Cổ phiếu đáng chú ý ngày 17/6: QNS, PVS, BID
Công ty chứng khoán phân tích và đưa ra nhận định mua, bán đối với các cổ phiếu QNS, PVS, BID.
Chứng khoán Mirae Asset (MAS): Khuyến nghị tăng tỷ trọng QNS
MAS khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS ), giá mục tiêu 57.500 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:
QNS là doanh nghiệp phát triển lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là mía đường, sữa đậu nành và các sản phẩm khác, sở hữu nhà máy đường An Khê với công suất 18.000 TMN/năm và vùng nguyên liệu khoảng 30.000 ha. Đồng thời, QNS còn giữ vị thế dẫn đầu mảng sữa đậu nành tại Việt Nam.
Mặc dù giá đường thế giới đang trong xu hướng giảm do sản lượng đường tăng mạnh ở Brazil cùng triển vọng nguồn cung toàn cầu được cải thiện. Giá đường trong nước cũng điều chỉnh giảm nhẹ về quanh 20.000 đồng/kg nhưng vẫn neo ở mức cao do nguồn cung nội địa còn hạn chế. MAS kỳ vọng giá đường sẽ duy trì ở mức 20.000 đồng/kg đến hết niên vụ năm 2023-2024.
QNS có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía lên 40.000ha vào niên vụ năm 2027-2028 bằng cách sẽ tăng 2.000-3.000ha diện tích trồng mía mỗi năm. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch nâng công suất nhà máy An Khê lên 20.000 tấn/ngày. Việc mở rộng diện tích trồng mía được kỳ vọng sẽ giúp QNS tăng sản lượng và gia tăng doanh thu trong tương lai.
QNS đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm từ các loại hạt khác với phân khúc cao hơn và dự kiến sẽ ra mắt thị trường trong năm nay, kỳ vọng các sản phẩm mới sẽ là động lực chính thúc đẩy doanh thu mảng sữa khi nhu cầu tiêu thụ được cải thiện hơn từ nửa cuối năm 2024. Ngoài ra, QNS đang mở rộng thị trường xuất khẩu ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ,…
Năm 2024, MAS dự phóng doanh thu của QNS đạt 10.579 tỷ đồng (+5,6% svck) và lãi ròng đạt 2.307 tỷ đồng (+6% svck).
MAS phân tích chỉ tiêu tài chính QNS |
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Khuyến nghị mua PVS
KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS ), giá mục tiêu 52.600 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:
Kết quả kinh doanh quý I/2024 cải thiện mạnh so với cùng kỳ với lợi nhuận gộp tăng 27% svck. Liên doanh khai thác FSP/FPSO cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh 25,5% svck nhờ gia hạn hợp đồng với giá cước thuê cao hơn.
Mảng M&C dầu khí kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ các dự án lớn trong giai đoạn năm 2024-2028. Lô B Ô Môn đạt được một số bước tiến quan trọng trong quý I. Nếu FID tiếp tục chậm trễ, KBSV vẫn lạc quan về khả năng PVS có thể tiếp tục các gói thầu nhờ vào các thỏa thuận bổ sung có thể được ký kết vào cuối quý II. Trong tháng 5/2024, PVS cũng đã được trao Hợp đồng Tổng thầu EPCIC cho dự án Lạc Đà Vàng.
Tiềm năng ghi nhận thêm backlog từ các dự án điện gió ngoài khơi mới. Nhóm phân tích nhận thấy nhà phát triển điện gió ngoài khơi Orsted đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đầu tư cho các đại dự án Xu Feng 1,2,3 và Wo Neng 1,2 tại Đài Loan với tổng giá trị đầu tư ước tính đạt 10.200 tỷ USD. Điều này có thể giúp gia tăng khối lượng công việc cho các nhà thầu tiềm năng trong khu vực bao gồm PVS.
KBSV cho rằng PVS là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi nhất từ nhu cầu thuê FSO/FPSO gia tăng. Trong cuộc họp ĐHCD sắp tới, PVS sẽ trình kế hoạch góp vốn đầu tư vào các FSO/FPSO phục vụ cho dự án Lạc Đà Vàng và Lô B với tổng giá trị phần góp đạt khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn năm 2024-2030.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Khuyến nghị trung lập BID
KBSV khuyến nghị trung lập cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID ), giá mục tiêu 52.200 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:
Kết thúc quý I/2024, thu nhập lãi thuần của BID đạt 13.541 tỷ đồng (-2,8% svck), thu nhập ngoài lãi đạt 3.630 tỷ đồng (+8,6% svck) khiến TOI đạt 17.171 tỷ đồng (-0,6% svck). Chi phí trích lập dự phòng đạt 4.389 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế đạt 7.390 tỷ đồng (+6,8% svck).
NIM quý I đạt 2,55% chủ yếu đến từ việc BID đẩy mạnh hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế. KBSV kì vọng NIM sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2024 với động lực từ chi phí vốn giảm tuy nhiên sẽ không quá mạnh do BID vẫn sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, đi đầu ngành ngân hàng trong hoạt động hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.
BID đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 14,04% svck, tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn hoặc bằng 1,4%. Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2024 thêm 13.619 tỷ đồng từ 2 nguồn: (1) nguồn chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu 11.970 tỷ đồng, (2) phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư thông qua chào bán riêng lẻ, dự kiến tỷ lệ 2,89% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2023.
>> Sàn chứng khoán sẽ đón tân binh ngành xây dựng vào cuối tháng 6