Liên tục tăng mạnh và thường xuyên lọt top cổ phiếu tăng giá tốt nhất sàn HNX thời gian qua song MAC vẫn không phải là điểm đến của dòng tiền chứng khoán chuyên nghiệp nếu nhìn vào tình hình giao dịch của mã này trong hơn 1 tháng qua.
Đầu phiên ngày 13/6/2022, cổ phiếu MAC của CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải - Maserco (HNX: MAC) nhanh chóng tăng trần lên 13.000 đồng trước khi kết phiên sáng chỉ còn tăng 6,7% lên mức 12.700 đồng. Càng đáng chú ý hơn khi phiên tăng mạnh diễn ra ngay trong ngày VN-Index giảm hơn 40 điểm trước thông tin về lạm phát và khả năng Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ.
Trên thực tế, cổ phiếu MAC đã tăng mạnh từ trước và mức giá 12.x00 đồng của MAC là kết quả của một chuỗi tăng dựng đứng hơn 130% từ đáy hồi cuối tháng 4/2022.
Trong giai đoạn này, thanh khoản của mã cũng bất ngờ tăng mạnh lên mức gần nửa triệu đơn vị/phiên - cao hơn nhiều so với khối lượng giao dịch trung bình 1 phiên trong năm qua (chỉ tính từ phiên trước (10/6) đến nay, đã có hơn 1,5 triệu cổ phiếu được sang tay, tương đương gần 11% vốn tại Maserco).
Trên thị trường chứng khoán, Maserco cũng không phải là doanh nghiệp gây được nhiều tiếng vang với giới đầu tư trong vài năm qua khi thường xuyên giao dịch lình xình và thanh khoản thấp. Mãi cho tới tháng 10/2021, khi cổ đông lớn Transimex bắt đầu rút vốn, thanh khoản mới tăng vọt.
Dẫn nguồn vietstock, nhìn vào kết quả kinh doanh ảm đạm 2 năm trở lại, khó có thể cho rằng đà tăng xuất phát từ thành tích hoạt động của công ty. Thay vào đó, đợt tăng này mang hình bóng của cuộc đua chiếm quyền kiểm soát.
Cụ thể, từ ngày 19/5/2022, khối lượng giao dịch của cổ phiếu MAC tăng đột biến trong bối cảnh 3 cá nhân gồm ông Trần Tiến Dũng, bà Nguyễn Văn Trúc và bà Nguyễn Thị Thu Ngà đã sở hữu tổng cộng 32% vốn cổ phần tại Maserco. Cổ đông lớn còn lại của Maserco là CTCP MHC hiện đang giữ gần 1,3 triệu đơn vị MAC (tương đương 8,46%).
Cuối tháng 6 tới đây, cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Maserco sẽ được tổ chức. Đây sẽ là cột mốc quan trọng vì HĐQT nhiệm kỳ cũ sẽ kết thúc và là lúc những gương mặt mới sẽ lộ diện.
Trước đó, ông Lê Phúc Tùng và ông Nguyễn Bảo Trung – 2 cá nhân có liên quan tới Transimex – đã nộp đơn từ nhiệm thành viên HĐQT từ ngày 20/12/2021.
Đợt mua mạnh của các cá nhân này có lẽ là nguyên nhân của đà tăng nóng gần đây, mà có khi là cứu cánh đối với một doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì cổ đông cũ bỏ đi và lấy đi việc làm ăn của Maserco.
Hoạt động kinh doanh của công ty chững lại kể từ khi COVID-19 ập đến trong năm 2020. Gần nhất, Maserco báo lỗ gần 15 tỷ đồng trong năm 2021 qua đó đánh dấu năm lỗ nặng nhất kể từ khi niêm yết.
Theo tài liệu họp ĐHCĐ, MAC lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 với 0 đồng lợi nhuận.
Cụ thể, MAC đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 75 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với thực hiện năm 2021. Đáng chú ý, MAC dự phóng chi phí cũng sẽ ở mức 75 tỷ đồng, đồng nghĩa lợi nhuận trong năm 2022 là con số 0.
Doanh nghiệp cũng dự trình cổ đông thông qua phương án bổ sung thêm ngành nghề mới là Hoạt động thể thao. Theo MAC, nguyên nhân bổ sung ngành nghề này xuất phát từ nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động, nhằm tạo khả năng khai thác tối đa mọi cơ hội kinh doanh.
Liên tục tăng mạnh và thường xuyên lọt top cổ phiếu tăng giá tốt nhất sàn HNX thời gian qua song MAC vẫn không phải là điểm đến của dòng tiền chứng khoán chuyên nghiệp nếu nhìn vào tình hình giao dịch của mã này trong hơn 1 tháng qua. Theo quan sát, tổng số lượng lệnh đặt mua/bán tại mã/phiên trung bình chỉ đạt 500 - 700 lệnh.
Cùng với đó, việc cổ phiếu này đã bị đưa vào diện kiểm soát từ 13/4/2022 do lợi nhuận sau thuế năm 2020 và 2021 là số âm cũng là một tín hiệu cho thấy đây không phải là mã có thể hiến nhà đầu tư yên tâm rót vốn trong dài hạn.
Bến Tre phát hiện gần 100 ca mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại công ty may 
Hiện trạng dự án 94 Lò Đúc nhận chỉ đạo 'nóng' phải xử lý dứt điểm trong tháng 1/2025