Công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo bắt đầu xuất hiện ở các nhà máy Việt Nam
Xu hướng ứng dụng AI và công nghệ cao trong sản xuất tại Việt Nam đang phát triển mạnh. Chuyển đổi số nhanh giúp Việt Nam dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những năm gần đây, công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo  (AI) đang dần trở thành những công cụ thiết yếu trong ngành sản xuất trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Báo cáo Tầm nhìn trong ngành sản xuất 2024 của Zebra Technologies mới công bố đã đưa ra những con số ấn tượng về xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc ứng dụng AI vào quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả, năng suất, và chất lượng sản phẩm.
Theo báo cáo của Zebra, 61% các doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu kỳ vọng công nghệ AI sẽ thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2029, tăng đáng kể so với con số 41% của năm 2024.
Các công ty đang dần nhận thấy tiềm năng to lớn của công nghệ AI trong việc cải thiện quá trình quản lý dữ liệu và giám sát quy trình sản xuất. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ này còn cao hơn với 68% doanh nghiệp dự báo AI sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2029, so với 46% hiện tại.
Để đạt được điều này, các doanh nghiệp cần ưu tiên chuyển đổi số. 87% các doanh nghiệp trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương xác định chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược quan trọng, tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều thách thức.
Những rào cản chính bao gồm chi phí, khả năng mở rộng quy mô các giải pháp công nghệ, và sự hội tụ giữa công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT).
Một trong những bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số là khả năng hiển thị và giám sát quy trình sản xuất. Nhờ việc ứng dụng AI, các doanh nghiệp có thể quản lý dữ liệu hiệu quả hơn, từ đó ưu tiên xử lý sự cố và nâng cao hiệu suất toàn bộ quy trình sản xuất.
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy chỉ 16% các doanh nghiệp trên toàn cầu có hệ thống giám sát thời gian thực cho toàn bộ quy trình sản xuất, trong khi tỷ lệ này ở châu Á - Thái Bình Dương là 25%.
Điều này phản ánh việc triển khai giám sát còn nhiều hạn chế, cần được cải thiện để tối ưu hóa hiệu suất sản xuất.
Đến năm 2029, khoảng 63% doanh nghiệp ở Châu Á - Thái Bình Dương kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng giám sát toàn bộ quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, 38% lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận rằng sự thiếu nhất quán giữa IT và OT trong việc lựa chọn các dự án đầu tư là một rào cản lớn đối với chuyển đổi số.
Tại Việt Nam, xu hướng ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là AI, đã bắt đầu xuất hiện trong các nhà máy, nhất là ở các ngành công nghiệp như điện tử và sản xuất ô tô.
Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất lớn đã có những bước đi rõ ràng trong việc áp dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang tìm kiếm cách để bắt kịp xu hướng này.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã bắt đầu chuyển từ các công cụ quản lý truyền thống như giấy tờ hay Excel sang việc sử dụng thiết bị quét mã vạch và các hệ thống quản lý số hóa tiên tiến.
Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất làm việc mà còn giúp các nhà máy theo dõi chính xác tình trạng kho bãi, sản phẩm và hàng hóa.
Các nhà sản xuất lớn tại Việt Nam, chẳng hạn như những doanh nghiệp sản xuất ô tô và cà phê, đã áp dụng các giải pháp công nghệ để quản lý hiệu quả hàng hóa trong nhà kho và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Họ đang dần triển khai những dự án số hóa cơ bản và mở rộng quy mô để ứng dụng những giải pháp tiên tiến hơn, đảm bảo quy trình sản xuất không bị gián đoạn và kiểm soát hàng hóa dễ dàng hơn.
Mức độ ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh. Một số nhà sản xuất thậm chí còn triển khai các dự án ứng dụng công nghệ tại Việt Nam và sau đó áp dụng ngược lại mô hình này cho các quốc gia khác trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, hay Singapore.
Điều này cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ trong các ngành sản xuất Việt Nam không hề thua kém so với các nước trong khu vực.
>>Xây dựng hệ tri thức xuất sắc là quan trọng khi làm trợ lý ảo hỗ trợ công chức