Kiến nghị sớm ban hành chính sách thuế áp dụng với người sở hữu nhiều nhà đất
Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị cần sớm ban hành chính sách thuế áp dụng đối với người sở hữu nhiều nhà đất, bỏ hoang BĐS.
Hôm nay 28/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.
Theo báo cáo, thuế được coi là giải pháp trung và dài hạn giúp phát triển bền vững thị trường bất động sản. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành luật mới về thuế, trong đó đánh thuế cao đối với những người sở hữu nhiều nhà, đất nhưng chậm đưa vào sử dụng hoặc để đất đai bỏ hoang.
Chính sách thuế, theo đoàn giám sát, cần đảm bảo mục tiêu tái phân phối thu nhập và tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách, dựa trên việc tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
>> Tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam sẽ lên TP trực thuộc Trung ương đang tìm nhà đầu tư cho KĐT nghìn tỷ
Thị trường BĐS hiện phát triển sôi động với nhiều loại hình mới. Ảnh: Internet |
Đồng thời, đoàn giám sát cũng cho rằng Chính phủ cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản để tích hợp với hệ thống đăng ký của các lĩnh vực liên quan.
Kiến nghị này được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản đã tồn tại nhiều bất cập, khi cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu.
Từ năm 2015 đến 2021, thị trường bất động sản phát triển sôi động với sự ra đời của nhiều loại hình mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú (officetel). Riêng condotel và officetel có gần 100.000 căn được Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế, cùng hàng chục nghìn căn do các địa phương thẩm định. Đến năm 2021, cả nước có khoảng 5.000 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 4,5 triệu tỷ đồng.
Dù nguồn cung dồi dào, phần lớn các dự án tập trung vào phân khúc cao cấp, ít sản phẩm phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân. Cuối giai đoạn này, các loại hình bất động sản du lịch và lưu trú đều gặp nhiều vướng mắc về pháp lý.
Đến giai đoạn 2022-2023, thị trường bất động sản suy giảm mạnh, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Nguồn cung giảm mạnh, giá bất động sản tăng vọt, đặc biệt tại Hà Nội và TP. HCM, không còn phân khúc chung cư phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân.
Theo số liệu thống kê từ UBND TP. Hà Nội, phân khúc căn hộ trung và cao cấp chiếm đa số. Năm 2022, giá căn hộ chung cư tăng cao nhưng lượng giao dịch rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10% số sản phẩm được chào bán ra thị trường. Nhà ở riêng lẻ vẫn duy trì mức giá cao và giao dịch gần như không có.
Bộ Xây dựng đã từng đề xuất đánh thuế nhà đất để giải quyết tình trạng giá nhà tăng cao và ngăn chặn sự chi phối của giới đầu cơ. Ảnh minh họa |
Tại TP. HCM, giá nhà đất tăng mất kiểm soát, gây mất cân đối giữa giá cả và giá trị, dẫn đến giao dịch giảm mạnh. Phần lớn các dự án nhà ở đều gặp vướng mắc và bị đình trệ, gây lãng phí đất đai và làm tăng chi phí cho các chủ đầu tư.
Giai đoạn này cũng ghi nhận số lượng lớn dự án nhà ở bị chậm tiến độ. Theo báo cáo của Chính phủ, Hà Nội có 404 dự án gặp khó khăn, trong đó khoảng 40% đã được xử lý. Tại TP. HCM, có 220 dự án gặp vướng mắc và chỉ mới xử lý được 35%. Thành phố hiện có 30 dự án ngừng thi công với quy mô khoảng 18.800 căn chung cư và gần 2.900 nhà riêng lẻ, cùng 56 dự án chưa thi công.
Thị trường bất động sản hiện dư thừa nhà ở cao cấp, trong khi nhà ở bình dân và nhà ở xã hội – phân khúc dành cho công nhân và người thu nhập thấp – lại thiếu hụt do các dự án chậm triển khai. Đa số các địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội. Chẳng hạn, TP. Hà Nội mới đạt 9% và TP. HCM đạt khoảng 19% chỉ tiêu.
Bộ Xây dựng đã từng đề xuất đánh thuế nhà đất để giải quyết tình trạng giá nhà tăng cao và ngăn chặn sự chi phối của giới đầu cơ. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ từ Bộ Tài chính, dù một số chuyên gia lo ngại rằng việc đánh thuế có thể khiến giá nhà đất tăng thêm. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng khẳng định chính sách thuế sẽ giúp hạn chế đầu cơ và thổi giá.
Ngoài ra, đoàn giám sát cũng đề nghị các Bộ ngành có biện pháp điều tiết, ngăn chặn tình trạng thị trường phát triển "nóng" hoặc "đóng băng", đồng thời tăng nguồn cung sản phẩm phù hợp với thu nhập đa số người dân. Nhà nước cũng cần ngăn chặn việc thao túng thị trường thông qua các phiên đấu giá đất nhằm tránh tạo "sốt" giá.
>> Tỉnh giấc sau cơn 'ngủ đông', loại hình BĐS này đã sẵn sàng bước vào chu kỳ mới
Tỉnh giàu nhất Việt Nam hỗ trợ xử lý hồ sơ pháp lý '0 đồng' cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội 
Thi nhau đặt mua căn hộ Sun Group giá chỉ từ 1 tỷ đồng, giỏ hàng “hết bay” ngay khi mở bán