Ngay dưới tòa nhà có một khu trưng bày cổ vật từ thời trước và sau khi xây dựng Hoàng Thành Thăng Long.
Tòa nhà Quốc hội  tọa lạc trên đường Độc Lập (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội), là trụ sở làm việc của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Tổng số vốn bố trí thực tế cho dự án tính đến thời điểm chính thức hoạt động là 5.517,59 tỷ đồng.
Tòa nhà này cũng là nơi tổ chức lễ kỷ niệm những ngày trọng đại của dân tộc, nơi đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của nhân dân cả nước và du khách quốc tế. Với những giá trị về mặt chính trị, tư tưởng, nhà Quốc hội được coi là biểu tượng của một nước Việt Nam yêu tự do, yêu hòa bình, sẵn sàng hợp tác với bạn bè quốc tế. Công trình là một tác phẩm kiến trúc đồ sộ không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt tư tưởng, văn hóa, trở thành biểu tượng của nhân dân cả nước.
Đặc biệt, tòa nhà Quốc hội Việt Nam là trụ sở Quốc hội  duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ  dưới lòng đất được phát hiện và đưa vào sử dụng cho hoạt động tham quan.
Dưới lòng đất của tòa nhà, 140 di tích cùng hàng chục nghìn di vật qua 1.300 năm, từ thời tiền Thăng Long (thế kỷ VII-X), đến thời kỳ Thăng Long (thế kỷ XI-XVIII) khai quật năm 2008-2009 được chọn lọc trưng bày. Khu trưng bày rộng tới 3.700m2, nằm dưới tầng hầm có độ sâu từ 7-13m.
Các dấu tích kiến trúc, hiện vật khảo cổ học phát lộ được trưng bày thành 2 không gian chính, thời kỳ tiền Thăng Long (tại tầng hầm 2) và thời kỳ Thăng Long (tại tầng hầm 1).
Đặt chân xuống tầng hầm 2, hình ảnh đầu tiên là tranh tường Bình minh Thăng Long được ghép từ hàng ngàn mảnh gạch ngói vỡ khai quật được tại khu di tích. Tầng hầm này có diện tích gần 2.000m2, là nơi trưng bày những phát hiện khảo cổ thời kỳ tiền Thăng Long, thời kỳ trước khi xây dựng Kinh đô Thăng Long, gồm thời Đại La (thế kỷ VII-IX) và thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X).
Tầng hầm 1 - thời kỳ Thăng Long là mặt bằng kiến trúc rộng 1.700m2. Toàn bộ hình thái kiến trúc cung điện được phục dựng bằng công nghệ 3D và trình diễn bằng hệ thống 42 đèn cột sáng cực kỳ hiện đại, gợi mở về 42 cột gỗ to lớn của công trình kiến trúc cung điện thời Lý. Đây là nơi giới thiệu các di tích, di vật từ thời Lý, Trần, Lê được trưng bày và thể hiện với trình diễn Mapping, Media, đồ hoạ và ánh sáng hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.
Đường đi xuyên suốt bằng kính dày, trong suốt, phía dưới mô tả công trường khai quật Hoàng thành giúp người xem có thể đi phía trên và nhìn trực diện các điểm.
Việc tạo dựng không gian tương tác với hệ thống công nghệ cao như màn cảm ứng tra cứu thông tin, sàn tương tác tìm kiếm hiện vật khảo cổ dưới lòng đất hay tô vẽ và ghép hình di vật khảo cổ học... cùng với thiết kế bởi ánh sáng, màu sắc, âm thanh, tạo nên nét đặc sắc riêng có của khu trưng bày.
Hệ thống tủ trưng bày di vật sắp đặt so le trong lòng di tích, xen kẽ là các media trình chiếu trên nền tối bên trong các không gian của di tích, giúp cho người xem có thể dễ dàng hình dung về quy mô và vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
Khu trưng bày hiện vật được giới chuyên môn đánh giá là thành quả của sự đầu tư nghiên cứu, tìm kiếm ý tưởng, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ và khoa học bảo tồn của Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.