Hơn 1.440MW điện gió, điện mặt trời của nhà đầu tư Thái Lan 'mắc kẹt', Bộ Công Thương vào cuộc
Tổng cộng, các nhà đầu tư Thái Lan có 16 dự án điện gió, điện mặt trời gặp vướng mắc với tổng công suất hơn 1.440MW.
Trước những vướng mắc trong quá trình đàm phán giá giữa Công ty Mua bán điện EVN (EVN-EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN ) với các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập tổ công tác nhằm trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư Thái Lan để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trên tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro. Tổ công tác này do ông Trần Hoài Trang, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) làm trưởng đoàn.
Theo thống kê, trong số các dự án đang gặp vướng mắc, gần 30% thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu như Bồ Đào Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, và châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc. Tổng giá trị đầu tư bị ảnh hưởng của các dự án này lên đến khoảng 4 tỷ USD, bao gồm 3,6GWp công suất điện mặt trời và 160MW điện gió.
Trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chịu ảnh hưởng lớn nhất, ACEN Vietnam Investment đến từ Philippines đứng đầu với 14 dự án, tổng công suất hơn 852MW. Tiếp theo là Super Energy Corporation PCL của Thái Lan với 8 dự án, tổng công suất gần 687MW.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Thái Lan khác cũng bị ảnh hưởng đáng kể, bao gồm Gunkul Engineering Public Company Limited với 4 dự án, tổng công suất 160MW; Gulf Energy Development Public Company Limited với 2 dự án, tổng công suất gần 100MW.
B.Grimm Renewable cũng có 2 dự án bị ảnh hưởng, trong đó có Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội với công suất 214,16MWp – nhà máy điện mặt trời lớn nhất miền Trung và là nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại tỉnh Phú Yên. Dự án này do Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group), B.Grimm Renewable Power 2 Company Limited (80% vốn) và SEP International Netherlands B.V. (15% vốn) hợp tác đầu tư. Ngoài ra, Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 2 với công suất 240MWp cũng thuộc danh sách các dự án bị ảnh hưởng.
Tổng cộng, các nhà đầu tư Thái Lan có 16 dự án gặp vướng mắc với tổng công suất hơn 1.440MWp, chiếm hơn 43% công suất của các dự án điện gió, điện mặt trời thuộc sở hữu nước ngoài.
![]() |
Bộ Công Thương làm việc với nhà đầu tư Thái Lan vướng vào dự án điện gió, điện mặt trời gặp khó. Ảnh minh hoạ |
Quyết định thành lập tổ công tác được đưa ra sau khi EVN-EPTC tổ chức đối thoại với gần 80 doanh nghiệp đầu tư điện gió và điện mặt trời, trong bối cảnh nhóm các doanh nghiệp này đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Chính phủ về việc không được hưởng cơ chế giá ưu đãi (FIT) và nguy cơ bị hồi tố giá bán điện.
Tại buổi đối thoại, EVN-EPTC đã đưa ra đề xuất tạm thời. Đối với các dự án đang áp dụng giá FIT1 (9,35 US cent/kWh) nhưng có ngày chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) sau thời điểm hết hiệu lực của Quyết định giá FIT1, nhưng vẫn trong thời hạn của Quyết định giá FIT2 (7,09 US cent/kWh), sẽ được tạm tính theo giá FIT2. Trường hợp các dự án áp dụng FIT1 hoặc FIT2 nhưng có ngày CCA sau khi Quyết định giá FIT2 hết hiệu lực thì sẽ áp dụng mức giá "các dự án chuyển tiếp" (1.184,9 đồng/kWh).
Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận từ các nhà đầu tư. Họ cho rằng vướng mắc về chứng nhận nghiệm thu hoàn thành không phải do lỗi của doanh nghiệp. Do đó, các nhà đầu tư kiến nghị, nếu EVN áp dụng giá tạm tính gây tổn thất cho dự án và sau đó có điều chỉnh từ cơ quan quản lý nhà nước, EVN phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
>> Hậu Giang 'khai tử' nhà máy điện gió 3.200 tỷ đồng