Chuyên gia: Xây dựng luật cần đổi mới tư duy, đừng ngại vấn đề mới
Chuyên gia cho rằng, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khối lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật là rất lớn, nếu công tác xây dựng luật không thay đổi tư duy thì không tránh khỏi việc sửa đi, sửa lại luật liên tục.
Cần thay đổi tư duy làm luật
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV Quốc hội  dự kiến thông qua 18 luật và 3 nghị quyết, cho ý kiến 10 dự thảo luật.
Trong đó, đáng chú ý, Quốc hội ban hành một luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư và một luật sửa 7 luật liên quan đến tài chính .
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và là một trong số ít đại biểu đã có sáng kiến xây dựng một luật sửa nhiều luật  đã nhận định rằng, sau hơn chục năm xây dựng luật theo cách thức này, hiệu quả đạt được lại không như kỳ vọng.
Cần thay đổi tư duy làm luật. |
Do đó, ông Kiên nhấn mạnh, tại kỳ họp này, khối lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật là rất lớn, nếu công tác xây dựng luật không thay đổi tư duy thì không tránh khỏi việc sửa đi, sửa lại luật liên tục.
Cũng theo vị chuyên gia này, một trong những nhiệm vụ xã hội kỳ vọng nhất là Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải thay đổi tư duy làm luật, đừng mất thời gian ngồi tranh luận với nhau về câu chữ, chỗ này là chữ “và” thay cho chữ “với”, chỗ kia thay “dấu phẩy” bằng dấu “chấm phẩy”...
“Tư duy làm luật bây giờ là phải đi thẳng, đi trực diện vào bản chất của sự việc; luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế, xây dựng mới chỉ nhằm mục đích duy nhất là hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế, cả xã hội phát triển”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, theo ông Kiên, thay đổi tư duy làm luật ở đây thay vì ban hành một luật sửa nhiều luật, Quốc hội nên ban hành từng nghị quyết sửa từng luật. Vì thực ra, mỗi luật sửa không nhiều, nên không mất nhiều thời gian, công sức.
Hơn nữa, quy trình xây dựng nghị quyết cũng đơn giản hơn xây dựng luật rất nhiều, nên nghị quyết có thể ban hành ngay, có hiệu lực ngay, tránh tư duy xây dựng luật như lâu nay là những quy định nào chín muồi, được thực tế chứng minh là đúng thì đưa vào luật, quy định nào chưa chín, chưa rõ thì thực hiện thí điểm, nghiên cứu tiếp.
“Cách làm luật theo tư duy này là chạy theo thực tế cuộc sống, bởi có những điều hôm nay chín muồi, phù hợp, nhưng thời gian sau thì không và ngược lại có những điều hôm nay chưa rõ, chưa đúng, chưa phù hợp thì thời gian sau lại đúng, lại rõ, lại phù hợp”, ông Kiên nói.
>>Kiến nghị sớm đánh thuế người để nhà đất bỏ hoang 
Xây dựng luật: Tránh mang tính chung chung, đừng ngại vấn đề mới
Cùng nhìn nhận về cách xây dựng pháp luật, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, để bảo đảm vừa quản lý, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực, cần tránh xây dựng hệ thống pháp luật mang tính chung chung như: luật khung, luật ống.
Xây dựng luật: Tránh mang tính chung chung, đừng ngại vấn đề mới. |
Thay vào đó, phải bám sát cuộc sống, điều chỉnh được các quan hệ xã hội cũng như những xu thế vận động, phát triển của xã hội. Việc điều chỉnh này cần phải dựa trên các nguyên lý, nguyên tắc chung và mang tính phổ quát, không “luật hóa các quy định của nghị định và thông tư”.
Cũng theo vị chuyên gia này, không chỉ văn bản luật mà cả văn bản dưới luật như nghị định, thông tư cũng chỉ nên dừng ở một phạm vi nhất định, không nên quá chi tiết.
“Nếu cứ ôm đồm, muốn quản trị hết thì sẽ tự bó mình vào khung khổ chật hẹp, vô hình trung sẽ làm giới hạn dư địa của quản lý nhà nước trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển. Thay vào đó, hãy nhường chỗ cho các quy tắc cộng đồng (hiệp hội, nhóm xã hội...), tự họ sẽ đưa ra quy tắc ràng buộc và những giá trị theo nhu cầu, động cơ của những chủ thể trong đó”, ông Việt nói.
Mặt khác, xã hội phát triển sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề mới mà Quốc hội hay bất cứ cơ quan quản lý nào cũng không thể dự liệu được hết. Chẳng hạn như kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo,..., đây đều là những động lực mới cho sự phát triển đất nước, phù hợp với xu thế toàn cầu và đòi hỏi phải có hành lang pháp lý mới.
“Ban đầu, có thể chúng ta còn lúng túng, nhưng không vì thế mà không có hệ thống pháp luật điều chỉnh. Đừng sợ, đừng ngại vấn đề mới mà hãy mạnh dạn đề xuất, xây dựng chính sách để điều chỉnh các yếu tố mới nổi, và chấp nhận phải điều chỉnh dần.
Chính sự nhanh chóng ban hành các quy định cho các vấn đề mới nổi cũng là để vừa bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển”, ông Việt chia sẻ.
Philippines tin tưởng chính sách của Mỹ sau bầu cử tổng thống 
Thủ tướng ấn tượng chính sách visa vàng, cấp phép 5 phút mở doanh nghiệp của UAE