Bên bờ vực phá sản, công ty nhựa 65 tuổi của gia đình cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sắp bị hủy niêm yết
Rạng Đông Holding - doanh nghiệp đầu ngành nhựa do gia đình cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nắm cổ phần lớn đang đối mặt nhiều biến động khi toàn bộ HĐQT xin từ nhiệm, hoạt động tạm dừng và cổ phiếu đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.
Ngày 10/4, HoSE thông báo đang xem xét và sẽ thực hiện thủ tục hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu RDP của CTCP Rạng Đông Holding. Trước đó, cổ phiếu này đã rơi vào diện cảnh báo từ năm 2022 do có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là số âm và bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch trong năm 2024 do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa khắc phục và tiếp tục vi phạm nghiêm trọng khi chưa nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Báo cáo thường niên 2023 và Báo cáo tài chính quý I/2024 (mặc dù đã hết thời hạn công bố theo quy định).
RDP mới chỉ hé lộ báo cáo tài chính đến quý II/2024, nhưng chưa được kiểm toán. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 753 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế 65 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm 2023 vẫn lãi 11 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Khoản lỗ lớn chủ yếu do RDP bán hàng sát giá vốn, đồng thời chịu áp lực từ chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp cao, lần lượt ở mức 52 tỷ đồng và 21 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của công ty đạt 1.996 tỷ đồng, nhưng chỉ còn 21 tỷ đồng tiền mặt. Phần lớn tài sản nằm ở hàng tồn kho (781 tỷ đồng), các khoản phải thu (486 tỷ đồng) và tài sản cố định (543 tỷ đồng).
Trong khi đó, nợ phải trả của RDP lên tới 1.717 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay 1.232 tỷ đồng, trong đó có 1.034 tỷ đồng là nợ ngắn hạn phải thanh toán trong vòng 12 tháng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn lại 279 tỷ đồng, do công ty đang gánh khoản lỗ lũy kế lên tới 266 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bên bờ vực phá sản
Ngày 24/2 vừa qua, toàn bộ 5 thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) của RDP đồng loạt xin từ nhiệm, bao gồm: Chủ tịch Hồ Đức Lam cùng các ông Bùi Đắc Thiện, Hồ Đức Dũng, Nguyễn Trần Vinh và Hồ Văn Tuyên. Lý do được đưa ra là bận công việc cá nhân, không thu xếp được thời gian. Như vậy, HĐQT của công ty này hiện không còn bất kỳ thành viên nào.
Trước thời điểm toàn bộ HĐQT nộp đơn từ nhiệm, RDP đã bị công ty con là CTCP Rạng Đông Films gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến Tòa án Nhân dân TP. HCM. Ngày 24/1/2025, Tòa án đã chính thức ra thông báo mở thủ tục phá sản, theo văn bản có xác nhận của ông Bùi Đắc Thiện - đại diện công ty.
Hiện tại, RDP và các công ty thành viên đều đang tạm ngừng hoạt động, phần lớn nhân sự đã nghỉ việc.
![]() |
Nhựa Rạng Đông từng là doanh nghiệp hàng đầu ngành nhựa |
RDP được thành lập từ năm 1960, tiền thân là Liên hiệp các xí nghiệp cao su Viễn Đông Pháp. Đây là một trong những doanh nghiệp nhựa đầu tiên tại Việt Nam nhập khẩu thiết bị hiện đại từ Nhật Bản và Đài Loan để sản xuất giả da PVC, PU xốp, khăn trải bàn, màng mỏng PVC, vải tráng PVC, PU và vải dù chống thấm. Công ty đổi tên thành Nhựa Rạng Đông và tiến hành cổ phần hóa vào năm 2005.
Đến năm 2018, Nhựa Rạng Đông chuyển đổi sang mô hình công ty holding, chính thức mang tên CTCP Rạng Đông Holding như hiện nay.
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành nhựa, RDP từng nhận nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba; Danh hiệu Thương hiệu Quốc gia; Danh hiệu Sao Vàng Đất Việt...
Hệ sinh thái gia đình cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa "lụi tàn"
![]() |
Bà Hồ Thị Kim Thoa |
RDP do gia đình cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa điều hành và nắm giữ cổ phần lớn nhất. Trong số 5 thành viên HĐQT vừa đồng loạt xin từ nhiệm, Chủ tịch Hồ Đức Lam - em trai bà Thoa là cha của ông Hồ Đức Dũng, một thành viên HĐQT. Hiện tại, bà Hồ Thị Kim Thoa đã rời khỏi Việt Nam và đang bị truy nã.
Bên cạnh RDP, một doanh nghiệp tên tuổi khác trong hệ sinh thái gia đình bà Thoa là CTCP Bóng đèn Điện Quang (HoSE: DQC ) cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Doanh nghiệp này vừa khép lại năm 2024 với khoản lỗ sau thuế lên tới 122 tỷ đồng - gần gấp 4 lần con số lỗ năm 2023 (33 tỷ đồng).
DQC bị kiểm toán đặt dấu chấm hỏi đối với hàng loạt tài sản nằm ngoài doanh nghiệp số tiền trích lập dự phòng cho khoản trả trước tại Nhựa Bình An (26 tỷ đồng), Tín Phát Plastic (24 tỷ đồng), nợ khó đòi tại Công ty Tăng Tốc (48 tỷ đồng), khoản đầu tư vào Công nghệ Xelex (21 tỷ đồng)... Tất cả các tài sản này kiểm toán đều không được cung cấp đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan để xác định tính đúng đắn.
Báo cáo tài chính năm 2024 của DQC cũng ghi nhận số lượng nhân sự sụt giảm mạnh, giảm 40% trong vòng 1 năm, còn 262 người tính đến ngày 31/12/2024. Mới đây, HoSE đã quyết định đưa cổ phiếu DQC vào diện cảnh báo kể từ ngày 17/4/2025.