Sau một tuần đi ngang, VN-Index mở phiên đầu tuần đầy tích cực khi đóng cửa tại 1.494,9 điểm - tăng 25,8 điểm. Đà tăng của chỉ số được giữ vững với trợ lực chính đến từ nhóm bất động sản.
Theo quan sát, nhóm bất động sản dẫn sóng khi gần như tất cả các mã trong nhóm này (từ penny đến bluechip) đều bùng nổ trong đó NVL, PDR, DXG, DIG, HQC, LDG đều kịch trần, hay KDH (+4,5%), VHM (+3,9%) hoặc NLG (+6,6%).
Tính chung, nhóm này đã có phiên tăng bùng nổ cả về chỉ số giá ngành và thanh khoản. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp dòng tiền đổ mạnh vào nhóm địa ốc. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm này đã tăng lên 31,36% - gấp hơn 2 lần tỷ trọng giá trị giao dịch của chính nó 6 phiên trước đây tại 15,3%.
Dòng tiền tập trung vào các mã NLG, DXG, DIG, NVL, CEO, PDR, FLC, VHM, IDC, SCR, VIC, LDG, HQC. Điểm tích cực là dòng tiền đã vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, VIC, NVL chứ không chỉ tập trung nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tuy nhiên, Top cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất vẫn thuộc về nhóm vốn hóa nhỏ như IDJ, DIG, PDR, HQC, DXG.
Sức tăng từ nhóm bất động sản lan tỏa đến khắp các nhóm ngành còn lại đã giúp cho VN-Index ghi nhận tới 326 mã tăng giá so với 113 mã giảm giá.
Mới nhất, đưa ra cái nhìn ngắn hạn về nhóm cổ phiếu bất động sản, Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích CTCK VNDirect cho rằng, năm 2022, các gói kích thích kinh tế quy mô lớn và các dự án hạ tầng được đẩy mạnh triển khai đều hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, tâm lý “mua nhà, mua đất để tránh lạm phát” của người dân cũng sẽ thúc đẩy giao dịch sôi động hơn.
Nhìn chung năm nay, doanh nghiệp bất động sản phần lớn đều được hưởng lợi từ giá bán tăng và khối lượng giao dịch tăng.
Tuy nhiên, bà Hiền nhấn mạnh, hầu hết các cổ phiếu bất động sản đã có đà tăng giá mạnh mẽ từ giữa năm 2021 và định giá hiện tại không còn rẻ nữa. Thậm chí, một số cổ phiếu bất động sản tăng nóng, đẩy định giá lên khá cao so với giá trị thực. Do đó lựa chọn cổ phiếu bất động sản để đầu tư không còn dễ dàng nữa.
Dù vậy, vị chuyên gia vẫn cho rằng cơ hội tích lũy vẫn còn đối với những doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất sạch, có pháp lý rõ ràng cũng như năng lực triển khai dự án đã được kiểm chứng.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS), cổ phiếu bất động sản vẫn có sự hấp dẫn nhất định nhờ số doanh nghiệp hiện diện đông đảo trên sàn và có nhiều sóng để nhà đầu tư tham gia.
Năm 2022, các doanh nghiệp lớn vẫn có nhiều dự án hấp dẫn chuẩn bị chào bán và chưa kể một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang mở rộng hoạt động thu đầu tư FDI cũng thu hút sự quan tâm nhà đầu tư.
Ông Khanh nhận định, nhóm cổ phiếu bất động sản cả dân dụng lẫn khu công nghiệp sắp tới vẫn sẽ có những đợt sóng ngắn. Tuy nhiên việc lựa chọn cổ phiếu cũng cần cẩn trọng vì số lượng đông đảo các doanh nghiệp trên sàn và chất lượng doanh nghiệp cũng có sự cách biệt rất lớn.
Cũng có quan điểm tích cực, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng rủi ro ngắn hạn của nhóm bất động sản đang có chiều hướng giảm cho thấy nhóm này sẽ khó có thể giảm thêm trong tuần tới.
Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh việc nhóm này chưa thể bước vào giai đoạn tăng trưởng kéo dài đồng thời khuyến nghị các nhà đầu tư chỉ nên xem xét mua/bán ngắn hạn với tỷ trọng thấp; việc đầu tư chiến lược nắm giữ trung và dài hạn nên ưu tiên cho các cổ phiếu có quy mô quỹ đất lớn, nền tảng tài chính mạnh và định giá thấp.
Novaland (NVL): Gần 1.300 bất động sản được bàn giao tại siêu dự án 5 tỷ USD 
Đạp trụ VN30, VN-Index giảm 21 điểm trong tuần chuyển giao sang năm 2025