Thị trường

Chuyên gia y tế từng quảng bá cho công ty liên quan đến vụ sữa giả nói gì khi sự thật phơi bày?

Bảo Linh 14/04/2025 20:00

Một loạt chuyên gia y tế trong các clip quảng cáo sữa giả, khiến người tiêu dùng dễ dàng đặt niềm tin vào sản phẩm.

Theo điều tra của VietNamNet, từ ngày 12/4, website và fanpage của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group và các nhãn hàng liên quan như Kawai, Talacmum, Sure IQ Gludiabet đã đồng loạt biến mất khỏi internet. Đây là những đơn vị bị cơ quan công an khởi tố vì sản xuất và buôn bán hàng giả là thực phẩm, nhắm tới đối tượng người bệnh, trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.

Trước khi đường dây bị phanh phui, một loạt video quảng cáo đã được phát hành trên YouTube và mạng xã hội, trong đó có sự góp mặt của nhiều chuyên gia y tế danh tiếng.

Một trong số đó là PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Trong clip giới thiệu dài gần 7 phút, bà Lâm đánh giá rất cao Hacofood, gọi đây là nhà máy "đạt tiêu chuẩn FDA Hoa Kỳ" và khẳng định người tiêu dùng có thể "rất yên tâm". Tuy nhiên, khi được hỏi lại, bà Lâm cho biết năm 2023, bà chỉ nhận lời từ một đơn vị truyền thông, tin tưởng vào các giấy tờ chứng nhận được cung cấp, trong đó có chứng nhận FDA và “không liên quan đến quy trình sản xuất”.

Chuyên gia y tế từng quảng bá cho công ty liên quan đến vụ sữa giả nói gì khi sự thật phơi bày?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm từng đánh giá cao Hacofood và khẳng định "rất yên tâm" khi sử dụng sản phẩm của công ty. Ảnh chụp màn hình

>> Vụ phát hiện 573 hiệu sữa bột giả: Mua hàng rởm, niềm tin đổ vỡ, đòi tiền được không?

"Tôi từng đến thăm nhà máy, thấy có dây chuyền khép kín, phải thay đồ bảo hộ mới được vào", bà Lâm nói, đồng thời cho biết mình không được duyệt nội dung trước khi clip phát hành và không phát biểu điều gì sai.

Trong khi đó, ThS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, cũng góp mặt trong đoạn giới thiệu dài hơn 13 phút về sản phẩm sữa Talacmum. Bà Hải ca ngợi dây chuyền sản xuất hiện đại, nguyên liệu nhập 100% từ Hà Lan và Nhật Bản, thậm chí mô tả sữa chứa chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, giúp “phục hồi sức khỏe tối ưu cho cả trẻ em và người lớn”.

Chuyên gia y tế từng quảng bá cho công ty liên quan đến vụ sữa giả nói gì khi sự thật phơi bày?
Thạc sĩ Lê Thị Hải được giới thiệu là Tiến sĩ trong clip quảng cáo của Hacofood. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, những thành phần “cao cấp” được quảng bá này hoàn toàn không có mặt trong sản phẩm. Các đối tượng đã thay thế bằng chất phụ gia rẻ tiền, vi phạm nghiêm trọng quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Đặc biệt đáng chú ý là sự xuất hiện của một người được giới thiệu là TS.BS Đinh Ngọc Hoa, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn trong đoạn clip quảng cáo sản phẩm Kawai Lactose Free First Infant. Người này mặc áo blouse trắng, khuyến nghị phụ huynh sử dụng sản phẩm để điều trị các tình trạng như biếng ăn, tiêu hóa kém, bất dung nạp đường lactose...

Chuyên gia y tế từng quảng bá cho công ty liên quan đến vụ sữa giả nói gì khi sự thật phơi bày?
Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định không có nhân viên tên Đinh Ngọc Hoa. Ảnh chụp màn hình

>> Lộ diện 2 giám đốc 'bù nhìn' trong vụ sữa bột giả thu lợi 500 tỷ đồng

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Long – Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn – khẳng định không có nhân sự nào tên Đinh Ngọc Hoa làm việc tại bệnh viện. Điều này cho thấy khả năng mạo danh chuyên gia y tế nhằm tăng độ tin cậy cho sản phẩm là rất cao.

Vụ việc đặt ra câu hỏi lớn: Làm thế nào mà những gương mặt từng giữ vị trí cao trong ngành dinh dưỡng lại dễ dàng bị lợi dụng? Phải chăng có sự thiếu cẩn trọng trong kiểm tra nội dung, hay đơn giản là niềm tin mù quáng vào các tài liệu được trình bày?

Ở khía cạnh pháp lý, các chuyên gia chưa bị cáo buộc sai phạm, nhưng sự xuất hiện của họ trong các clip quảng cáo sữa giả đã vô tình tiếp tay cho hành vi lừa đảo, khiến hàng triệu người tiêu dùng bị dẫn dắt tin vào những sản phẩm không đạt chuẩn, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe.

Trong bối cảnh người dân ngày càng mất niềm tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng, vụ việc lần này là một hồi chuông cảnh tỉnh. Không chỉ nhà sản xuất mà người phát ngôn, chuyên gia, KOLs cũng cần có trách nhiệm cao hơn với phát ngôn của mình, đặc biệt khi liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

>> Hé lộ quy trình hoạt động của đường dây sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột giả

Điểm tên một số sản phẩm 'quen mắt' trong 600 nhãn hiệu sữa giả 'gây hại' trẻ nhỏ và thai phụ vừa bị phát hiện

8 đối tượng đứng sau 'đế chế sữa giả' vừa bị phanh phui tại Hà Nội

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-y-te-tung-quang-ba-cho-cong-ty-lien-quan-den-vu-sua-gia-noi-gi-khi-su-that-phoi-bay-286685.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chuyên gia y tế từng quảng bá cho công ty liên quan đến vụ sữa giả nói gì khi sự thật phơi bày?
    POWERED BY ONECMS & INTECH