Cổ phiếu Novaland (NVL) tăng 37% trước thềm ĐHCĐ, loạt vấn đề được 'hâm nóng'
Với quy mô khoảng 78.000 cổ đông đang nắm giữ 1,95 tỷ cổ phiếu, ĐHCĐ năm nay của Novaland (NVL) được kỳ vọng sẽ nóng hơn bao giờ hết.
![]() |
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland - ông Bùi Thành Nhơn |
Bất chấp thị trường đỏ lửa trong phiên sáng 22/4, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland (sàn HoSE) vẫn nổi bật với mức tăng 4,4% (lúc 10h10), lên 10.800 đồng/cp. Có thời điểm trong phiên, mã tiệm cận mốc 11.000 đồng/cp. Lúc này, VN-Index giảm gần 9 điểm về dưới mốc 1.200.
Tạm tính, đây đã là phiên tăng mạnh thứ ba liên tiếp của NVL. Tính từ mức đáy lịch sử 7.880 đồng ngày 9/4, mã đã tăng tới 37%, đánh dấu một trong những pha “rút chân” ấn tượng nhất nhóm bất động sản trong cùng thời điểm.
Đà tăng mạnh xuất hiện ngay trước thềm ĐHCĐ thường niên 2025, sẽ diễn ra vào ngày 24/4 tới. Với quy mô gần 78.000 cổ đông đang nắm giữ 1,95 tỷ cổ phiếu, sự kiện năm nay được kỳ vọng sẽ nóng hơn bao giờ hết.
Novaland – tập đoàn có tổng tài sản thuộc Top 3 nhóm bất động sản niêm yết – đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, từ tài chính đến chiến lược kinh doanh và pháp lý dự án.
Tại ĐHCĐ năm ngoái, Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn từng khẳng định: "Novaland đã hoàn thành tái cấu trúc nợ trong và ngoài nước, tài sản vẫn cân đối với công nợ".
Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, tổng nợ vay vượt 61.000 tỷ đồng, chi phí lãi vay trở thành gánh nặng lớn. Dù doanh thu cả năm gần gấp đôi, đạt 9.074 tỷ đồng, công ty vẫn báo lỗ ròng gần 4.400 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự án.
Một phần lỗ được hạn chế nhờ vốn hóa chi phí lãi vay vào hàng tồn kho. Dù vậy, dòng tiền kinh doanh vẫn âm gần 6.000 tỷ đồng, cho thấy áp lực thanh khoản vẫn còn lớn.
>> Novaland (NVL): Nhận diện những vấn đề nóng trước thềm ĐHCĐ 2025
Đến báo cáo thường niên 2024, ông Bùi Thành Nhơn nhấn mạnh: “Chúng tôi không tái cấu trúc để tồn tại mà để bứt phá”. Vị Chủ tịch gọi 2025 là “năm bản lề”, đánh dấu sự trở lại với tinh thần doanh nghiệp dân tộc, kiên cường và khát vọng vươn lên thành tập đoàn quốc gia.
Novaland đã xây dựng hai kịch bản kinh doanh cho năm 2025, tùy theo tiến độ pháp lý, trong đó:
- Kịch bản thuận lợi: Doanh thu thuần đạt 13.411 tỷ đồng, lỗ sau thuế chỉ còn 12 tỷ đồng
- Kịch bản thận trọng: Doanh thu 10.453 tỷ, lỗ 688 tỷ đồng
Ban lãnh đạo khẳng định việc chủ động lập nhiều kịch bản là biểu hiện cho năng lực điều hành linh hoạt trong bối cảnh nhiều biến động.
Tầm nhìn xa 240.000 tỷ doanh thu tiềm năng
Chiến lược trung – dài hạn của Novaland xác lập rõ mốc hoàn tất tái cấu trúc vào cuối 2026 trước khi bước vào quỹ đạo tăng trưởng trở lại từ năm 2027.
Giai đoạn 2026–2027, Novaland dự kiến bàn giao hơn 22.000 sản phẩm, thu về hơn 100.000 tỷ đồng từ hàng đã bán. Đồng thời, công ty dự kiến chào bán lượng sản phẩm mới tương đương với doanh thu tiềm năng 240.000 tỷ đồng.
Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu NVL đang giao dịch với P/E dưới 10 và P/B dưới 0,5, mức định giá thấp so với ngành. Tuy nhiên, mức giá lúc này đã giảm xấp xỉ 90% so với đỉnh tháng 8/2021, vốn hóa giảm tương ứng còn khoảng 21.000 tỷ đồng – phản ánh cả kỳ vọng lẫn áp lực từ quá trình phục hồi.
>> Cổ phiếu Novaland (NVL) về đúng giá trị sổ sách: 1 năm, 2 năm hay bao giờ?