Vĩ mô

Chuyên gia Phan Đức Hiếu: Cần làm ngay 3 việc nếu muốn cải cách thể chế cho kinh tế tư nhân

Hồng Gấm 18/04/2025 16:24

Giữa hàng rừng chi phí, thủ tục, khiến phần lớn doanh nghiệp còn dè dặt mở rộng kinh doanh. Chuyên gia cho rằng, muốn cải cách thể chế phải thực hiện ngay 3 "đột phá" và học theo mô hình cơ quan giám sát quyền lực quốc tế để giải phóng doanh nghiệp.

Một con số đáng suy ngẫm: Hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp đang chạy đua trên thị trường Việt Nam, nhưng 98% trong số đó lại ở hạng siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn - một sự chênh lệch đáng kể về quy mô và tiềm lực. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.

Khảo sát mới đây của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy, mặc dù Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,93% trong quý I/2025, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh, nhưng chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong hai năm tới.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp 2025 - Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội đã chỉ ra một điểm cốt yếu: bản chất của gánh nặng thủ tục hành chính không chỉ nằm ở sự rườm rà, mà còn "nảy sinh" vô số chi phí ẩn sau đó. Phí và lệ phí không chỉ giới hạn ở khâu nộp hồ sơ ban đầu, mà còn bao gồm một "ma trận" các loại thuế, phí khác đang bào mòn lợi nhuận và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu đồng thời nhấn mạnh: Cải cách thể chế không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn là cắt giảm chi phí tuân thủ. Đây mới là điểm cốt lõi giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp.

"Hỗ trợ mà trói chân doanh nghiệp bằng cả rừng thủ tục thì khác nào "ném đá ao bèo"? Do đó, các chương trình hỗ trợ hiện nay cần chứng minh được việc tuân thủ thủ tục hành chính và các chi phí phải dưới 1% doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi nếu mức phí trên 1% rất khó để các doanh nghiệp phát triển", ông Hiếu nêu quan điểm.

Chuyên gia Phan Đức Hiếu: Cần làm ngay 3 việc nếu muốn cải cách thể chế cho kinh tế tư nhân

Đưa cải cách thể chế trở thành văn hóa lập pháp, hệ thống, không còn phụ thuộc vào cá nhân, tổ chức nào để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: TL.

>>> 15 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô trước 'lằn ranh' thuế Mỹ và bài học giữ vị thế cho hàng Việt

Cải cách thể chế không chỉ là "vá áo" môi trường kinh doanh mà cần tạo đột phá thực sự. Do đó, muốn cải cách thể chế có 3 việc cần làm ngay, đó là nâng cao chất lượng quy định hiện hành, đây là yêu cầu cấp thiết và quan trọng; nâng cao hiệu quả thực thi quy định pháp luật theo đúng tinh thần của các bộ luật và đảm bảo tính thống nhất và chất lượng các quy định pháp luật được ban hành mới.

"Thành công của Luật Doanh nghiệp 2020 là minh chứng, đòi hỏi tư duy và hành động cải cách phải mang tính cách mạng. Việc Luật Doanh nghiệp 2020 mạnh dạn trao quyền tự do kinh doanh, cùng với bãi bỏ 161 loại giấy phép trói buộc, đã thực sự khơi thông mạch máu cho nền kinh tế. Thời gian thành lập doanh nghiệp được rút ngắn từ chỉ còn 15-30 ngày giúp thổi bùng lên một ngọn lửa khởi nghiệp mạnh mẽ trong cộng đồng. Chỉ trong 5 năm (2020-2025), số lượng doanh nghiệp thành lập đã tăng gấp 10 lần so với giai đoạn trước đó", ông Hiếu dẫn chứng.

Để cải cách thể chế hiệu quả và bền vững, Việt Nam cần một cơ chế mang tính hệ thống, vượt qua cách tiếp cận đơn lẻ, đặc biệt là khi chỉ dựa vào nỗ lực tự thân của các cơ quan thực thi pháp luật. Ông Hiếu chỉ ra, Việt Nam đã trải qua 3 trong 4 hình thái cải cách thể chế toàn cầu: ban hành thể chế tốt, cải cách đơn lẻ, và cải cách theo ngành.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc cải cách sẽ gặp nhiều trở ngại nếu chỉ xuất phát từ chính các cơ quan thực thi pháp luật. Điều này là do các cơ quan này có thể thiếu động lực tự thay đổi, hoặc thậm chí có những lợi ích gắn liền với hệ thống hiện tại.

"Do đó, việc hướng tới hình thái thứ tư, tức là đưa cải cách thể chế trở thành văn hóa lập pháp, hệ thống, không còn phụ thuộc vào cá nhân, tổ chức nào chính là chìa khóa để đảm bảo tính bền vững, liên tục và không thể đảo ngược của những nỗ lực cải cách", ông Hiếu nhận định.

Ông Hiếu dẫn chứng một mô hình thành công được nhiều quốc gia tiên tiến áp dụng: thành lập Cơ quan Giám sát và Thúc đẩy Cải cách Thể chế (ROB). Điểm mấu chốt nằm ở thẩm quyền thực chất của các cơ quan này. Tại Anh, ROB có quyền phủ quyết các đề xuất chính sách yếu kém. Tại Mỹ, họ trả lại và yêu cầu sửa đổi những dự thảo không đạt chuẩn. Điều này cho thấy, để cải cách thể chế thực sự đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả, cần một "trọng tài" độc lập, có tiếng nói quyết định trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách.

Ông Hiếu chỉ rõ, thực tế ở Việt Nam cho thấy, việc thiếu một cơ quan như vậy dẫn đến tình trạng các quy định pháp luật đôi khi được ban hành với chất lượng chưa cao, thiếu tính đồng bộ và gây ra những chi phí không đáng có cho doanh nghiệp và xã hội. Việc cải cách thường mang tính tự phát, thiếu sự kiểm soát và đánh giá khách quan.

"Từ thực tế trên, tôi cho rằng, việc thành lập một cơ quan ROB với thẩm quyền và chức năng rõ ràng không chỉ là một giải pháp học hỏi kinh nghiệm quốc tế, mà còn là một yêu cầu cấp thiết để Việt Nam có thể tạo ra những đột phá thực sự trong cải cách thể chế. Đây là "chìa khóa" để xây dựng một hệ thống pháp luật chất lượng cao, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước", ông Phan Đức Hiếu đề xuất.

VCCI đưa ra nhiều kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp trước nguy cơ bị áp thuế từ Mỹ

15 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô trước 'lằn ranh' thuế Mỹ và bài học giữ vị thế cho hàng Việt

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-phan-duc-hieu-can-lam-ngay-3-viec-neu-muon-cai-cach-the-che-cho-kinh-te-tu-nhan-287121.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chuyên gia Phan Đức Hiếu: Cần làm ngay 3 việc nếu muốn cải cách thể chế cho kinh tế tư nhân
    POWERED BY ONECMS & INTECH