Cổ tự gần 900 tuổi rộng 18.000m2 nằm giữa lòng Thủ đô, được mệnh danh ‘đệ nhất tùng lâm’ chốn kinh kỳ xưa
Trải qua bao thăng trầm, chùa vẫn tồn tại và nổi danh là chốn tâm linh Phật pháp thâm nghiêm.
Chùa Láng - tên chữ Chiêu Thiền tự, là một ngôi chùa  cổ của đất Thăng Long xưa. Theo các văn bia ghi lại, chùa được xây dựng thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ năm 1138 - 1175), đến nay đã gần 900 tuổi. Chùa tọa lạc ở xã Yên Lãng (tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận), sau này là làng Láng - ngôi làng cổ nằm bên sông Tô Lịch. Hiện nay, chùa nằm trên phố Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội). Ngôi chùa này khi xưa được mệnh danh là “Đệ nhất tùng lâm”, bởi nơi đây có rừng thông đẹp nhất phía tây kinh thành Thăng Long.
Ngôi chùa nằm trên khuôn viên 18.000m2. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được kiến trúc truyền thống. Ngoài cùng, giáp với đường là tam quan ngoại có kiến trúc cổ  độc đáo nhất Việt Nam với bốn cột vuông và ba mái cong gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên, dưới có tấm hoành phi lớn đề “Thiền Thiên Khải Thánh”.
Qua một khoảng sân là đến một nghi môn có kiến trúc tường hồi bít đốc, hai tầng mái. Bên trong là một khoảng sân rộng rợp bóng cây, lối đi giữa lát gạch dẫn tới tam quan nội, phía trong là sân chùa. Giữa sân chùa có phương đình với mặt bằng hình bát giác, hai tầng mái, là nơi đặt tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Qua phương đình tới các hạng mục chính của chùa, có kiến trúc liên hoàn theo kiểu “nội công ngoại quốc” gồm bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ và tăng phòng... Tiền đường gồm 9 gian nối liền với dãy hành lang Thập điện Diêm vương. Phía sau chùa có vườn tháp mộ của các sư tăng trụ trì. Đây là một trong những ngôi chùa có nhiều tượng  nhất Hà Nội và Việt Nam với 198 pho.
Ngoài tượng ở thượng điện, trong hậu cung còn có tượng nhà sư Từ Đạo Hạnh làm bằng mây đan phủ sơn và tượng vua Lý Thần Tông làm bằng gỗ mít cùng 39 bức hoành phi, 31 câu đối, 15 bia đá... Trong đó, tấm bia cổ nhất được dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) nhà Hậu Lê do tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc soạn.
Bên cạnh thờ Phật, chùa Láng còn thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông bởi gắn với truyền thuyết nhà sư đầu thai làm con trai một tông thất nhà Lý là Sùng Hiền hầu - em vua Lý Nhân Tông. Do vua Lý Nhân Tông không có con nên con trai của Sùng Hiền hầu được nối ngôi, tức vua Lý Thần Tông (trị vì từ năm 1128 - 1138). Vì thế, con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông đã cho xây chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha và tiền thân của người là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thời Lý, Phật giáo phát triển cực thịnh, thiền sư Từ Đạo Hạnh là bậc cao tăng được triều đình và nhân dân nể trọng, được coi là Đệ tam Thánh tổ Lý triều Quốc sư.
Lễ hội chùa Láng tổ chức chính hội vào ngày 7/3 âm lịch, xưa kéo dài 10 ngày, nay chỉ còn 3 ngày. Trong lễ hội có nghi thức rước kiệu Từ Đạo Hạnh đến chùa Hoa Lăng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) - nơi thờ song thân của ngài. Hội cũng có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc đậm tính truyền thống Bắc Bộ như thi thổi cơm, đấu cờ người, bịt mắt đập niêu, ô ăn quan...
Chùa Láng được xếp hạng Di tích lịch sử  - kiến trúc quốc gia năm 1962. Năm 2019, Lễ hội chùa Láng được công nhận là Di sản văn hóa  phi vật thể quốc gia.
Chụp PET/CT có được BHYT thanh toán không? 
Táo đỏ sấy có 'thần thánh' như lời đồn, ai nên hạn chế?