Nên 'trú ẩn' vào cổ phiếu nào để tránh cơn bão thuế quan?
MBS Research nhận định chiến tranh thương mại mang đến nhiều rủi ro cho nhóm ngành xuất khẩu, đồng thời mở ra cơ hội cho các lĩnh vực hưởng lợi từ nhu cầu nội địa và chính sách hỗ trợ trong nước. Danh mục cổ phiếu tiềm năng được đề xuất trải rộng nhiều ngành.
Đêm ngày 9/4, Tổng thống Donald Trump thông báo tạm hoãn áp dụng mức thuế quan mới với nhiều đối tác thương mại trong vòng 90 ngày, đồng thời tăng thuế với Trung Quốc lên 125%. Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực, khi chỉ số Dow Jones và S&P500 tăng lần lượt 7,9% và 9,5% - mức tăng mạnh nhất kể từ giai đoạn Covid-19. Chứng khoán Việt Nam cũng có phiên tăng lịch sử 74,04 (+6,77%) vào phiên ngày 10/4, hầu hết các cổ phiếu đều tăng trần.
Tuy nhiên, MBS Research đánh giá việc hoãn thuế chỉ mang tính ngắn hạn, trong khi các ngành xuất khẩu như dệt may, thủy sản, gỗ, cao su, giấy, bất động sản khu công nghiệp và logistics vẫn đối mặt với áp lực giảm đơn hàng và suy giảm biên lợi nhuận.
Trong bối cảnh đó, việc cơ cấu danh mục sang các ngành ít chịu tác động trực tiếp từ thương chiến, đồng thời được hỗ trợ bởi yếu tố nội tại, được cho là hướng đi phù hợp.
![]() |
Ảnh minh họa |
"Trú ẩn" vào ngành nào để tránh cơn bão thuế quan?
MBS Research cho rằng, ngành bất động sản dân cư được đánh giá tích cực nhờ mặt bằng lãi suất thấp, tháo gỡ pháp lý và xu hướng dịch chuyển giá đất. VHM được kỳ vọng dẫn dắt lợi nhuận toàn ngành trong quý I/2025. Các doanh nghiệp phía Nam như KDH , DXG hưởng lợi nhờ nguồn cung chung cư phục hồi mạnh. Dự báo lợi nhuận toàn ngành tăng khoảng 6% trong năm.
Ngành ngân hàng là nhóm hưởng lợi trực tiếp từ chính sách tiền tệ nới lỏng và sự hồi phục của bất động sản. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết tháng 3 đạt 2,5%, so với 0,26% cùng kỳ. Lợi nhuận quý I/2025 ước tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Các ngân hàng tư nhân như HDB , VPB, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 20%, tạo động lực tăng trưởng chung cho toàn ngành.
Ngành dầu khí, đặc biệt là nhóm thượng nguồn, ít chịu tác động bởi thuế đối ứng. Các doanh nghiệp như PVD và PVS giữ vững sản lượng nhờ vào các dự án trong nước như Lô B - Ô Môn và điện gió ngoài khơi. Các doanh nghiệp vận tải dầu khí như PVT cũng được hưởng lợi từ nhu cầu vận chuyển trong nước.
Ngành xây dựng được thúc đẩy bởi đầu tư công và sự hồi phục của bất động sản dân dụng. Backlog toàn ngành tăng mạnh nhờ các dự án hạ tầng lớn như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Những doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực thi công và tài chính lành mạnh như VCG, HHV, CTD, PLC được ưu tiên lựa chọn.
![]() |
Nhiều nhóm ngành như bất động sản, ngân hàng, dầu khí, xây dựng... ít ảnh hưởng bới thuế |
Ngành phân bón ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan do thị trường xuất khẩu chủ yếu là Campuchia, Hàn Quốc và Úc. Lợi nhuận năm 2025 có thể phục hồi từ nền thấp của năm trước nhờ giá dầu thấp, giá bán ổn định và chính sách thuế VAT mới có hiệu lực từ tháng 7/2025. Các doanh nghiệp đáng chú ý gồm DPM, DCM và DDV.
Trong ngành vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp thép và nhựa phục vụ thị trường nội địa được ưu tiên. HPG có lợi thế khi xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% doanh thu, sản lượng năm 2025 dự kiến tăng 10%. Ngành nhựa xây dựng dự kiến tăng trưởng 8%, trong khi định giá của các doanh nghiệp như BMP hiện ở mức hấp dẫn.
Ngành điện có triển vọng tích cực nhờ quyết tâm giữ tăng trưởng GDP ở mức 8%. Trong khi điện khí chịu ảnh hưởng bởi thiếu khí đầu vào, thủy điện và điện than được kỳ vọng giữ vững sản lượng. Doanh nghiệp như REE, HDG, NT2, GEG tiếp tục có dư địa tăng trưởng.
Ngành tiêu dùng thiết yếu đóng vai trò là “nơi trú ẩn” trong giai đoạn biến động. VNM, SAB có tỷ suất cổ tức cao và định giá hợp lý. MSNnđược kỳ vọng có chuyển biến tích cực khi mảng Winmart và thịt bắt đầu đóng góp lợi nhuận. Ngành chăn nuôi với đại diện là DBC và BAF hưởng lợi từ giá thịt lợn tăng và nhu cầu tiêu dùng ổn định.
Ngành chứng khoán điều chỉnh mạnh trong tháng 4/2025 do lo ngại về thuế nhập khẩu, tuy nhiên thanh khoản thị trường lại tăng vọt. Mức định giá hiện tại của các công ty chứng khoán như SSI, HCM, VCI, MBS đã về vùng hấp dẫn, trong khi triển vọng lãi suất thấp và kỳ vọng nâng hạng thị trường tiếp tục là yếu tố hỗ trợ.
Ngành hàng không phục hồi mạnh, với sản lượng khách quốc tế quý I tăng 30% so với cùng kỳ. Việc mở rộng hạ tầng như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành giúp giải quyết các điểm nghẽn công suất. ACV là doanh nghiệp nổi bật, dù chịu áp lực từ chi phí khấu hao và lãi vay.
Ngành bảo hiểm không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại nhưng bị điều chỉnh mạnh theo thị trường, mở ra cơ hội đầu tư dài hạn. BVH và PVI có nền tảng tài chính vững và cổ tức ổn định. Việc PVN thoái vốn tại PVI và kế hoạch chuyển sàn là điểm nhấn trong năm nay.
Ngành công nghệ - viễn thông hưởng lợi từ chuyển đổi số và xu hướng phát triển mạng 5G. FPT được đánh giá cao nhờ tăng trưởng lợi nhuận dự báo 21%, trong khi CTR có định giá hấp dẫn sau giai đoạn điều chỉnh. Lĩnh vực phần mềm không bị ảnh hưởng bởi thuế quan và có tiềm năng tăng trưởng toàn cầu.
Ngành dược phẩm tiếp tục tăng trưởng đều nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước và đầu tư nâng cấp nhà máy. Các doanh nghiệp như DHG và DBD duy trì chính sách cổ tức cao, là điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất thấp.
>> Đề nghị điều tra Tổng thống Donald Trump vì hành vi thao túng thị trường tài chính
Nhận định chứng khoán 11/4: VN-Index hồi phục trong ngắn hạn
ĐHĐCĐ Chứng khoán SHS: CEO tin tưởng năm nay KRX vận hành, hé lộ lợi nhuận quý I/2025