Chứng khoán

Shark Phú tiết lộ bí quyết ‘sống còn’ của Sunhouse trong ván cờ thuế Trump

Hồng Gấm 13/04/2025 08:00

"Để làm chủ cuộc chơi, doanh nghiệp cần dự báo, dự báo và không ngừng dự báo", Shark Phú khuyến nghị.

untitled-1(1).jpg

Chia sẻ đầy trải nghiệm và tính chiến lược giữa cơn bão thuế Mỹ, câu chuyện của Shark Phú và Sunhouse đã khắc họa một bức tranh ấn tượng về bản lĩnh doanh nghiệp Việt. Đó là sự kết hợp sắc bén giữa tầm nhìn chiến lược thấu suốt, khả năng dự đoán và xây dựng những kịch bản ứng phó tỉ mỉ đến từng chi tiết. Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, thay vì co mình chờ đợi số phận, sự chủ động không chỉ là chiếc phao cứu sinh mà còn là thứ "vũ khí" bén nhọn, giúp Sunhouse vượt qua thử thách, khẳng định vị thế và mở ra con đường phát triển bền vững, một minh chứng đắt giá, thức tỉnh cho các doanh nghiệp xuất khẩu đang "đứng ngồi không yên".

Sai lầm trong dự báo nhu cầu và giá cả đang là rủi ro lớn nhất của doanh nghiệp

Hiện tại, bức tranh xuất khẩu sang Mỹ của Sunhouse đang có những tín hiệu tích cực bất ngờ khi dồn dập đơn hàng nhờ chính sách hoãn thuế 3 tháng. Tuy nhiên, Shark Phú nhận định, sự lạc quan này chỉ là “bề nổi” của một “tảng băng chìm” rủi ro tiềm ẩn. Tương lai ẩn chứa nhiều biến động khó lường, đặc biệt là viễn cảnh về mức thuế có thể tăng vọt lên 46%, một cú sốc có thể "xóa sổ" doanh thu hàng nghìn tỷ đồng từ thị trường trọng điểm này.

"Năm 2025, Sunhouse kế hoạch xuất khẩu khoảng 3000 tỷ đồng sang Mỹ, việc đơn hàng bị cắt đột ngột sẽ là một rủi ro lớn. Trong bối cảnh đó, bài toán tồn tại trở thành ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", Shark Phú cho hay.

Đối diện với rủi ro, bài toán tồn tại hay biến mất không chỉ là nỗi trăn trở riêng của Sunhouse. Kinh nghiệm đúc kết cho thấy: "Chủ động giương buồm" đón bão, xây dựng các kịch bản, đặc biệt là kịch bản xấu nhất - kịch bản "zero" đơn hàng từ Mỹ, là vô cùng quan trọng. Ứng phó đa dạng chính là phao cứu sinh cho mọi doanh nghiệp.

"Chúng tôi tập trung "mổ xẻ" nội tại doanh nghiệp, xem xét kỹ lưỡng từ bảng cân đối dòng tiền, tài sản đến dự báo doanh số và lợi nhuận trong tình huống "mất trắng" thị trường Mỹ, từ đó xác định điểm hòa vốn và các biện pháp cắt giảm chi phí cần thiết. Việc dựng lại bức tranh tài chính một cách toàn diện giúp Sunhouse đánh giá được mức độ ảnh hưởng và vạch ra những đường hướng chiến lược để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững, dù bão thuế có ập đến bất ngờ", Shark Phú cho hay.

asset-2.png

Kịch bản thứ hai, mức trung bình, sẽ xem xét điều gì? Shark Phú ví dụ, nếu đơn hàng giảm từ 30% đến 50%, thì bức tranh mới của chúng ta sẽ ra sao? "Bức tranh" ở đây chính là việc chúng ta phải tái xây dựng lại, đánh giá nguồn lực, bản chất doanh nghiệp và quản trị nguồn lực. Nguồn lực sử dụng hiệu quả sẽ tạo ra lợi nhuận, còn dư thừa sẽ dẫn đến thua lỗ.

"Khi đơn hàng sụt giảm, bộ phận nào sẽ dư thừa máy móc, nhà xưởng, công nhân và số lượng cụ thể là bao nhiêu? Ứng với từng kịch bản giảm đơn hàng, chúng ta cần đo lường lại toàn bộ nguồn lực dựa trên kế hoạch doanh thu đã điều chỉnh. Từ đó, mỗi kịch bản sẽ phác họa một bức tranh cụ thể về tình hình doanh nghiệp và gợi mở các giải pháp ứng phó phù hợp", Shark Phú nhấn mạnh.

Đồng thời phân tích: Trong trường hợp mất đơn hàng, đồng nghĩa với việc chúng ta mất doanh thu. Vậy, bộ phận doanh thu có những phương án nào để bù đắp? Liệu có thể tìm kiếm thị trường thay thế cho thị trường Mỹ không? Bộ phận này cần phải tìm mọi cách để bổ sung doanh thu từ tất cả các nguồn có thể, và phải tính toán cả kịch bản tốt nhất lẫn xấu nhất. Dựa trên 3-4 kịch bản doanh thu khác nhau, chúng ta sẽ xác định được số lượng hàng hóa cần thiết tương ứng, từ đó dự đoán được những nguồn lực có thể bị dư thừa nếu doanh thu thấp hơn dự kiến, hoặc thiếu hụt nếu doanh thu vượt quá dự đoán.

Ví dụ, nếu doanh thu chỉ đạt 70%, chúng ta cần tính toán cụ thể những tài sản, máy móc, nhân lực nào sẽ dư ra? Những kịch bản này giúp chúng ta thấy trước được các vấn đề về nguồn lực, từ đó có thể cân đối và dự đoán được cấu trúc tài sản, dòng tiền và lợi nhuận tiềm năng. Nếu chủ động trong việc này, chúng ta hoàn toàn có thể ứng phó linh hoạt.

Đây cũng là lý do vì sao trong cấu trúc doanh nghiệp, việc "không bỏ trứng vào một giỏ" lại rất quan trọng. Nếu chỉ tập trung vào một thị trường hoặc một khách hàng duy nhất, khi có sự cố xảy ra, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro rất lớn, thậm chí có thể "trắng bảng" nếu khách hàng lớn rút đi. Thông thường, tỷ trọng doanh thu từ mỗi thị trường hoặc khách hàng chỉ nên chiếm tối đa khoảng 30% để đảm bảo rằng khi một mảng gặp vấn đề, chúng ta vẫn còn 70% còn lại để cân bằng.

"Rất may mắn, Sunhouse có sự đa dạng về mảng thị trường nội địa và nhiều ngành hàng khác nhau, nên việc cân đối sẽ dễ dàng hơn. Nhờ sự đa dạng này, trong 3 tháng tới, Sunhouse sẽ dồn lực vào "hai mũi tên chiến lược": Một mặt, dốc sức đáp ứng lượng đơn hàng tăng đột biến từ khách hàng Mỹ do lo ngại tăng thuế; mặt khác, đẩy mạnh việc bán hàng mang thương hiệu Sunhouse trực tiếp tại thị trường Mỹ. Mục tiêu là đa dạng hóa khách hàng, hướng đến việc bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối (end-user) thay vì chỉ thông qua các nhà phân phối trung gian. Bán hàng qua trung gian có thể mang lại đơn hàng dễ dàng, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro lớn nếu chính sách thuế thay đổi và họ rút đi. Do đó, Sunhouse tập trung mở rộng kênh bán hàng thương hiệu tại Mỹ để tự chủ hơn", Shark Phú chia sẻ, và cho biết thêm: Không chỉ giữ chân ở thị trường Mỹ, Sunhouse còn mở rộng sang các thị trường khác như Argentina, Brazil... Đa dạng hóa xuất khẩu là nhiệm vụ sống còn của bộ phận kinh doanh quốc tế. Song song đó, phải chuẩn bị các kịch bản sớm nhất có thể để ước tính sản lượng, đặc biệt là biến động giá vật tư nguyên liệu, là "lá chắn" tối quan trọng để Sunhouse chủ động chèo lái trong mọi tình huống.

asset-3.png

"Sai lầm trong dự báo nhu cầu và giá cả là rủi ro lớn nhất đối với doanh nghiệp sản xuất hiện nay. Dự báo giá nguyên liệu giảm mà tích trữ quá nhiều có thể dẫn đến thua lỗ. Ngược lại, dự báo giá tăng mà không có hàng tồn kho sẽ bỏ lỡ cơ hội. Sunhouse đang tập trung cao độ vào công tác dự báo, liên tục cập nhật thông tin thị trường để điều hành quản trị hàng tồn kho như vật tư, nguyên liệu, thành phẩm... một cách hiệu quả nhất, đảm bảo dòng tiền an toàn và tối ưu hóa bức tranh tài chính. Đó là những công việc mà Sunhouse đang khẩn trương triển khai. Đối với các doanh nghiệp cũng vậy, muốn làm chủ cuộc chơi phải dự báo, phải liên tục dự báo, phải không ngừng dự báo - đó là mệnh lệnh sống còn”, Shark Phú nhấn mạnh.

Mỹ 'chia bài' lại chính sách thuế, Việt Nam đang nằm trong nhóm nào?

Shark Phú chỉ rõ: Điểm cốt yếu hiện tại là sự bất định về kết quả sau 3 tháng tới. Do đó, công tác dự báo trở thành then chốt. Dự báo càng chính xác, chúng ta càng chủ động trong khâu chuẩn bị. Sunhouse đang dồn toàn lực vào công tác dự báo để xây dựng các kịch bản ứng phó, bởi chúng tôi nhận thức rõ rằng ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở mảng xuất khẩu mà sẽ lan rộng ra toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh, bao gồm cả thị trường nội địa.

"Quan niệm tôi không xuất khẩu sang Mỹ, Mỹ gặp khó khăn thì tôi không bị ảnh hưởng là một sai lầm, bởi lẽ cung và cầu luôn có sự tương tác chặt chẽ. Chiến tranh thương mại khiến thuế chồng thuế đẩy giá, tổng cầu thế giới suy giảm. Cầu giảm, buộc cung giảm dẫn đến sản xuất, mở rộng đình trệ - hiệu ứng domino nội địa. Nguyên liệu, bất động sản hạ giá, chứng khoán lao dốc, kinh tế suy thoái, sản xuất thu hẹp, sa thải công nhân, dân giảm chi tiêu - vòng xoáy đình trệ và lạm phát. Mọi ngành nghề bị ảnh hưởng", Shark Phú chỉ rõ.

Chia sẻ tư duy mà Sunhouse đang tính toán, Shark Phú cho hay: Điều tiên quyết là phải "đọc vị" được ý đồ thực sự của Mỹ trong ván cờ kinh tế hiện tại. Lý do đằng sau những động thái chính sách của họ. Động cơ nào thúc đẩy họ đồng loạt "tung đòn" thuế trên diện rộng toàn cầu? Rõ ràng, nếu thực sự làm điều đó, chính nền kinh tế Mỹ cũng sẽ chịu tổn thất nặng nề. Họ không thể cùng lúc đối đầu trên mọi mặt trận.

Và thực tế đã chứng minh, kịch bản chúng tôi dự đoán đã thành sự thật. Đến phút chót, "quân át chủ bài" đã lộ diện: Mỹ đang dồn lực "kiềm tỏa" tham vọng thống trị toàn cầu của đối thủ chính là Trung Quốc. Bởi vậy, việc trì hoãn áp thuế với các quốc gia khác là một nước đi chiến lược. Cần phải nhớ rằng, "yếu huyệt" của Mỹ nằm ở chỗ, gần như toàn bộ rổ hàng tiêu dùng của họ đều nhập khẩu, sản xuất nội địa gần như vắng bóng.

"Chính vì lẽ đó, tôi đưa ra phán đoán rằng chắc chắn Mỹ sẽ không bao giờ thực hiện cấm vận toàn diện hoặc áp thuế cao lên tất cả các quốc gia. Đó là điều không thể xảy ra, bởi một động thái như vậy sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng cho chính nước Mỹ: Giá cả leo thang, lạm phát tăng cao, dẫn đến bất ổn xã hội và chính trị. Do đó, chúng ta có thể dự đoán rằng một kịch bản toàn diện như vậy sẽ không xảy ra", Shark Phú nói.

Mỹ sẽ có những động thái như thế nào? Đương nhiên, như mọi người đều biết, Trung Quốc hiện đang thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu, từ nguyên vật liệu đến các sản phẩm cuối cùng, từ những thứ nhỏ nhặt nhất đến các sản phẩm công nghệ cao. Nếu Mỹ áp thuế nặng lên Trung Quốc, hàng hóa chắc chắn sẽ tìm cách "luồn lách" qua các quốc gia khác để rồi lại "chảy ngược" về Mỹ. Đó là một điều chắc chắn.

Vậy thì mục đích chính của Mỹ là gì? Ưu tiên hàng đầu của họ chính là khơi dậy dòng chảy sản xuất nội địa. Họ nhận thức được rằng, việc "nhường" sân nhà sản xuất sẽ làm cạn kiệt mạch nguồn nghiên cứu và phát triển (R&D), dập tắt ngọn lửa sáng tạo. Bằng chứng đanh thép là việc Trung Quốc đang vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế. Do đó, Mỹ quyết tâm giữ một số lĩnh vực then chốt, không phải toàn bộ, mà đủ để bảo tồn sự sáng tạo và củng cố vị thế cường quốc công nghệ toàn cầu.

Từ những phân tích trên, Shark Phú mạnh mẽ dự đoán về một "ván cờ thuế" phân cực mà Mỹ sắp sửa tung ra. Những "con tốt" là các ngành công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn, được Mỹ nhắm đến để kéo về sân nhà, chắc chắn sẽ hứng chịu "đòn trừng phạt" thuế quan không khoan nhượng. Mục tiêu tối thượng là "trói chân" các tập đoàn đa quốc gia, buộc họ phải đóng đô tại Mỹ.

asset-4.png

Động thái này, sẽ không nằm ngoài lộ trình 3 tháng tới, khi Mỹ bắt đầu phân loại và "gắn thẻ" từng nhóm ngành. Bất kỳ quốc gia nào, kể cả Việt Nam hay Indonesia, nếu bị xem là "trạm trung chuyển" giúp doanh nghiệp lách luật, xuất khẩu ngược hàng hóa giá trị cao vào Mỹ, đều sẽ phải đối mặt với "lưỡi hái" thuế nặng nề. Dĩ nhiên, Mỹ cũng sẽ cân đo đong đếm thời gian và thiệt hại để vạch ra một lộ trình thuế khôn ngoan, vừa đạt được mục đích, vừa giảm thiểu "tác dụng phụ" cho nền kinh tế của chính mình. Đây chính là "nhóm tiên phong" mà Mỹ muốn dịch chuyển về bằng mọi giá.

Nhóm thứ hai nằm ở thái cực khác: những ngành "thâm dụng" lao động phổ thông, nơi chất xám và công nghệ lép vế, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Điều trớ trêu là, chính nước Mỹ lại đang khát lực lượng lao động cho những ngành này (tỷ lệ thất nghiệp chỉ vỏn vẹn 4%). Đây chính là "con bài mặc cả" mà Mỹ có thể tung ra: "Bạn muốn thuế thấp cho hàng hóa của mình? Hãy mua hàng của chúng tôi" - Một sự đánh đổi sòng phẳng, nơi chính sách thuế trở thành "cây gậy và củ cà rốt", phân cực rõ rệt theo đặc tính của từng dòng sản phẩm.

Nhóm thứ ba là những mặt hàng bị nghi ngờ "rửa xuất xứ" - tức là nhập khẩu linh kiện hoặc thành phẩm, thay đổi nhãn mác rồi xuất khẩu ngược vào Mỹ. Chắc chắn nhóm này sẽ bị đánh thuế mạnh nhất, bởi Mỹ muốn bảo vệ sản xuất trong nước và ngăn chặn gian lận thương mại.

"Như vậy, có thể thấy rõ 3 nhóm cơ bản mà Mỹ sẽ có những hành xử khác nhau. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải lường trước mình đang rơi vào tình huống nào để có sự chuẩn bị ứng phó phù hợp", Shark Phú khuyến nghị.

'Hy sinh' hay 'giữ chân': Bài toán sống còn trên bàn đàm phán thuế Mỹ

Vậy nên, Shark Phú nhấn mạnh, bài toán "sống còn" cho doanh nghiệp là cần đầu tư sâu vào chuỗi giá trị, "rót" hàm lượng giá trị thực vào từng sản phẩm "Made in Vietnam". Đây không chỉ là lời giải cho bài toán thuế Mỹ, mà còn là xu thế tất yếu khi ngay cả Chính phủ Việt Nam cũng sẽ "siết chặt vòng kim cô" đối với tình trạng xuất siêu ảo - những con số xuất khẩu khổng lồ nhưng giá trị thực tế nhỏ giọt do phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Một phép toán đơn giản: Xuất 10 tỷ, trong khi nhập tới 9,5 tỷ thì giá trị quốc gia thu về chẳng đáng là bao. Do đó, những ngành nghề chỉ "mượn đường" xuất khẩu chắc chắn sẽ bị loại bỏ. Ngược lại, những ngành nghề tạo giá trị thực, đóng góp sâu vào nền kinh tế quốc gia sẽ được các thị trường nhập khẩu như Mỹ "ưu ái" bằng những chính sách thuế thuận lợi hơn. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt phải lột xác, từ bỏ lối đi "ăn xổi ở thì" để xây dựng nền tảng phát triển bền vững.

"Sunhouse tự tin khẳng định vị thế tiên phong khi nội địa hóa đến 90% quy trình sản xuất cho hàng xuất khẩu sang Mỹ, từ linh kiện đến thành phẩm hoàn chỉnh. Ví dụ, Sunhouse tự ép nhựa làm linh kiện, chủ động gần như toàn bộ quy trình. Với lò nướng, chúng tôi đầu tư sâu từ cơ khí, mạch điều khiển đến nhựa, chỉ nhập tôn cuộn, inox, hạt nhựa. Nhờ đó, sản phẩm truy xuất nguồn gốc ít bị ảnh hưởng hơn doanh nghiệp "rửa" xuất xứ. Với nền tảng vững chắc này, chúng tôi sẵn sàng đón đầu bất kỳ cuộc "thẩm định" hay thay đổi chính sách nào. Đây chính là kim chỉ nam cho mọi dự báo và hành động ứng phó của chúng tôi", Shark Phú cho biết.

Thứ hai, vị "cá mập" cho rằng, doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam ít lo ngại. Ngược lại, doanh nghiệp thâm dụng lao động cần kêu gọi hỗ trợ từ Chính phủ. Đây chính là "con bài mặc cả" mà Mỹ có thể tung ra: "Bạn muốn thuế thấp cho hàng hóa của mình? Hãy mua hàng của chúng tôi để cân bằng thương mại".

asset-5.png

Câu chuyện ở đây là Hiệp hội doanh nghiệp và Nhà nước cần chung tay đàm phán, "chia bài" lợi ích từ xuất khẩu sang Mỹ theo từng nhóm. Chúng ta phải nói ra được cái giá trị gia tăng đem về cho quốc gia là bao nhiêu, đem về lợi nhuận cho doanh nghiệp mình là bao nhiêu. Cần mô hình phân tích "đánh đổi" khôn ngoan, tránh tình trạng vội vàng dẫn đến những thiệt hại lớn.

Cụ thể, những ngành giá trị thấp, ô nhiễm cao có thể chấp nhận hy sinh. Nhưng "con gà đẻ trứng vàng" - ngành giá trị cao, lợi cho doanh nghiệp nội địa thì phải giữ bằng mọi giá.

"Đừng “ngây thơ” với con số nhập siêu tổng 120 tỷ USD rồi gật đầu mua lại đúng số đó để được thuế 0%. Mỹ xuất hàng "Made in USA 100%", thu về gần như trọn vẹn giá trị. Chẳng hạn, nếu chúng ta xuất siêu sang Mỹ 120 tỷ USD, nhưng trong đó có đến 90 tỷ USD là hàng hóa "rửa" xuất xứ, giá trị thực tế tạo ra có khi chỉ vài tỷ USD. Nếu chúng ta đánh đổi bằng cách nhập khẩu 120 tỷ USD hàng nông sản hay xăng dầu của Mỹ, với tỷ lệ giá trị gia tăng cho họ có khi lên đến 50%, chúng ta sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Chưa kể, Việt Nam xuất siêu trăm tỷ, nhưng nhiều ngành giá trị "bèo bọt" chỉ khoảng 3% (chủ yếu là tiền nhân công), chưa kể đến chi phí xử lý môi trường cho những ngành này có khi còn cao hơn. Ngược lại, có những ngành như thủy sản, rau củ quả, chúng ta có thể đạt được giá trị gia tăng rất lớn. Ví dụ, xuất khẩu 1 tỷ USD rau củ quả, chúng ta có thể giữ lại đến 900 triệu USD giá trị trong nước. Do đó, đánh đổi thông minh mới là thượng sách", Shark Phú nhấn mạnh.

>> 708 triệu USD đơn hàng xuất khẩu bị hủy trong 3 ngày sau đòn thuế của Mỹ, các doanh nghiệp tại 'thủ phủ công nghiệp' phía Nam họp khẩn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/shark-phu-tiet-lo-bi-quyet-song-con-cua-sunhouse-trong-van-co-thue-trump-286536.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Shark Phú tiết lộ bí quyết ‘sống còn’ của Sunhouse trong ván cờ thuế Trump
    POWERED BY ONECMS & INTECH