Vĩ mô

15 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô trước 'lằn ranh' thuế Mỹ và bài học giữ vị thế cho hàng Việt

Hồng Gấm 18/04/2025 07:56

15 ngành hàng xương sống xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước "lệnh trừng phạt" thuế Mỹ. Doanh nghiệp phải cấp tốc tìm "bến đỗ" mới từ Bắc Âu đến Nhật Bản, Trung Đông, đồng thời trang bị vũ khí truy xuất nguồn gốc để tránh rủi ro về lâu dài.

Theo công bố mới nhất từ Cục Thống kê, 15 ngành hàng "mũi nhọn" xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đang đứng trước nguy cơ lớn từ chính sách thuế đối ứng mà Washington đang xem xét. Danh sách này bao gồm cả những "gã khổng lồ" về kim ngạch như máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, dệt may, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ.

Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng khác cũng nằm trong vòng nguy hiểm, từ giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng, sản phẩm chất dẻo, thủy sản, đến túi xách, ví, vali, mũ, ô dù, đồ chơi, dụng cụ thể thao, sản phẩm sắt thép, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, cùng với hạt điều.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của 15 nhóm hàng này trong 5 năm qua, với tổng kim ngạch xuất khẩu nhảy vọt từ 77 tỷ USD (2020) lên mức kỷ lục 119,5 tỷ USD (2024), đang đứng trước bờ vực thách thức. Cụ thể, các năm ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng: 2021 (96,3 tỷ USD), 2022 (109,4 tỷ USD), dù có sự chững lại nhẹ vào 2023 (97 tỷ USD) trước khi bứt phá ngoạn mục vào năm 2024.

3 "át chủ bài" trong số 15 nhóm hàng này, với giá trị xuất khẩu cao nhất là máy vi tính và linh kiện (23,2 tỷ USD), máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (22,1 tỷ USD) và dệt may (16,2 tỷ USD), chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, đồng nghĩa với việc đây sẽ là những "tuyến đầu" chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu thuế Mỹ tăng lên. Ngoài ra, các ngành hàng giá trị lớn khác như điện thoại và linh kiện (9,8 tỷ USD), gỗ và sản phẩm từ gỗ (9,1 tỷ USD), giày dép (8,3 tỷ USD) và nông sản (khoảng 2,3 tỷ USD) cũng được đánh giá là dễ tổn thương trước bất kỳ thay đổi nào trong chính sách thương mại từ phía Mỹ.

Bài học nhãn tiền từ các cuộc chiến thương mại trước đây cho thấy, những lời đe dọa về thuế không phải là "hổ giấy". Điển hình như cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung Quốc, nơi hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã phải gánh chịu mức thuế cao ngất ngưởng, gây ra những xáo trộn không nhỏ cho chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của cả hai quốc gia.

Sự chênh lệch lớn trong cán cân thương mại – Việt Nam xuất khẩu tới 119,5 tỷ USD trong khi chỉ nhập khẩu 15,1 tỷ USD từ Mỹ được xem là "giọt nước tràn ly", thúc đẩy chính quyền Mỹ có những động thái siết chặt thuế quan. Nhiều lo sợ đang lặp lại một kịch bản tương tự, trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương trước những toan tính chính trị và kinh tế của Washington.

15 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô trước 'lằn ranh' thuế Mỹ và bài học giữ vị thế cho hàng Việt

Tổng kim ngạch xuất khẩu của 15 nhóm hàng này từ Việt Nam sang Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong 5 năm qua, từ khoảng 77 tỷ USD năm 2020 lên tới 119,5 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh: TL.

>>>Bất động sản Bình Dương 'thăng hoa' sau sáp nhập: Giá tăng phi mã, lợi suất cho thuê hấp dẫn

Nhanh chóng chuyển hướng thị trường, tìm kiếm nguồn cung mới

Dưới áp lực thuế quan mới nhất từ Mỹ, bài toán sống còn cho doanh nghiệp Việt Nam đã được TS. Scott McDonald, chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng và logistics, chỉ ra một cách trực diện: đa dạng hóa thị trường là con đường tất yếu để "thoát hiểm". Việc tận dụng hiệu quả mạng lưới các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết - từ CPTPP mở lối sang Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand, đến EVFTA "cởi trói" thị trường EU, RCEP củng cố sân nhà ASEAN và châu Á.

Hay UKVFTA duy trì "cầu nối" với Anh - không chỉ là giải pháp thay thế tiềm năng mà còn là chiến lược quản trị rủi ro then chốt, giúp nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam giảm thiểu sự phụ thuộc nguy hiểm vào một thị trường duy nhất và điều hướng thành công trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy thách thức.

Mới đây, thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cũng đã đề cập đến chiến lược xuất khẩu mới của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu. Theo đó, EVFTA là lợi thế chiến lược giữa biến động. Giữa làn sóng rào cản thương mại và bảo hộ gia tăng, EVFTA trở thành “lá chắn” chiến lược giúp hàng hóa Việt giữ vững chỗ đứng tại châu Âu. Không chỉ vậy, một yếu tố tích cực đáng chú ý là tỷ giá đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho hàng Việt Nam có thể cải thiện tính cạnh tranh tại Bắc Âu. Những ngành hưởng lợi trực tiếp gồm: Dệt may, da giày, thủy sản, nông sản chế biến, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, điện tử.

Trong bối cảnh chính sách thương mại từ các thị trường lớn ngày càng diễn biến bất lợi, động thái chủ động tìm kiếm đối tác và đón "sóng" mua hàng quốc tế đang trở thành kim chỉ nam cho doanh nghiệp Việt Nam. Chuyến đi sắp tới của đoàn 20-25 doanh nghiệp sang Nhật Bản vào cuối tháng 5 là minh chứng rõ nét cho chiến lược đa dạng hóa thị trường một cách chủ động và bài bản.

Việc nhắm đến Nhật Bản, một thị trường có sức tiêu thụ lớn nhưng đòi hỏi khắt khe về chất lượng, cho thấy sự chuyển hướng chiến lược của doanh nghiệp Việt. Không chỉ tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, chuyến đi còn tập trung vào việc tận dụng nguồn cung nguyên liệu đầu vào chất lượng cao từ Nhật Bản, trị giá nhập khẩu đã vượt 21 tỷ USD trong năm ngoái. Đây là nước cờ thông minh, giúp doanh nghiệp Việt tối ưu hóa lợi thế thuế quan từ các FTA hiện có như VJFTA, CPTPP, RCEP, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhận định, khi Mỹ không còn là một thị trường như mong muốn của các doanh nghiệp Việt thì họ cần điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu của mình. Đây là một cuộc "cách mạng" trong tư duy và hành động của doanh nghiệp, từ việc nghiên cứu thị trường mới, xây dựng kênh phân phối, đến việc tìm kiếm và thiết lập quan hệ với các nhà cung cấp khác nhau.

Lấy dẫn chứng cụ thể từ ngành điều, ông Nhựt cho biết đang nhắm đến thị trường Trung Đông nhằm hạn chế thiệt hại từ thị trường Mỹ. Thị trường này cũng có thể cân bằng nếu như trong tương lai doanh nghiệp mất trắng đơn hàng tại thị trường Mỹ.

Tương tự, đại diện Tổng công ty cổ phần May 10 cho hay, không phải chờ đến lúc này, mà việc tăng sử dụng nguồn cung đầu vào tại chỗ đã được doanh nghiệp thực hiện trong những năm gần đây. Việc này giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn những ưu đãi thuế quan từ các FTA với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cùng với nỗ lực "đi ra", Bộ Công Thương cũng đang tích cực chuẩn bị cho chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2025 tại TP.HCM, dự kiến đón hàng trăm nhà mua hàng quốc tế. Đây là "sân nhà" chiến lược để doanh nghiệp Việt trực tiếp quảng bá sản phẩm, thiết lập quan hệ đối tác mới và mở rộng kênh giao thương.

15 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô trước 'lằn ranh' thuế Mỹ và bài học giữ vị thế cho hàng Việt
Doanh nghiệp cần linh hoạt, theo dõi sát tình hình và chuẩn bị kịch bản ứng phó, thay vì bị động trước những thay đổi chính sách từ các thị trường lớn. Ảnh: TL.

>>>Quý 1 'chốt sổ': Bất động sản có làm nên bất ngờ cho nhà đầu tư?

Bài học giữ vị thế cho hàng Việt

Đáng báo động, làn sóng điều tra phòng vệ thương mại và chống bán phá giá từ Mỹ, EU và nhiều quốc gia khác đang "âm thầm" lớn mạnh, mà mối đe doạ tiềm ẩn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam.

Điển hình, ngay trong tháng 4/2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã "ra đòn" với vụ điều tra chống bán phá giá hộp nhựa Polypropylene nhập khẩu từ Việt Nam. Điều đáng lưu ý là tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam và Trung Quốc đã chiếm tới 62,7% tổng nhập khẩu vào Mỹ năm 2024, cho thấy Việt Nam đang trở thành "tâm điểm" của các cuộc điều tra thương mại, đòi hỏi doanh nghiệp phải tỉnh táo để bảo vệ thành quả xuất khẩu.

Hoặc như EU vừa "trói chân" thép cán nóng Việt bằng mức thuế chống bán phá giá lên tới 12,1%. Điều đáng nói, cáo buộc bán phá giá này đặt ra một vấn đề cốt lõi về nguồn gốc xuất xứ và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Việc các công ty Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu từ nhiều quốc gia do hạn chế nội địa đã không thể minh oan cho họ trước cáo buộc bán phá giá.

Hai vụ việc "nóng hổi" này đã cảnh tỉnh về tầm quan trọng sống còn của nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nhớ kỹ bài học này để tránh bị lợi dụng, trở thành bình phong cho hành vi "rửa xuất xứ" hàng hóa của quốc gia khác khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ.

Tại hội thảo về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngày 15/4, nhiều ý kiến nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại và đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang là "luật chơi" bắt buộc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Để các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam giữ vững được vị thế và phát triển thêm các thị trường mới, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc càng có vai trò quan trọng, nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh

Và trong bối cảnh mới có nhiều biến động như hiện nay, câu hỏi đặt ra là làm cách nào để các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam có thể “làm chủ” việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm? TS. Trịnh Bá Dương, Chủ tịch AseanHub, chuyên gia về đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh, công nghệ là cánh cửa mở ra nền thương mại minh bạch. Do đó, cấp thiết xây dựng hạ tầng dữ liệu truy xuất nguồn gốc quốc gia, tích hợp Blockchain, mở API cho doanh nghiệp. Ưu tiên số hóa cấp tốc các ngành: nông sản, thủy sản, thực phẩm, dược liệu.

"Ưu tiên chính sách cho startup phát triển công nghệ lõi và giải pháp tích hợp truy xuất nguồn gốc, từ miễn giảm thuế, hỗ trợ thử nghiệm, đến bảo hộ sở hữu trí tuệ", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Rõ ràng, việc ươm mầm và chắp cánh cho các startup công nghệ lõi trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc sẽ tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nơi các giải pháp "made in Vietnam" có thể giải quyết những bài toán cấp bách của ngành xuất khẩu, giúp hàng hóa Việt Nam vững chân trên thị trường quốc tế và tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Việc ưu tiên chính sách cho các "chiến binh công nghệ" này chính là đầu tư cho tương lai của thương mại Việt Nam.

Gạo Việt xuất khẩu lấy lại vị thế ‘đắt giá nhất thế giới’

Việt Nam - Trung Quốc ký kết thêm 4 nghị định thư nông nghiệp, loạt doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/15-mat-hang-xuat-khau-ty-do-truoc-lan-ranh-thue-my-va-bai-hoc-giu-vi-the-cho-hang-viet-287022.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    15 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô trước 'lằn ranh' thuế Mỹ và bài học giữ vị thế cho hàng Việt
    POWERED BY ONECMS & INTECH