Cơ hội lớn, các đại gia thủy sản vẫn lao dốc
CTCP Vĩnh Hoàn của nữ hoàng thủy sản Trương Thị Lệ Khanh bất ngờ báo lãi giảm mạnh. Minh Phú thua lỗ cho dù trước đó rất được kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Lợi nhuận giảm mạnh
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với lợi nhuận sau thuế giảm hơn 56% so với cùng kỳ năm trước xuống 200 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận giảm nửa còn 883 tỷ đồng.
Trước đó, Thủy sản Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh xin được gia hạn nộp báo cáo tài chính quý III do doanh nghiệp phải tiếp đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Mỹ hồi cuối tháng 10 cho kỳ kiểm tra hành chính lần thứ 19 đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã từ chối đề nghị gia hạn.
Trong quý III, nhiều doanh nghiệp thủy sản báo lợi nhuận lao dốc, trái ngược với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư về một kịch bản xuất khẩu tăng trưởng mạnh sang Mỹ, khi quốc gia này bước vào mùa cao điểm tiêu thụ, các tập đoàn bán lẻ ghi nhận hàng tồn kho giảm. Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện…
CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI) báo lợi nhuận sau thuế quý III/2023 giảm 77% so với cùng kỳ xuống còn 23 tỷ đồng và giảm 15% so với quý trước. Doanh thu giảm 11% so cùng kỳ xuống còn 1.749 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của IDI giảm sâu, còn 6% trong quý III, so với 11% cùng kỳ và 8% trong quý liền trước. IDI chịu khoản lãi vay còn rất lớn trong bối cảnh lãi suất ngân hàng vẫn treo ở mức cao.
CTCP Chế Biến Thủy Sản và Xuất Nhập Khẩu Cà Mau - Camimex (CMX) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 74%, chỉ còn 8,8 tỷ đồng trong quý III do doanh thu thuần giảm 34% xuống còn 538 tỷ đồng. CTCP Nam Việt (ANV) trong khi đó báo lãi lao dốc 99% từ 120 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 1 tỷ đồng. Doanh thu thuần giảm 11% xuống còn 1.099 tỷ đồng.
Thủy sản Minh Phú (MPC) thậm chí còn lỗ 26 tỷ đồng trong quý III, so với mức lãi 332 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần giảm 41% xuống dưới 3.000 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh số xuất khẩu cá tra 9 tháng năm nay giảm 30,7%. Tính chung cả ngành thủy sản, doanh số xuất khẩu 9 tháng giảm 22%.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kỳ vọng các doanh nghiệp thủy sản sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm với dự báo cho rằng xuất khẩu sẽ tăng khi sức cầu tiêu thụ của một số nước hồi phục và thị trường vào "mùa vàng" cuối năm.
Xuất khẩu sang Mỹ cũng được kỳ vọng sẽ tích cực khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản Việt Nam…
Nhóm cổ phiếu thuỷ sản do đó được đặt kỳ vọng khá cao. Tuy nhiên, không ít mã nhóm ngành này giảm mạnh trong 2 tháng qua. Cổ phiếu MPC giảm từ 20.000 đồng xuống còn 17.000 đồng/cp. Thủy sản Vĩnh Hoàn giảm từ trên 80.000 đồng/cp về mức 70.000 đồng/cp như hiện tại…
Tín hiệu tích cực từ thị trường số 1
Trong một báo cáo giải trình, Tổng Giám đốc Thủy sản Vĩnh Hoàn Nguyễn Ngô Vĩ Tâm cho biết, sở dĩ lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý III giảm mạnh là do sản lượng và giá bán giảm.
Trên thực tế, trong quý III, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu giảm hơn 19% so với cùng kỳ về còn 2.700 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 30% xuống 7.680 tỷ đồng. Trong khi doanh thu giảm mạnh, giá vốn được duy trì ở mức cao. Doanh thu giảm bất chấp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu gần đây có tín hiệu tích cực.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh tháng 10, Vĩnh Hoàn cho biết, xuất khẩu của doanh nghiệp này vào Mỹ sụt giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa giảm 14%.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này ghi nhận xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 10 tăng 43% và xuất khẩu sang châu Âu tăng 20%.
Với Thủy sản Minh Phú, giải trình về kết quả thua lỗ trong quý III, doanh nghiệp của vợ chồng “vua tôm” Lê Văn Quang-Chu Thị Bình cho biết là do doanh thu giảm. Luỹ kế 9 tháng, Thuỷ sản Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.466 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp ngành thủy sản đang phải đối mặt là việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Đây là yếu tố hạn chế các doanh nghiệp như MPC ký kết các đơn hàng mới.
Đây là một kết quả khá thất vọng khi mà vài năm gần đây Mỹ luôn giữ vị trí số 1 với giá trị nhập khẩu tôm Việt Nam với trị giá cả tỷ USD/năm. Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản vào Mỹ là rất lớn.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh kể từ sau khi Mỹ - Việt Nam xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện gần đây được xem là một cú hích cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hơn thế, gần đây, lạm phát của Mỹ hạ nhiệt và tồn kho hàng hóa của các tập đoàn bán lẻ của Mỹ thời hậu Covid cũng đã giảm mạnh. Nhiều người kỳ vọng xuất khẩu vào Mỹ trong đó thủy sản sẽ tăng.
Mặc dù xuất khẩu thủy sản sang Mỹ chưa khởi sắc trong 9 tháng đầu năm nhưng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có tín hiệu tích cực trong tháng 9 và tháng 10.
Trong 9 tháng, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo VASEP, thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV.
Thông thường, đơn đặt hàng từ các hãng bán lẻ nước ngoài có xu hướng tăng vào cuối năm do nhu cầu dịp lễ tết. Nền kinh tế số 1 thế giới có dấu hiệu thoát suy thoái và đang hồi phục.
Trung Quốc trong khi đó được đánh giá có dư địa lớn cho thủy sản Việt. Trong năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 66%.
Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD, nhưng... 
Nam Định xuất hiện 'thủ phủ váy cưới', nông dân làng biển đổi đời từ nghề tay trái