Doanh nghiệp

Công nghiệp ô tô - Bài 1: Chìa khóa của sự thịnh vượng

Trần Thuỷ 28/07/2023 - 13:25

Đóng góp của công nghiệp ô tô cho sự phát triển kinh tế và xã hội là thực tế hiển nhiên, được thừa nhận ở hầu hết các quốc gia phát triển.

Công nghiệp ô tô đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đã xây dựng chiến lược với khát vọng có ngành công nghiệp ô tô phát triển, nhưng mục tiêu đó đến nay không thành công. Tuy nhiên, cơ hội “trăm năm có một” lại đang đến, khi thế giới chuyển đổi từ ô tô động cơ đốt trong sang ô tô điện. Đây là cơ hội để Việt Nam viết lại kịch bản cho ngành công nghiệp ô tô và hướng tới quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Dù vậy hình như Việt Nam lại đang chậm chân trong việc đón bắt cơ hội lớn này và câu hỏi “trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta có cần ngành công nghiệp ô tô hay không”? vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Thúc đẩy hiện đại hóa

Công nghiệp chế biến, chế tạo đã chứng minh được tầm quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Sự thành công của hàng loạt quốc gia như: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… sau quá trình công nghiệp hóa, trở thành nước có thu nhập cao, đều có đóng góp to lớn của công nghiệp chế biến, chế tạo. Có thể nói, công nghiệp chế biến, chế tạo chính là chìa khóa để tạo nên sự thịnh vượng.

Công nghiệp ô tô lại là một trong những trụ cột quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, luôn được nhiều quốc gia trên thế giới mơ ước. Ô tô là sản phẩm được cấu thành từ hơn 20.000 đến 30.000 linh kiện, được sản xuất từ nhiều ngành nghề khác nhau như cơ khí, điện tử, thép, cao su, nhựa… Trong số hàng ngàn phụ tùng, linh kiện, mỗi loại lại cần những công nghệ sản xuất khác nhau. Từ công nghệ trung bình thấp như ép nhựa, đến những công nghệ cao, phức tạp như hộp số, động cơ, tự động hóa...

Chính vì đặc điểm kỹ thuật trên, nên công nghiệp ô tô được đánh giá là một trong những ngành đi đầu, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác. Công nghiệp ô tô tạo ra liên kết đầu vào, đầu ra rộng lớn, là khách hàng của nhiều ngành sản xuất, nên có sức lan tỏa rất lớn. Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển và ảnh hưởng lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

ccc

Đóng góp của công nghiệp ô tô cho sự phát triển kinh tế và xã hội là thực tế hiển nhiên, được thừa nhận ở hầu hết các quốc gia phát triển.

Tại Nhật Bản có tới 30.000 doanh nghiệp chuyên cung cấp linh kiện cho lắp ráp ô tô. Ngành công nghiệp ô tô đã dẫn dắt sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp và có ảnh hưởng lớn đến phát triển của nền kinh tế Nhật Bản. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA), công nghiệp ô tô đóng góp tới 10% GDP, trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời tạo ra khoảng 5,5 triệu việc làm tại xứ sở “Mặt trời mọc”.

Còn ngành công nghiệp ô tô tại Hàn Quốc là động lực chính tạo ra một “con rồng châu Á”. Đến nay, công nghiệp ô tô là một trong những ngành chủ lực, đóng góp gần 20% GDP và tạo ra hơn 10% tổng số việc làm cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Cố Chủ tịch Chung Ju Yung, nhà sáng lập tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) đã từng chia sẻ rằng, với ông chiếc xe hơi là biểu hiện về trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước chế tạo ra nó. Nó cũng chính là hình ảnh của đất nước đó. Một đất nước có thể sản xuất chiếc xe hơi hoàn thiện thì cũng có thể sản xuất được tất cả mọi thứ, kể cả máy bay, tàu ngầm... Tôi luôn nghĩ rằng nếu một chiếc xe được nội địa hóa 100% có nghĩa là ngành công nghiệp của nước đó đã phát triển, sẽ đóng góp nhiều cho đất nước.

Thiếu vắng công nghiệp ô tô?

Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Như vậy đòi hỏi phải có một ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển lớn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hiện tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo mới chiếm khoảng 17% trong GDP, vẫn thấp khá xa so với tiêu chí của nước công nghiệp phát triển. Mặc dù đang giữ vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn nhiều hạn chế như: gia công, lắp ráp lớn, công nghiệp hỗ trợ phát triển rất chậm. Công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu dựa vào nguồn lực bên ngoài (khu vực FDI), còn doanh nghiệp Việt Nam vừa ít về số lượng vừa nhỏ về quy mô, chỉ tham gia vào các công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi.

Từ thực tế trên thế giới cho thấy, những quốc gia mắc “bẫy thu nhập trung bình” chủ yếu là không tạo ra được một đội ngũ các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước hùng hậu, đủ khả năng tự lực, tự cường, có thể làm chủ nền kinh tế và có năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Sau hơn 30 năm phát triển, Việt Nam đã không làm được điều này.

ccc

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và vươn lên trở thành quốc gia thịnh vượng, có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam không có con đường nào khác là phải thúc đẩy công nghiệp hóa, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, trong đó tăng năng suất là yếu tố quyết định.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 diễn ra vào cuối tháng 1/2021, đã đặt ra mục tiêu phấn đấu, trong giai đoạn 2021-2025, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP lên mức trên 25%. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đạt được mục tiêu trên trong bối cảnh hiện nay?

Liệu một quốc gia có ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển mà thiếu vắng sự đóng góp của ngành công nghiệp ô tô? Các tính toán cho thấy công nghiệp ô tô phát triển có thể đóng góp tới 30% trong tổng giá trị của công nghiệp chế biến chế tạo, góp phần tạo ra năng suất cao và tăng trưởng cao cho GDP. Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô là cơ hội thu hút nguồn vốn, kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến; cũng như kinh nghiệm quản lý, kinh doanh hiện đại và cơ hội để đào tạo hàng trăm nghìn lao động có trình độ tay nghề cao, ý thức chấp hành kỷ luật lao động công nghiệp tốt.

Vì vậy, vai trò của ngành công nghiệp ô tô rất quan trọng. Nếu bỏ qua nó thì các mục tiêu lớn của quốc gia sẽ khó đạt được.

(Còn tiếp)

Toyota cam kết hỗ trợ Vĩnh Phúc với triết lý 'phát triển con người trước khi sản xuất ô tô'

Ô tô Malaysia ‘đổ bộ’ Việt Nam, đối đầu Honda HR-V, Mitsubishi Xforce và Toyota Corolla Cross

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/cong-nghiep-o-to-bai-1-chia-khoa-cua-su-thinh-vuong-248233.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Công nghiệp ô tô - Bài 1: Chìa khóa của sự thịnh vượng
    POWERED BY ONECMS & INTECH