CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Mã FTM - HOSE) công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 với khoản lỗ tăng gấp 2,33 lần so với báo cáo tự lập.
Khoản nợ xấu khổng lồ xuất hiện : Cụ thể năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu 189,5 tỷ đồng - giảm so với mức 232 tỷ của năm trước đó, lợi nhuận sau thuế âm 473 tỷ - gấp 2,1 lần năm 2021 (năm lỗ ròng thứ 4 liên tiếp). Lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2022 tăng gấp hơn 2 lần đầu năm lên mức 894 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC kiểm toán năm 2022 của FTM |
Trước đó ghi nhận tại báo cáo tài chính tự lập, lỗ ròng năm 2022 của Đức Quân chỉ ở mức 203,3 tỷ đồng.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến lỗ tăng hơn 2 lần sau kiểm toán là do việc trích lập dự phòng các khoản công nợ phải thu khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ gần 17 tỷ đồng lên gần 289 tỷ đồng - tương đương gấp 17,2 lần báo cáo tự lập.
Tại ngày 31/12/2022, FTM phát sinh mới gần 386 tỷ đồng nợ xấu trong đó công ty dự kiến chỉ có thể thu hồi được hơn 116 tỷ đồng. Việc này dẫn tới khoản trích lập dự phòng bất thường 269 tỷ được ghi nhận tại danh mục chi phí quản lý doanh nghiệp.
Vốn chủ sở hữu chuyển âm : Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Đức Quân giảm mạnh gần 400 tỷ về còn 994 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu chuyển âm 384,5 tỷ so với mức dương 88,5 tỷ hồi đầu năm; nợ phải trả tăng lên mức 1.378 tỷ trong đó 1.290 tỷ là nợ ngắn hạn. Công ty hiện đang vay nợ tài chính 785 tỷ đồng. Việc vay nợ lớn khiến công ty phải chi hơn 100 tỷ cho các khoản lãi vay trong nhiều năm qua.
Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bắc Hà Nội đang là chủ nợ lớn nhất của FTM với khoản nợ gốc đến cuối năm 2022 ở mức 546 tỷ đồng. Các khoản vay này đã quá hạn thanh toán gốc từ tháng 9/2020.
Đáng chú ý, AVA cũng từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo kiểm toán kiểm toán năm 2022 của Đức Quân với một số luận điểm: Tổng số nợ phải trả của FTM đã vượt tổng số tài sản gần 385 tỷ đồng và việc phát sinh khoản lỗ trên báo cáo tài chính hơn 473 tỷ.
Ngoài ra các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền hơn 602 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền hơn 511 tỷ đồng.
Theo đơn vị kiểm toán, giá trị của giả định hoạt động liên tục sử dụng trong việc lập báo cáo tài chính này cơ bản tùy thuộc vào việc Ban Giám đốc đưa ra các chiến lược kinh doanh để cải thiện tình hình của công ty cũng như duy trì hoạt động và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, FTM đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính đã và đang phải thực hiện nhiều biện pháp tái cơ cấu về tổ chức, kinh doanh và quản lý tài chính.
Kiểm toán cũng nêu giả định về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp thương mại này.
Giải trình về việc kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022, Đức Quân cho biết trong năm 2022, tổng số thuế giá trị gia tăng (GTGT) của công ty đã phát sinh bù trừ là 14,7 tỷ đồng; số thuế GTGT hàng nhập khẩu và thuế nhập khẩu đã thực nộp bằng tiền là 10,3 tỷ đồng, tiền thuê đất đã nộp 466 triệu đồng, thuế TNCN phát sinh đã nộp 118 triệu đồng.
Số lao động của công ty tăng từ 447 lao động tại ngày 31/12/2021 lên 574 lao động tại ngày 31/12/2022. Tính tới kỳ quyết toán thuế năm 2022, công ty không phát sinh nợ thuế. Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn hoạt động bình thường.
Cổ phiếu vào diện hạn chế giao dịch : Ở diễn biến liên quan, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc đưa cổ phiếu FTM vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 7/4/2023 do vốn chủ sở hữu của Đức Quân đã chuyển âm và đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022.
Diễn biến giá cổ phiếu FTM |
Theo đó, cổ phiếu FTM chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. Mã hiện đứng tham chiếu 1.400 đồng/cổ phiếu cùng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt gần 150.000 đơn vị/phiên.
Chủ tịch FTM từng bị phạt thao túng giá cổ phiếu công ty Nói thêm về Đức Quân, ngày 30/8/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng xử phạt hành chính 600 triệu đồng đối với ông Lê Mạnh Thường - Chủ tịch HĐQT công ty và bà Phạm Thị Phương về tội thao túng giá cổ phiếu khi đã sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM. Chủ tịch HĐQT Phát triển Đức Quân - Lê Mạnh Thường Trước đó năm 2019, giá cổ phiếu FTM từng gây rúng động thị trường chứng khoán Việt với hàng chục phiên giảm sàn từ mức gần 24.000 đồng về còn khoảng 3.000 đồng/đơn vị Tại thời điểm đó đã có 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì cho vay margin cổ phiếu FTM. Cùng với kế quả kinh doanh bết bát, 50 triệu cổ phiếu Đức Quân đã bị hủy niêm yết trên HOSE ngày 16/5/2022 do công ty có kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp và tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp. |
Đức Quân (FTM) lỗ chồng chất 13 quý liên tiếp, cổ phiếu “bay” gần 90% 
[Chứng khoán cười] "Ông nào bán sàn cổ phiếu HAG - HNG phiên ATC? 
Đức Quân Fortex (FTM) lỗ thêm 203 tỷ đồng năm 2022 - năm thứ 4 liên tiếp thua lỗ 
Lỗ thêm 60 tỷ trong quý 3, Đức Quân Fortex (FTM) có quý thứ 16 liên tiếp kinh doanh thua lỗ