Nam Định xuất hiện 'thủ phủ váy cưới', nông dân làng biển đổi đời từ nghề tay trái
Nghề may váy cưới đã mang lại đời sống khấm khá cho hàng nghìn người dân địa phương, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế vùng ven biển này.
Trước đây, cũng như nhiều xã ven biển khác, người dân Giao Lạc (huyện Giao Thủy, Nam Định) chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nuôi trồng thủy, hải sản. Từ những năm 2000, nghề may váy cưới bắt đầu xuất hiện như một nghề phụ, dần trở thành nghề kinh tế mũi nhọn của xã.
Chị Đỗ Thị Lan, chủ cơ sở váy cưới Lan Thượng tại thôn Đại Đồng, chia sẻ rằng gia đình chị là một trong những hộ kinh doanh váy cưới đầu tiên trong xã. Khi mới bắt đầu, cơ sở của chị chỉ có vài lao động, nhưng sau hơn 20 năm phát triển, quy mô cơ sở đã tăng lên với khoảng 50 lao động.
Theo chia sẻ của chị Lan, nhu cầu thị trường váy cưới tăng nhanh đã mở ra nhiều cơ hội cho nghề may váy cưới tại Giao Lạc. Các cơ sở sản xuất tại đây đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước. Khách hàng chỉ cần đưa mẫu, xưởng may sẽ hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu với giá dao động từ 1-5 triệu đồng/chiếc hoặc cao hơn tùy thuộc mẫu mã.
Trung bình, xưởng của chị Lan sản xuất được 50-60 chiếc váy mỗi ngày, tương đương 1.500 chiếc mỗi tháng. Với sản lượng đều đặn, thu nhập của mỗi lao động tại cơ sở dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng, có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng đối với thợ lành nghề.
Nghề may váy cưới đã giúp người dân xã Giao Lạc có cuộc sống ổn định. Ảnh: Vietnamnet |
Hiện nay, xã Giao Lạc có khoảng 280 cơ sở sản xuất váy cưới, giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động. Để hoàn thiện mỗi chiếc váy, các xưởng phải trải qua nhiều công đoạn như lên ý tưởng, cắt vải, may, đáp thân, thiết kế hoạ tiết, đính hoa, kết cườm. Trong đó, khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định độ bắt mắt và sự hợp thị hiếu của sản phẩm. Chính sự chỉn chu và giá cả hợp lý đã giúp váy cưới Giao Lạc nhanh chóng phủ sóng khắp cả nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.
Sự phát triển của nghề may váy cưới đã góp phần đáng kể vào sự thay đổi diện mạo địa phương. Hạ tầng xã được nâng cấp với đường làng, ngõ xóm tráng nhựa sạch đẹp và nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng.
Lãnh đạo xã Giao Lạc cho biết, chính quyền luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển. Các biện pháp hỗ trợ xử lý rác thải từ vải và hướng dẫn hình thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp may mặc đã được triển khai nhằm phát triển nghề một cách bài bản và bền vững hơn.