Nhiều du khách đến đây không chỉ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên tươi đẹp mà còn cảm nhận được không gian mang đậm chất nghệ thuật.
Người dân xã Cự Thắng (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ ) thường truyền tai nhau câu thơ:
"Vạn - Mơ tên vợ, tên chồng
Hoang sơ tìm đến, dụng công tạo thành.."
Những chi tiết này phần nào giúp thể hiện nguồn gốc cái tên của con thác Mơ (hay còn được gọi là thác Vạn Mơ). Không giống như nhiều điểm du lịch khác với tên gọi mỹ miều, thác Vạn Mơ thực chất là tên ghép của cặp vợ chồng anh Vạn - chị Mơ, những người đã tìm ra dòng thác này và hiện đang lưu trú, khai thác du lịch tại đây.
Trước đây, thác cũng được gọi là thác Vạn Mơ, thế nhưng lâu dần người ta lại gọi với một cách thân mật, rút gọn nhẹ nhàng hơn, đó là thác Mơ. Ngoài tên gọi này thì thác cũng được biết đến với tên là thác chòi, thác chín tầng...
Thác Mơ cách Hà Nội khoảng 120km, đường giao thông khá thuận tiện cho du khách. Nếu đi từ Hà Nội , du khách phải đi qua Sơn Tây  rồi qua cầu Trung Hà để đến Thanh Thuỷ (Phú Thọ). Đường đến xã Cự Thắng (huyện Thanh Sơn) có chút ghập ghềnh, nhưng khung cảnh lại bình yên, nên thơ, bao bọc bởi màu xanh của núi rừng, tạo nên một cảm giác thiên nhiên và con người như hoà quyện vào nhau. Từ trung tâm xã Cự Thắng đi vào khoảng 3km đường trải sỏi, bạn đã đến với không gian của thác Mơ.
Đường lên thác ngoài bóng dáng những cây cổ thụ lâu năm còn được bao bọc bởi hệ thống dây leo chằng chịt. Từ xa xa, du khách đã nghe tiếng thác nước rì rào như câu chuyện thầm thì của cô thiếu nữ, tiếng suối róc rách chảy dưới những chân núi, ngửi thấy đâu đây thoang thoảng hương của đất, của hoa rừng quyến rũ, tiếng con chim rừng đâu đó kêu vang... cho ta cảm giác như vừa thoát khỏi chốn trần tục ồn ào để tìm đến nơi tĩnh lặng, bình yên.
Men theo con suối nhỏ để đến chân thác, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên còn hoang sơ của đại ngàn, thác được bao bọc bởi những ngọn núi xanh mát, hệ động thực vật nguyên sinh phong phú, đa dạng. Đứng từ chân thác ngước nhìn lên, bạn sẽ thấy nắng mặt trời chiếu rọi qua từng tia nước bung toả qua sườn núi đá, tựa như một bức tranh sắc màu pha lê lung linh. Thác Mơ có đến 9 tầng khác nhau nhưng lại là sự gắn bó, kết nối, như sự gắn kết giữa trời và đất, dòng chảy của thác nhẹ nhàng, êm ái như mái tóc buông xoã của thiếu nữ.
Một trong những trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích khi đến với thác Vạn Mơ là bắt cá suối, ốc, cua đá… Tự tay mò những loài vật bé nhỏ giữa vùng thiên nhiên hoang sơ khiến khách du lịch cực kỳ thích thú. Cho đến khi đã thấm mệt sau những giờ vui chơi, bạn có thể hòa mình vào làn nước trong veo chảy ra từ con thác, tận hưởng cảm giác giải tỏa stress "miễn phí" từ thiên nhiên đại ngàn.
Đến với thác Mơ, khách du lịch còn có thể lựa chọn tham quan hệ thống rừng nguyên sinh với sự hướng dẫn của anh Vạn, chị Mơ. Tại đây vẫn còn sự hiện diện của nhiều loại gỗ quý, cây đại thụ lâu năm tỏa bóng mát cùng hệ thống dây leo chằng chịt men theo vách đá...
Sau khi khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, du khách có thể nghỉ ngơi ở nhà sàn và thưởng thức những món ăn dân giã, đặc sắc của miền sơn cước của đồng bào dân tộc Thanh Sơn như gà cựa, xôi nếp, rau rừng, cá suối...
Theo kinh nghiệm của những người từng đến thác Mơ, giá vé vào tham quan thác khá rẻ, chỉ 30.000 đồng/người. Nơi đây có bãi xe rộng, phục vụ cơm bình dân buổi trưa. Nhưng nếu muốn ăn tối nơi đây thì phải gọi điện báo trước.