Cổ phiếu đáng chú ý ngày 19/12: TCB, PVB, PVD
Công ty chứng khoán phân tích và đưa ra nhận định mua, bán đối với các cổ phiếu TCB, PVB, PVD.
Chứng khoán TPBank (TPS): Khuyến nghị mua TCB
TPS khuyến nghị mua cổ phiếu Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB ), giá mục tiêu 28.000 đồng/cp dựa trên phân tích kỹ thuật:
Cổ phiếu TCB hiện vẫn duy trì xu hướng tăng từ năm 2023 cho đến nay. Mặc dù xuất hiện nhịp điều chỉnh tính từ tháng 10 cho đến trung tuần tháng 11/2024, cổ phiếu TCB vẫn duy trì được mô hình tăng khi tạo dựng đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước đó. Thêm vào đó, bất chấp việc thị trường trong những phiên gần đây có dấu hiệu suy yếu, các cây nến gần đây của TCB vẫn duy trì được đà tăng trưởng thậm chí thanh khoản còn có dấu hiệu tăng trưởng.
Xét về biến động của các chỉ báo, chỉ báo RSI hiện đang ở ngưỡng khá cao trên 70 (tương đương với vùng quá mua) việc này dấy lên những lo ngại về việc điều chỉnh của cổ phiếu TCB. Tuy nhiên, việc điều chỉnh ngắn hạn chỉ làm giảm nhiệt những chỉ báo quá cao, tạo ra điểm mua thích hợp cho nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu TCB trong ngắn và trung hạn. Chỉ báo MACD cũng hướng dẫn lên trên vùng lớn hơn 0 với histogram cũng đang có dấu hiệu suy yếu sau khi TCB bật tăng mạnh mẽ. TPS kỳ vọng TCB sẽ có một nhịp điều chỉnh để nhà đầu tư tiếp tục mua vào hoặc mở vị thế mua nếu chưa sở hữu cổ phiếu.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc giao dịch cổ phiếu TCB theo chiến lược: (1) chờ mua ở vùng giá 23.500 đồng/cp, (2) mua ngay quanh ngưỡng 24.500 đồng/cp. Với tỷ lệ risk rating ở mức 2,77, kịch bản đầu tư cổ phiếu TCB được đề xuất cụ thể như sau:
Nguồn: TPS |
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Khuyến nghị mua PVB
VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB ), giá mục tiêu 32.912 đồng/cp dựa trên luận điểm đầu tư:
Hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí (E&P) tại Việt Nam dự báo sẽ phát triển tích cực nhờ các dự án trong nước được đẩy nhanh tiến độ, đồng thời, khối lượng công việc bọc ống dự kiến sẽ tăng trưởng. PVB, với vị thế là nhà cung cấp dịch vụ bọc ống hàng đầu cho các đơn vị trong và ngoài ngành dầu khí, là doanh nghiệp duy nhất và đầu tiên tại Việt Nam thực hiện công tác bọc ống dầu khí cho các hệ thống đường ống chống ăn mòn, bọc bê tông gia trọng và bọc bảo ôn. Là công ty con của PV Gas, PVB đã giành được gần như tất cả các hợp đồng cho các dự án dầu khí trong nước từ năm 2010 đến nay. Tình hình thượng nguồn ngành dầu khí Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực, với nhiều dự án khai thác lớn đạt những bước tiến quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Khối lượng công việc của PVB dự kiến sẽ tăng đáng kể nhờ vào quy hoạch phát triển đường ống dài 433km thuộc dự án Lô B - Ô Môn (330km ngoài khơi và 103km trên bờ). Với những lợi thế đặc biệt, VCBS kỳ vọng PVB sẽ giành được hợp đồng trị giá khoảng 100 triệu USD cho công việc bọc đường ống tại Lô B, với doanh thu dự kiến từ dự án này sẽ đạt 2.500 tỷ đồng trong giai đoạn năm 2025-2027. Bên cạnh đó, VCBS cũng hy vọng PVB sẽ giành được các hợp đồng bọc ống cho nhiều dự án khác, bao gồm Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng giai đoạn 2B… trong giai đoạn từ năm 2025-2028.
Chứng khoán SSI: Khuyến nghị khả quan PVD
SSI khuyến nghị khả quan cổ phiếu Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD ), giá mục tiêu 28.700 đồng/cp dựa trên luận điểm đầu tư:
SSI cho rằng, việc lợi nhuận sau thuế của PVD sẽ tăng 25% trong quý IV, cùng với khả năng ghi nhận một khoản lợi nhuận bất thường trong ngắn hạn liên quan đến việc thoái vốn giàn khoan/tài sản của PVD, sẽ là các yếu tố tiềm năng hỗ trợ giá cổ phiếu. Nhóm phân tích cho rằng việc điều chỉnh giá cổ phiếu gần đây là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu.
Từ đầu năm 2024, ban lãnh đạo PVD đã chia sẻ kế hoạch mở rộng đội tàu, với mục tiêu mua từ 1-2 giàn khoan. Tuy nhiên, sau khi Saudi Aramco tạm dừng 22 giàn khoan vào tháng 4, PVD đã tạm ngừng đầu tư. Khi thị trường Đông Nam Á có vẻ ổn định trong vài năm tới, PVD quyết định đầu tư vào một giàn khoan đã qua sử dụng, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2024. Do giàn khoan này đã được coldstacked (loại bỏ thiết bị và ngừng hoạt động trong thời gian dài), nó cần được kích hoạt lại. Quá trình này có thể mất từ 6-8 tháng, PVD dự kiến sẽ đưa giàn khoan vào hoạt động từ đầu năm 2026. Tổng đầu tư, bao gồm cả việc kích hoạt lại, ước tính khoảng 90 triệu USD. Công ty cho biết giàn khoan này sẽ có hợp đồng khoan ngay sau khi kích hoạt lại, nhóm phân tích cho rằng quá trình đàm phán hợp đồng đang diễn ra. Điều này sẽ là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu khi hoàn tất.
Hiện, PVD đã đảm bảo hợp đồng đến năm 2028 cho 3/6 giàn khoan của mình, bao gồm cả giàn khoan mới. PVD I cũng có thể gia hạn hợp đồng với Petronas sau tháng 2/2026. SSI tỏ ra khá tích cực về việc PVD VI sẽ ký hợp đồng dài hạn, vì đây là giàn khoan hiện đại và mới nhất trong đội tàu của PVD. Đối với giàn khoan mới dự kiến hoạt động từ năm 2026, nhóm phân tích kỳ vọng giàn khoan này sẽ được sử dụng cho chiến dịch khai thác trong nước.