Cố nhạc sĩ nổi tiếng là tác giả của ca khúc ‘Nối vòng tay lớn’, từng cất tiếng hát trên sóng Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975
Ông là nhạc sĩ Việt Nam hiếm hoi có sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng vươn tầm thế giới.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939) tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhưng quê gốc ở làng Minh Hương, xã Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông được biết đến với hơn 600 ca khúc , trong đó nhiều bài hát phản chiến, tình ca và các tác phẩm mang đậm chất triết lý và nhân văn.

Ca khúc “Nối vòng tay lớn” được ông sáng tác vào năm 1968, trong bối cảnh phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam Việt Nam đang dâng cao. Bài hát mang thông điệp về sự đoàn kết, thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình.
Lần đầu tiên, ca khúc được thu âm bởi ca sĩ Khánh Ly trong băng nhạc “Hát cho quê hương Việt Nam 1” vào năm 1969. Đến năm 1970, Trịnh Công Sơn đã trình diễn bài hát này tại trại sinh hoạt “Nối vòng tay lớn” dành cho thanh niên, sinh viên tại Huế.
Đặc biệt, vào chiều ngày 30/4/1975, sau khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Trịnh Công Sơn đã có mặt tại Đài Phát thanh Sài Gòn và trực tiếp hát “Nối vòng tay lớn” như một biểu tượng cho sự hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước.


Sau năm 1975, bài hát trở nên phổ biến rộng rãi, thường được sử dụng trong các chương trình âm nhạc, sinh hoạt cộng đồng và các sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, phải đến ngày 12/4/2017, ca khúc mới chính thức được cấp phép phổ biến tại Việt Nam.
Nhạc sĩ Việt được người Nhật yêu thích nhất
Trịnh Công Sơn là một trong số ít nhạc sĩ Việt Nam có danh tiếng và tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Theo thống kê, khoảng 2 triệu băng đĩa nhạc của ông đã được bán tại Nhật Bản.
Ông cũng là nhạc sĩ Việt Nam được người Nhật yêu mến nhất, đến mức nhiều ca khúc của ông, trong đó nổi bật là “Diễm xưa”, đã được viết lại lời bằng tiếng Nhật để các ca sĩ xứ sở hoa anh đào có thể biểu diễn. Những giọng ca nổi tiếng như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo hay Aya Shimazu từng thể hiện lại ca khúc này và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt.

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn còn vang lên thường xuyên trong chương trình Âm nhạc Đêm Giao thừa - Kohaku Uta Gassen của Đài Truyền hình Quốc gia Nhật Bản NHK, một chương trình được hàng triệu khán giả theo dõi. Tên tuổi và tác phẩm của ông cũng hiện diện trên nhiều sân khấu lớn nhỏ tại Nhật Bản. Các trường đại học chuyên ngành âm nhạc và văn hóa tại cả Nhật Bản và Việt Nam đều đã thực hiện nhiều đề tài, luận văn cao học và luận án tiến sĩ nghiên cứu về nhạc Trịnh.
Có thể nói, ông là một tác giả hiếm hoi được tiếp cận và phân tích ở nhiều chiều cạnh như âm nhạc, văn hóa, ngôn ngữ và văn học. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, Trịnh Công Sơn cũng có đóng góp và ảnh hưởng sâu rộng.
Lý do khiến công chúng Nhật Bản dành nhiều tình cảm cho Trịnh Công Sơn là bởi âm nhạc của ông mang đậm tinh thần Á Đông. Giai điệu, nội dung và triết lý trong nhạc Trịnh gắn liền với văn hóa phương Đông và thể hiện rõ chiều sâu tư tưởng. Trên truyền thông quốc tế, ông từng được nhắc đến như “Bob Dylan của Việt Nam”, là “nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam”...

Tại Việt Nam, Trịnh Công Sơn là một hiện tượng hiếm có. Ông đã sáng tác tới 600 ca khúc, trong đó 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi. Âm nhạc của ông len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống, hiện diện trong đời sống tinh thần của mọi tầng lớp công chúng. Hầu hết các ca sĩ Việt Nam đều từng thể hiện nhạc Trịnh.
Sở hữu trình độ dùng ca từ đạt tới nghệ thuật bậc cao
Trong phần lời nhạc, Trịnh Công Sơn đã sử dụng thuần thục mọi thủ pháp nghệ thuật của tiếng Việt như từ láy, từ tượng thanh, tượng hình, từ lạ hóa, điệp ngữ, điệp vần, hài thanh, câu hỏi tu từ, câu đặc biệt, ẩn dụ, hoán dụ… Tất cả đều đạt đến trình độ nghệ thuật cao.

Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng trong 139 ca khúc của ông có tới 210 câu hỏi tu từ, mỗi câu mang một hình thức tu từ riêng biệt với mục đích nghệ thuật cụ thể. Ông còn sử dụng nhiều ẩn dụ độc đáo và lạ hóa.
Ở nước ngoài, việc Trịnh Công Sơn được gọi là “Bob Dylan của Việt Nam” không chỉ đơn thuần vì danh tiếng. Cả hai đều đại diện cho dòng nhạc giàu tư tưởng hiện sinh.
Chủ nghĩa hiện sinh là một trường phái triết học, mỹ học và văn hóa có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại phương Tây trong nửa sau thế kỷ XX. Tư tưởng này từng tạo nên làn sóng trong giới trẻ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, phản ánh trong nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật đương thời.
Tại Việt Nam, Trịnh Công Sơn là một trong những người tiên phong tiếp nhận và thể hiện tinh thần hiện sinh qua các sáng tác như “Để gió cuốn đi”, “Ngẫu nhiên”… Đồng thời, âm nhạc của ông cũng thấm nhuần triết lý Phật giáo nguyên thủy, từ khái niệm vô thường, sự sống, cái chết cho đến tinh thần an nhiên, tự tại.

Không chỉ vậy, nhạc Trịnh còn là một chứng nhân lịch sử cho những biến động, thăng trầm của đất nước trong một giai đoạn đặc biệt. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn luôn là tiếng nói của lòng nhân ái, khát vọng hòa bình và tình yêu con người.
Tháng 4/2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời tại TP. HCM, hưởng thọ 62 tuổi. Ông để lại một di sản âm nhạc đồ sộ và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lòng công chúng Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.