Các chuyên gia đánh giá, xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2024, đặc biệt là một xu hướng mới xuất hiện là chuyển đổi AI.
Trao đổi trong Talkshow Phố Tài Chính trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, dù dự báo kinh tế thế giới và trong nước còn phải đối mặt với những khó khăn, nhưng các xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2024, đặc biệt là một xu hướng mới xuất hiện là chuyển đổi AI.
Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán
Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT  IS) cho biết giai đoạn Covid vừa qua đã minh chứng cho giá trị chuyển đổi số mang lại, đặc biệt là ngành ngân hàng và chứng khoán. Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, thống kê của World Bank cho thấy tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản và thực hiện giao dịch số lên đến 74% trên toàn cầu năm 2021, so với 51% năm 2011. Các ngân hàng Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số lên đến trên 90%, có ngân hàng trong giai đoạn này tăng trưởng 100 nghìn người dùng mới mỗi tháng.
Quay trở lại năm 2023 là một năm khó khăn với kinh tế toàn cầu, chi phí đầu vào tăng, sức tiêu dùng giảm, các xung đột trên thế giới còn kéo dài dai dẳng. Trong bối cảnh như vậy lại càng cho thấy giá trị mang lại từ chuyển đổi số với ngành ngân hàng, chứng khoán như giảm chi phí, tăng trải nghiệm, mức độ gắn bó của khách hàng và tăng năng lực cạnh tranh. Trước đây, ngành ngân hàng luôn thận trọng với các xu hướng công nghệ mới nhưng chỉ một năm khi ChatGPT ra đời, HSBC, JP Morgan đã đưa GenAI vào các nền tảng của mình. Dự báo GenAI có thể đóng góp thêm giá trị của ngành ngân hàng toàn cầu từ 200-300 tỷ USD hàng năm. Ngành ngân hàng đang là một trong những ngành tiên phong trong lĩnh vực này.
Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) |
Một khách mời khác của chương trình, ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB ) chia sẻ: "Năm 2023 cho dù có nhiều khó khăn, song đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở nhiều nước, nhiều khu vực vẫn rất lớn và thực sự đem lại hiệu quả. Theo số liệu được công bố từ Gartner, các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, học máy (AI/ML), Generative A.I. vẫn giữ ưu thế thống trị. Chuyển dịch sang điện toán đám mây cũng là xu thế tuy nhiên với các mức độ tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực như Khu vực Châu Á Thái Bình Dương chuyển đổi số kém hơn nhiều so với Châu Âu và Bắc Mỹ, trong nội tại Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng có sự phân hóa rõ rệt."
Về chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số, theo thống kê thì ngân sách cho CNTT chiếm khoảng 4%-5% doanh thu trong thời gian dịch, sang đến năm 2022 đạt đỉnh là 7,1%, và giảm xuống 6,3% trong năm nay 2023. Tuy giảm nhưng tỷ lệ này vẫn là khá cao so với các năm trước đây, và không hẳn là sự chú ý vào chuyển đổi số giảm, bởi chuyển đổi số là một quá trình và dòng tiền đổ vào thì có thể sẽ biến thiên. Còn hiệu quả cho các khoản đầu tư này là rất rõ rệt thể hiện ở các trải nghiệm khách hàng vượt trội, gia tăng tỷ suất lợi nhuận hoạt động, đảm bảo tuân thủ và quản trị rủi ro.
Ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) |
Điểm sáng trong chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán
Theo ông Trần Đăng Hòa, người dân đã đón nhận hơn, doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi số khiến các dịch vụ số của ngân hàng càng đi sát nhu cầu và gia tăng tần suất sử dụng của người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ giao dịch trên kênh số của một số Ngân hàng lên đến 90%, thời gian xử lý các giao dịch phức tạp giảm 2-3 lần, tiết kiệm được nhiều chi phí, từ đó cạnh tranh hơn, tăng khả năng tiếp cận thêm các nhóm khách hàng. Trong năm 2023 nhờ chuyển đổi số, có ngân hàng tăng hơn 2 triệu khách hàng mới, tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu tăng gần 50%.
Đối với ngân hàng SHB, ông Đức cho biết, việc đầu tư về công cho chuyển đổi số cũng tăng lên tương ứng với tỷ lệ tăng 40% năm 2022 và năm nay chúng tôi tăng lên 50%. SHB tập trung vào phát triển rất nhiều các sản phẩm số, tự động hóa quá trình để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh.
CTCK SHS cũng tập trung vào việc nâng cấp hệ thống core và đặc biệt là bổ sung thêm core phái sinh để đón đầu những xu hướng mới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung vào xây dựng các nền tảng trên mobile nhiều tính năng trading mới để trải nghiệm trên hệ thống.
Xu hướng hướng chuyển đổi số trong năm 2024
Kinh tế thế giới năm 2024 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, lạm phát còn giữ ở mức cao, các xung đột vẫn còn dai dẳng, sức mua toàn cầu vẫn chưa thật sự hồi phục. Tuy nhiên, ông Hòa vẫn lạc quan cho rằng vẫn có triển vọng tươi sáng, lạm phát dần được kiểm soát, các NHTW cắt giảm lãi suất, các nguồn vốn xanh sẽ được triển khai, thương mại toàn cầu phát triển. Tại Việt Nam, kinh tế số dự báo sẽ chiếm 20% GDP. Ngành ngân hàng trên đà của 2023 vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào chuyển đổi số và công nghệ, và 2024 sẽ đi sâu hơn và rộng hơn nữa trong việc ứng dụng AI/GenAI; thanh toán xuyên biên giới và các mục tiêu của ESG. Ngành ngân hàng dự báo chờ đón một kỷ nguyên mới của AI & ESG.
Các chuyên gia nhận định về xu hướng chuyển đổi số năm 2024 trong Talkshow Phố Tài chính |
Phó Tổng Giám đốc SHB cho rằng hoạt động chuyển đổi số sẽ tiếp tục tăng cường hơn trong 5 năm tới. Theo thống kê ông Danh thấy có 5 xu hướng như sau, thứ nhất là về AI, thứ hai là tập trung vào an ninh thông tin (Cyber Security), thứ ba là vấn đề vấn đề tích hợp công nghệ, thứ tư là Cái thứ 4 đó là về phân tích dữ liệu và cuối cùng là chuyển đổi sang điện toán đám mây.
Đáng chú ý, ông Đức nhận định AI/ML và cả Generative AI là xu hướng thống trị trong năm 2024. Các ứng dụng của AI trong ngành ngân hàng sẽ rất đa dạng, hiện nay AI được ứng dụng nhiều nhất trong các chủ đề như nâng cao khả năng tương tác với khách hàng, gợi ý cho khách hàng các sản phẩm nhắm tới mục tiêu tăng Doanh thu, tăng số bán hàng Cross-sell, up-sell, phát hiện các gian lận (bên trong và bên ngoài), giảm thiểu rủi ro hoạt động, thay thế, hỗ trợ các hoạt động tiếp xúc với khách hàng qua Chatbots…
Cùng quan điểm, ông Hòa bổ sung thêm: "Trong năm 2024, chúng tôi nhận thấy các ngân hàng đã dần hình thành xu hướng tự động hóa thông minh, bổ sung thêm “bộ não” cho các robot bằng cách kết hợp RPA với AI, giúp các robot đáp ứng được nhiều nhu cầu nghiệp vụ đa dạng và phức tạp hơn như: tự động nhận diện các tác vụ cần tự động hóa, ra quyết định tự động hóa”.
>> Chuyên gia chứng khoán: Hệ thống KRX thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường