Ngoài việc bị xử phạt 3 tỷ đồng, UBCKNN cũng đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng đối với CTCP Hoàng Anh Gia Lai (kể từ ngày 17/5/2022).
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt 3 tỷ đồng CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) do không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu HNG.
Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai - tổ chức liên quan đến ông Đoàn Nguyên Đức, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh gia Lai (HOSE: HNG) đã dùng cổ phiếu HNG bảo đảm cho khoản trái phiếu của Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên tại tổ chức tín dụng.
Do có khoản nợ lãi quá hạn đối với khoản trái phiếu này, tổ chức tín dụng đã bán 20 triệu cổ phiếu HNG vào ngày 7/1/2022 và bán 5,4 triệu cổ phiếu HNG vào ngày 10/1/2022 trên tài khoản chứng khoán của HAGL để thu hồi nợ. Tuy nhiên, CTCP Hoàng Anh Gia Lai không báo cáo về việc dự kiến giao dịch đối với giao dịch nêu trên.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu trên, phiên 7/1 và 10/1/2022 xuất hiện giao dịch thỏa thuận hai lô cổ phiếu HNG tương tự khối lượng như trên với tổng giá trị giao dịch là 325,12 tỷ đồng. Đây chính là số tiền mà tổ chức tín dụng thu về khi giải chấp cổ phiếu HNG.
Ngoài việc bị xử phạt 3 tỷ đồng, UBCKNN cũng đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng đối với CTCP Hoàng Anh Gia Lai (kể từ ngày 17/5/2022).
Về tính hình kinh doanh, kết quý I/2022, doanh thu thuần của HAGL đạt 803 tỷ đồng - gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; lãi gộp lên tới 290 tỷ đồng - gấp 5,5 lần cùng kỳ; lãi sau thuế quý đạt 258 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước báo lỗ gần 69 tỷ đồng); lãi sau thuế công ty mẹ đạt 250 tỷ đồng; đây là quý thứ 4 liên tiếp HAG có lãi.
Trên thị trường, cổ phiếu HAG hiện đang giao dịch tại mức 9.030 đồng (kết phiên 19/5/2022) và vẫn đang nằm trong diện kiểm soát trên HOSE.
Cổ phiếu HAG sẽ hủy niêm yết trên HOSE?
Trước đó hồi quý I/2022, thị trường từng rầm rộ tin đồn về việc cổ phiếu HAG sẽ bị hủy niêm yết do bị lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019.
"Căn cứ vào luật thì không thể xảy ra trường hợp cổ phiếu HAGL bị hủy niêm yết trên HOSE. Do đó, tôi không hiểu tại sao gần đây lại xuất hiện giả định trường hợp bị hủy niêm yết sẽ xảy ra", luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định.
Theo luật sư Truyền, HAGL bị lỗ sau thuế 3 năm liên tiếp là 2017, 2018 và 2019 (sau khi xác định có sự khác biệt giữa báo cáo tài chính của doanh nghiệp và kiểm toán). Do đó, phải căn cứ theo luật được áp dụng vào thời điểm xảy ra lỗ lũy kế.
Dù nghị định 58/2012 quy định về việc hủy bỏ niêm yết trong trường hợp doanh nghiệp thua lỗ trong 3 năm liên tục, nhưng chỉ xét theo nội dung của báo cáo tài chính kiểm toán hằng năm được công bố, chứ không bao gồm việc doanh nghiệp phát hiện lỗ và điều chỉnh lại kết quả kinh doanh sau đó.
Ngoài ra, tại thời điểm lập báo cáo tài chính của HAGL cho các năm 2017, 2018 và 2019 trước đây có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu. Tuy nhiên, nội dung này chỉ mới được quy định tại nghị định 155/2020 và chỉ bị xử lý hủy bỏ niêm yết từ ngày 1/1/2022 (khoản 12 điều 310 nghị định 155/2020), tức nghị định 155/2020 không thể áp dụng trong trường hợp trên của HAGL.
"Theo luật thì không thể hủy niêm yết được", luật sư Truyền nhấn mạnh và cho rằng nhà đầu tư không nên đặt giả định sẽ bị hủy niêm yết, trừ khi có văn bản chính thức từ cơ quan chức năng.