Cơ hội tích sản cổ phiếu 10 năm có 1 - Dòng tiền giấu mặt P-Notes quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam?

06-12-2022 05:50|Lan Phương

Chỉ số trong năm 2010 không tăng nhiều nhưng các cổ phiếu được P - Notes mua đều tăng rất mạnh và thanh khoản giai đoạn này gần như gấp đôi so với trước đó.

Cơ hội tích lũy

Trong talkshow "Kỳ vọng phá vỡ xu hướng downtrend" mới đây, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, CTCK Maybank Investment Bank (MSVN) chia sẻ thị trường đã phản ứng tích cực với số liệu lạm phát Mỹ tháng 10/2022 hạ nhiệt và Fed có thể điều chỉnh giảm tốc độ tăng lãi suất  trong những kỳ tới.

Theo ông Thành, chỉ số USD-Index đã giảm dần từ 2 tuần gần đây khiến áp lực tỷ giá hạ nhiệt dần. Tuy nhiên, một yếu tố khác cần quan tâm là lạm phát. Lạm phát không phải yếu tố của năm nay, nhưng năm sau, ít nhất nửa năm sau, ông Thành tin rằng cơ quan quản lý nhà nước sẽ theo dõi vấn đề lạm phát rất cẩn thận vì chúng ta đã mất giá đồng Việt Nam khoảng 8%, chúng ta sẽ chịu áp lực nhập khẩu lạm phát một phần. Một phần khác là mức nền so sánh CPI năm 2021, 2022 rất tốt, nhưng năm 2023 áp lực lạm phát sẽ phải quan tâm.

Giám đốc MSVN nhận định "Nếu đến tháng 6/2023, chúng ta thấy lạm phát được kiểm soát trong mức cho phép, sẽ có không gian để NHNN và cơ quan quản lý chấp nhận chính sách nới lỏng hơn, trong đó là cả giảm lãi suất và nới room tín dụng vào cuối năm".

Theo đó, ông Thành chia sẻ một số nhận định và chiến lược đầu tư năm 2023 của đội ngũ phân tích MSVN đang làm chiến lược đầu tư.

"Trong kịch bản tốt, tôi cho rằng chúng ta sẽ có một thị trường thị trường điều chỉnh theo chu kỳ ngắn, tức 6 tháng và mức điều chỉnh sẽ theo định giá ở mức 900 – 950 điểm là hợp lý, tương ứng với định giá 10 lần P/E".

Thị trường đã điều chỉnh từ tháng 4. Khi đó, chuyên gia MSVN cho rằng đó chỉ là sự điều chỉnh do một sự kiện (thường khi thị trường điều chỉnh theo sự kiện sẽ chỉ kéo dài trong 3 – 8 tháng). Thực tế, thị trường giảm từ tháng 4 – 9, mất khoảng 27%. Trước đó, giai đoạn COVID-19, thị trường cũng là sự điều chỉnh theo sự kiện. Nhưng nếu bước vào sự điều chỉnh mang tính chu kỳ, thị trường giảm kéo dài nhanh là khoảng 6 tháng, lâu là 12 tháng.

Vì vậy, chuyên gia đánh giá rằng với định giá rẻ, nhà đầu tư có thể mua được rồi nhưng mua bao nhiêu, tập trung cổ phiếu nào, giữ tỷ trọng tiền mặt bao nhiêu để đề phòng yếu tố cơ cấu kia là việc quản trị danh mục rủi ro, còn quyết định tích lũy dần cổ phiếu mang tính đầu tư, tích sản là thời điểm 10 năm có 1 lần.

Tuy nhiên, lãi suất ở mức cao kéo dài cả năm sau do yếu tố lạm phát, vị này cho là mức điều chỉnh hợp lý để nhà đầu tư so sánh giữa lãi suất chênh lệch thị trường và lãi suất tiền gửi, ở mức đâu đó thị trường điều chỉnh 9 lần, đối chiếu phần định giá thì 870 điểm là mức hợp lý.

"Thị trường vừa rồi sau khi giảm xuống 874 điểm đã bật lại. Tôi cho rằng lúc đó thị trường đã phản ánh phần nào lo ngại về việc điều chỉnh chu kỳ dài, từ đó thị trường sẽ có sự phục hồi. Đặc biệt trong thời điểm này có phần quỹ ETF Fubon Đài Loan, vì nước ngoài cũng nhìn vào định giá, khi định giá xuống đến mức đó là hợp lý thì họ sẽ mua vào", chuyên gia MSVN đề cập.

Tuy nhiên, theo quan điểm phân tích nhìn cho năm sau, ông Thành cho rằng tồn tại 20% rủi ro đến từ điều chỉnh do yếu tố cơ cấu, điều này quay lại thị trường trái phiếu, thanh khoản của thị trường. Đến giữa năm 2023, nếu chúng ta có những hành động cụ thể bên cạnh lời nói giúp TTTP có sự phục hồi, không kỳ vọng là phục hồi một cách mạnh mẽ, nhưng ít nhất là lợi suất trái phiếu phải có sự điều chỉnh trở lại từ mức 25% bình quân về lại mức 13 -15% cũng là cao, nhưng ít nhất là không rủi ro.

Theo ông Thành, NHNN phải có những hành động cụ thể để giúp room tín dụng bơm ra để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản để tránh rơi vào vỡ nợ liên quan đến trái phiếu bất động sản. Nếu không, niềm tin sẽ bị tác động rất nặng, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái điểu chỉnh sâu theo cơ cấu.

"Chúng ta nhìn vào điều chỉnh cơ cấu là lúc liên quan đến khủng hoảng tài chính năm 1997 hay 2008, đó là giai đoạn khủng hoảng liên quan đến cơ cấu, tỷ lệ vay nợ quá nhiều, chúng ta bước vào giai đoạn giảm nợ. Ở Việt Nam, chúng ta không đáng xảy ra khủng hoảng cơ cấu". Dù vậy lệ vay nợ, tỷ lệ đòn bẩy của nền kinh tế hiện vẫn ở mức hợp lý. 

Giám đốc MSVN đánh giá thị trường đã phản ánh 80% rủi ro về mặt suy giảm do yếu tố chu kỳ, còn 20% liên quan đến suy giảm cơ cấu. Đấy là điều nhà đầu tư vẫn phải cân nhắc trong việc quản trị danh mục.

Cổ phiếu rẻ, khối ngoại tranh thủ giải ngân

Nửa đầu tháng 11 ghi nhận những rung lắc mạnh, VN-Index liên tiếp đánh mất các mốc hỗ trợ cứng. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng chứng khoán Việt Nam đã quay đầu hồi phục. Đặc biệt, 5 phiên cuối cùng, lực cầu bắt đáy được kích hoạt khiến chỉ số chính tăng tốc để về đích tại mức điểm cao nhất tháng. Nếu so với vùng đáy tháng 911,9 điểm (phiên 15/11) thì chỉ số chính của TTCK Việt Nam đã bật tăng tới gần 137 điểm chỉ trong vòng nửa cuối tháng 11.

Đáng chú ý, sự phục hồi của thị trường có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi giá trị mua ròng tháng 11 mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây đạt 16.911 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư ngoại mua ròng 15.906 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh, mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

VN-Index giảm điểm mạnh 33% trong vòng 3 tháng đã đưa mặt bằng định giá xuống mức 9,5x P/E và 1,3x P/B, mức trung bình lịch sử trừ 2 lần độ lệch chuẩn. Đây là mức định giá hiếm có trong quá khứ (lần gần nhất khoảng hơn 10 năm trước) và điều này kích thích dòng tiền để bắt đáy tích luỹ với các cổ phiếu đầu ngành, vốn hoá lớn.

Theo thống kê, các quỹ ETFs chiếm khoảng hơn 30% trong tổng giá trị khối ngoại mua ròng khớp lệnh, trong đó, quý Đài  Loan Fubon ETF đóng góp 4.500 tỷ. Vậy phần khối ngoại mua ròng khớp lệnh còn lại đến từ đâu?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập FIDT phân tích, quy mô danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF đạt xấp xỉ 20 tỷ Đài tệ, tương ứng hơn 15.900 tỷ đồng. Đây là quỹ ETF bám sát theo chỉ số FTSE Vietnam 30 và đã giải ngân gần hết số tiền trên nên quy mô khối ngoại mua ròng trong tuần vừa qua cho thấy có “dấu chân” của một nhóm khối ngoại khác.

Đó là một loại công cụ tài chính phái sinh được gọi là chứng chỉ tham gia đầu tư được gọi là Participatory Notes hay còn gọi là P-Notes, được các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Để phát hành P-Notes, các định chế tài chính lớn thường tích lũy một số lượng cổ phiếu đủ lớn, bao gồm các cổ phiếu lớn, có thanh khoản tốt, hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện cho thị trường để lập thành một danh mục. Trên danh mục đó, các tổ chức tài chính này sẽ phát hành P-Notes cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán của nước sở tại.

Tại TTCK Việt Nam, cả 4 ngân hàng đầu tư nước ngoài có quy mô lớn là Deutsche Bank, HSBC, Citigroup và Merrill Lynch (nay là một bộ phận của Bank of America) đều triển khai phát hành các P-Notes cho khách hàng của mình ở nước ngoài.

Ông Huỳnh Minh Tuấn dự đoán “Với cơ chế chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa và thanh khoản lớn, có ảnh hưởng mạnh đến các chỉ số vào thời điểm mua thì một số mã được khối ngoại mua ròng mạnh thời gian qua như HPG, VIC, VHM, MSN, CTG, VRE gần như chắc chắn có trong danh mục của P – Notes”,

Nhìn lại quá khứ, sau giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến VN-Index rơi không phanh từ gần 1.180 điểm về 235 điểm và đến năm 2009 là giai đoạn bơm tiền mạnh đẩy chỉ số từ 235 điểm lên 632 điểm và rơi lại về 427 điểm cuối năm 2009. Đó là thời điểm dòng tiền từ P - Notes đổ bộ lần đầu vào TTCK Việt Nam.

Mặc dù chỉ số trong năm 2010 không tăng nhiều nhưng các cổ phiếu được P - Notes mua đều tăng rất mạnh trong năm 2010 và thanh khoản giai đoạn này gần như gấp đôi so với trước đó.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn được P - Notes mua mạnh vào thời điểm đó là HPG, VIC, BVH, HAG, VNM, VCB, PVD, MSN. Các cổ phiếu tăng mạnh nhất giai đoạn này có thể kể đến HPG tăng 3,5 lần, BVH tăng 5 lần, VIC tăng 10 lần,...

Giai đoạn tiếp theo có thể có dấu chân của P - Notes là 2016, đây là giai đoạn chỉ mua và gần như không bán. Một giai đoạn nữa gần đây cũng khá rõ ràng có dấu chân của P - Notes là cuối 2018 đến tháng 03/2019.

Cách giao dịch của P - Notes là tấn công cực mạnh, các cổ phiếu hầu như kéo thẳng tắp không có nhịp chỉnh và gần như không có cơ hội cho nhà đầu tư chậm chân có thể mua. Thanh khoản thường khi P - Notes vào tăng rất mạnh, cứ ngỡ như là thanh khoản trong uptrend. Một đặc điểm nữa là P - Notes thường vào ở những thời điểm thị trường trông rất yếu, thanh khoản thì lẹt đẹt hoặc sau đoạn vừa giảm mạnh.

Năm nay, VN-Index đã rơi nhanh sau khi đạt đỉnh vào 2 năm  covid. Nguyên nhân đến từ những yếu tố kém lạc quan của kinh tế toàn cầu và loạt vi phạm trên thị trường cổ phiếu cùng trái phiếu. Niềm tin của nhà đầu tư bị đẩy xuống thấp khiến thanh khoản thị trường giảm sút, tâm lý  tiêu cực đem tới áp lực bán tháo mạnh, đẩy thị giá rơi xuống vùng thấp kỷ lục, giảm hàng chục % sau thời gian ngắn. Theo đó hầu hết các mã đều đã chiết hấu 30% - 80% bất chấp doanh nghiệp báo  doanh thu và nhuận đều tăng cao.

Ngày 23/11, ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite đến từ Phần Lan chia sẻ rằng TTCKVN có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong khu vực nhưng lại tụt xuống mức định giá thấp nhất. Các công ty niêm yết của Việt Nam rất vững chắc với tỷ lệ D/E ròng là 19,4% rất vừa phải.

Nhà quản lý quỹ dự báo, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết Việt Nam trong năm nay là +20-25% và năm 2023 là +18%.

Đây là những yếu tố thu hút dòng nhà đầu tư ngoại. Sau khi mua ròng kỷ lục vào tháng 11, khối ngoại tiếp tục mạnh tay gom ròng khớp lệnh 7.908 tỷ trong tuần đầu tháng 12 (từ 28/11- 2/12). Các mã được mua ròng mạnh nhất HPG (1.435 tỷ), VHM (1.308 tỷ), STB (801 tỷ), SSI (559 tỷ), VIC (685 tỷ), MSN (564 tỷ), CTG (354 tỷ), KBC (280 tỷ), KDH, (305 tỷ), VND (243 tỷ), VNM (243 tỷ), VRE (226 tỷ), VCB (256 tỷ), GEX (195 tỷ).

Thị trường ‘căng’ margin?

Hé lộ thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-hoi-tich-san-co-phieu-10-nam-co-1-dong-tien-giau-mat-p-notes-quay-lai-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-161052.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cơ hội tích sản cổ phiếu 10 năm có 1 - Dòng tiền giấu mặt P-Notes quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam?
    POWERED BY ONECMS & INTECH