nước.

Giá xăng dầu hôm nay 30/7: Brent trượt khỏi mốc 80 USD/thùng

Một cổ phiếu xăng dầu được kỳ vọng tăng 32%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-mach-nuoc-cach-binh-on-thi-truong-xang-dau-243751.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chuyên gia mách nước cách bình ổn thị trường xăng dầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH