'Cơn bão giá vàng' chưa dứt, sẽ vọt lên 3.000 USD rồi lao dốc?
Giá vàng tăng không ngừng nghỉ, lao lên như một cơn bão, liên tiếp lập kỷ lục cao mới và sắp đến ngưỡng 2.800 USD/ounce nhưng lực mua vẫn lớn. Đâu là nguyên nhân hình thành "cơn bão" này và liệu có một cú lao dốc sau hơn năm tăng liên tục?
"Cơn bão hoàn hảo"
Giá vàng  sáng 30/10 trên thị trường châu Á tiếp tục lập kỷ lục cao mới, giá giao ngay lên trên 2.781 USD/ounce (quy đổi khoảng 86,2 triệu đồng/lượng) sau khi bất ngờ bứt phá đêm qua lên đỉnh cao mới.
Chốt phiên 29/10 trên thị trường Mỹ (rạng sáng 30/10 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đạt 2.774 USD/ounce, tăng thêm gần 33 USD so với phiên liền trước. Tới 10h sáng 30/10 giá vàng lên mức 2.780 USD/ounce.
Vàng tăng giá trong môi trường thuận lợi, tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” cho kim loại quí khi cuộc đua vào Nhà Trắng bước vào giai đoạn căng thẳng nhất - tuần cuối cùng trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra ngày 5/11.
Truyền thông Mỹ đưa tin là cử tri nước này thấy “bất an” và “có sự khác thường” về cuộc bầu cử năm nay. Đó là tin tức về những vụ ám sát hụt, những lời chỉ trích, các vụ đốt cháy hòm phiếu, lộ mật khẩu... Bên cạnh đó là những cảnh báo như của tỷ phú công nghệ Elon Musk về “cuộc bầu cử cuối cùng”, khả năng bị ám sát vì ủng hộ ông Donald Trump…
Một số cuộc thăm dò cho thấy, nhiều người Mỹ lo ngại về nguy cơ xảy ra bạo lực sau bầu cử.
Tại Trung Đông, tình hình vẫn nóng khi cuộc bầu cử tại Mỹ sắp đi đến hồi kết. Hôm 29/10, Israel không kích vào phía Bắc Dải Gaza khiến gần trăm người thiệt mạng. Quân đội Israel cũng xâm nhập sâu vào miền Nam Liban.
Nhật Bản cũng đang rơi vào bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử hôm 27/10. Liên minh cầm quyền của Nhật đánh mất đa số ghế trong quốc hội và sẽ phải chia sẻ quyền lực, khi đất nước đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế và tình hình an ninh căng thẳng ở Đông Á.
Cú sốc bầu cử ở Nhật và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ có thể tạo cơ hội để Trung Quốc và các đối thủ khác thử thách quyết tâm của Mỹ ở Đông Á, trong đó có vấn đề Triều Tiên.
Liệu có cú đảo chiều, giá vàng lao dốc?
Giá vàng thế giới đã tăng quá nhanh, gần 35% kể từ đầu năm. Áp lực chốt lời gia tăng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy, sức cầu bắt đáy tăng rất nhanh mỗi khi vàng điều chỉnh chút ít, một vài chục USD.
Với hàng chục lần lập đỉnh cao mọi thời đại mới trong năm 2024, nguy cơ giá vàng lao dốc là hiện hữu, đặc biệt là sau khi Mỹ bầu cử xong. Nhiều người kỳ vọng nếu ông Donald Trump thắng cử có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông, Ukraine cũng như Triều Tiên…
Các “tay chơi” lớn trên thị trường vàng như Trung Quốc và Ấn Độ gần đây ngưng và giảm mua vàng khi giá liên tục leo thang.
Tuy nhiên, từ nay cho tới cuộc bầu cử Mỹ, tình hình có thể sẽ nóng hơn tại Mỹ, Nhật và cả Trung Đông, thậm chí Đông Á. Israel có thể sẽ xác lập một vị thế mới tại khu vực trước khi Mỹ có chính quyền mới.
Sau bầu cử Mỹ, chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền mới sẽ có ảnh hưởng nhiều tới thị trường tài chính quốc tế.
Nhưng có một thực tế là các chủ nhân mới của Nhà Trắng thường đẩy mạnh bơm tiền vào đầu nhiệm kỳ. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng mới bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất, với tổng mức giảm có thể lên tới hơn 200 điểm cơ bản. Mùa cao điểm tiêu thụ vàng vào cuối năm cũng là yếu tố hỗ trợ mạnh cho vàng.
Kết quả nhiều cuộc khảo sát gần đây cho thấy, vàng sẽ tiếp tục lên giá và đạt khoảng 3.000 USD/ounce trong năm 2025 trong môi trường lãi suất thấp đi.
Trong nước sáng 30/10, giá vàng miếng SJC được giữ nguyên ở mức 87 triệu đồng/lượng (mua vào) và 89 triệu đồng/lượng (bán). Giá vàng nhẫn tăng vọt thêm 300.000 đồng lên 89,3 triệu đồng/lượng (Doji), lần đầu tiên cao hơn giá vàng miếng.
>> Cơn sốt bầu cử Mỹ khiến giá vàng thế giới tăng cao nhất lịch sử 
Cơn sốt bầu cử Mỹ khiến giá vàng thế giới tăng cao nhất lịch sử 
Giá vàng nhẫn tiếp tục lập đỉnh, vàng thế giới hướng mốc 2.800 USD/ounce