Cơ chế đặc thù mở đường cho nhà thầu Việt vào dự án đường sắt 67 tỷ USD, cú bứt phá cho cổ phiếu xây dựng, đầu tư công
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai, kỳ vọng tạo cú hích cho cổ phiếu nhóm xây dựng và đầu tư công như CTD, VCG, FCN, HHV...
Trong phiên ngày 13/1/2025, thị trường chứng khoán tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trên diện rộng, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bluechip khi lực cung vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, lực cầu nhập cuộc sau 14h đẩy chỉ số lên cao nhất phiên với mức tăng hơn 5 điểm lên 1.235.
Đáng chú ý là mức tăng khả quan của nhiều mã xây dựng, đầu tư công, nổi bật là CTD (+2,8%), FCN (+2,5%), HHV (+2,2%), VCG (+1,4%)... Đà tăng này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng ngành xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh các dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao  Bắc - Nam đang được xúc tiến triển khai.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo tại phiên họp thứ ba về đề án chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho dự án, đồng thời xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm số lượng, chuyên ngành, trình độ và thời gian đào tạo để đáp ứng yêu cầu vận hành, khai thác trong tương lai.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc lựa chọn các doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực và kinh nghiệm để tham gia vào các công đoạn thi công, chuyển giao công nghệ, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đặc biệt, cơ chế lựa chọn nhà thầu  cần phải được nghiên cứu kỹ càng, có thể áp dụng đấu thầu, chỉ định thầu hoặc các cơ chế đặc biệt đối với những hạng mục quan trọng nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.
Đề xuất cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp Việt tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam |
Trước đó, vào tháng 12/2024, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét loạt cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trong tờ trình, VACC nhấn mạnh sự cần thiết ưu tiên sử dụng các nhà thầu Việt để thúc đẩy việc tạo việc làm trong nước và tăng cường tính chủ động, tự chủ. Các nhà thầu trong nước được khuyến khích liên danh với các đối tác quốc tế, trong đó nhà thầu Việt Nam đóng vai trò chủ lực. Mặt khác, Hiệp hội đề xuất các nhà thầu nước ngoài muốn tham gia phải liên danh với các nhà thầu Việt và đảm nhận ít nhất 50% khối lượng công việc.
Riêng về nhà thầu tư vấn, dự án sử dụng quy trình thiết kế FEED và đấu thầu nhà thầu EPC. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt thường tách bạch vai trò giữa nhà thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu xây dựng. Vì vậy, trong quá trình đấu thầu, cần có sự liên kết giữa 2 nhóm nhà thầu này, bao gồm cả nhà thầu nước ngoài.
“Do lực lượng nhà thầu tư vấn trong nước còn hạn chế, các cơ quan có thẩm quyền cần cho phép nhà thầu tư vấn tham gia các giai đoạn nghiên cứu khả thi và thiết kế FEED. Các nhà thầu này có thể tham gia liên danh với tổng thầu EPC trong đấu thầu, nếu có thể chứng minh sự độc lập về pháp lý và tài chính với các thành viên nhà thầu xây lắp trong tổ hợp tổng thầu EPC hoặc cho phép nhà thầu EPC lựa chọn tư vấn thiết kế sau khi trúng thầu”, văn bản kiến nghị nêu.
Đặc biệt, Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cũng đề xuất mô hình giám sát thi công kết hợp giữa tư vấn trong và ngoài nước, cùng với yêu cầu chuyển giao công nghệ thi công cho các doanh nghiệp nội địa trong suốt quá trình triển khai.
Với những chỉ đạo quyết liệt và kỳ vọng lớn từ Chính phủ, các doanh nghiệp xây dựng trên sàn chứng khoán như Coteccons (CTD ), Đèo Cả (HHV), Vinaconex (VCG), Lizen (LCG ), FECON (FCN)... đang đứng trước cơ hội lớn khi tham gia vào siêu dự án đường sắt tốc độ cao, kỳ vọng mang lại cú hích cho cổ phiếu trong thời gian tới.