25/4/2022 tiếp tục là một phiên giao dịch ám ảnh với nhà đầu tư khi VN-Index "bay" hơn 68 điểm và rơi về mốc 1.310 điểm.
Thị trường gần như không xuất hiện lực đỡ dù có thời điểm giảm sâu hơn 80 điểm. Toàn thị trường có 240 mã nằm sàn - mức lớn nhất trong hơn một năm trở lại đây.
Lý giải cho diễn biến này, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư - Maybank Investment Bank chỉ ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, thị trường chứng khoán Mỹ giảm gần 1.000 điểm. Thứ hai, áp lực thắt chặt tiền tệ từ các NHTW và thứ ba là do dòng tiền chảy vào kênh đầu tư an toàn như tiết kiệm trong ngân hàng đang tăng.
Còn ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng phòng Phân tích chiến lược CTCK KIS Việt Nam cho rằng, sự điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán phiên 25/4 chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý và áp lực Force Sell của nhà đầu tư trong bối cảnh không có thêm bất kỳ thông tin xấu nào hết.
Ngoài ra, một số thông tin vĩ mô ở thời điểm này cũng đang khá tốt khi số liệu kinh tế dự kiến trong tháng 4 này vẫn tăng trưởng tốt.
Lý giải rõ hơn về tâm lý của nhà đầu tư, ông Hiếu chỉ ra: “Thị trường giảm có thể do một số cổ phiếu bị bán liên quan đến thông tin FLC sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, làm cho họ lo lắng, trở nên bi quan và buộc phải bán sang nhóm cổ phiếu khác. Khi đó, sẽ tạo ra 1 - 2 phiên điều chỉnh. Vì là Force Sell nên công ty chứng khoán sẽ bán cổ phiếu với mức giá bất kỳ dẫn đến một số cổ phiếu giảm sàn qua đó tác động đến tâm lý nhà đầu tư, tiếp tục làm cho nhà đầu tư lo lắng cổ phiếu có vấn đề, dẫn đến làn sóng bán tháo và kết quả là thị trường điều chỉnh mạnh”.
Với biên độ giảm giá mạnh nhưng thanh khoản thấp, nguyên nhân chủ yếu đến từ lực mua quá yếu. Thanh khoản sụt giảm mạnh, nhà đầu tư đang trong tình trạng "chim sợ cành cong" sau khi thua lỗ nặng những ngày vừa qua.
Nhận định về thị trường trong phiên hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng cú giảm mạnh trong phiên hôm nay bất ngờ và nằm ngoài mọi phân tích. Theo quan sát, nguyên nhân lực bán mạnh dồn đến nhóm cổ phiếu cơ bản khiến lượng Force-sell ở nhóm này tăng lên thêm.
"Những phiên đầu tuần trước thị trường cũng lao dốc song áp lực chủ yếu tập trung ở những nhóm đầu cơ, nhóm cổ phiếu cơ bản vẫn tăng tốt. Điều này khiến nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu vẫn còn trú ẩn ở nhóm cổ phiếu cơ bản. Tuy nhiên, áp lực bán tháo cổ phiếu cơ bản diễn ra trong phiên cuối tuần trước đã khiến tâm lý nhà đầu tư bị tác động nặng nề khi hết dòng này đến dòng kia bị bán tháo", chuyên gia phân tích.
Việc thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm chỉ tác động một phần nhỏ, nguyên nhân cốt lõi vẫn là tâm lý nhà đầu tư. Năm 2021, thị trường chứng khoán cũng từng chứng kiến đợt giảm mạnh, song cũng hồi lại rất nhanh nên hút lực cầu lớn. Do đó, chuỗi giảm mạnh và kéo dài sâu trong năm nay khiến nhiều nhà đầu tư chán nản. Trong khi đó, lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm đến 95% nên rất dễ có tâm lý đám đông, bán tháo dồn dập.
Lấy dẫn chứng cụ thể, chuyên gia cho rằng các thị trường chứng khoán Châu Á, cụ thể là Đài Loan (Trung Quốc) cũng từng xảy ra trường hợp tương tự. Khi đó, thị trường cũng có đợt bùng nổ cũng nhờ sự bùng nổ của nhà đầu tư nhỏ lẻ, chiếm hơn 90% thanh khoản toàn thị trường. Tuy nhiên sau thời kỳ thăng hoa, thị trường cũng chứng kiến cú lao dốc mạnh khi hàng loạt nhà đầu tư nhỏ lẻ rời bỏ thị trường, trong khi không có dòng tiền nhà đầu tư tổ chức bấu víu.
"Nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng thị trường sẽ hồi phục mạnh như năm 2021 nên nhiều người tranh thủ bắt đáy ở những ngưỡng hỗ trợ như 1.420, 1.400 hay 1.350 điểm. Tuy nhiên, khi tất cả những ngưỡng này đều bị xuyên thủng thì tâm lý nhà đầu tư chán nản, mất niềm tin. Rõ ràng đang có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ giẫm lên nhau rời khỏi thị trường", vị chuyên gia nhận định.
Trở thành kênh đầu tư tốt nhất năm 2023, vàng trong năm 2024 sẽ ra sao? 
Chuyên gia gợi ý 5 nhóm cổ phiếu nên tích lũy trong 2 tuần cuối năm