Công ty lớn nhất lịch sử nhân loại và tờ cổ phiếu cổ nhất thế giới
Lịch sử đã ghi nhận sự tồn tại của một công ty có quy mô không tưởng.
Ngày nay khi nhắc đến tập đoàn lớn người ta nghĩ đến Amazon, Apple, Microsoft, Tesla,…nhưng so với nhân vật chính trong câu chuyện này thì những cái tên kể ra kia hoàn toàn không cùng đẳng cấp. Vài trăm năm trước, có một doanh nghiệp đạt giá trị bằng tổng giá trị của… 20 tập đoàn đỉnh nhất năm 2019 gộp lại với trụ sở là cả một thành phố. Đó là Vereenigde Oostindische Compagnie (VOC) - Công ty Đông Ấn Hà Lan.
VOC là công ty đa quốc gia đầu tiên trên thế giới và có nhiều thứ “chưa từng có” khác: ngân sách từ cổ phiếu mua bán trong thị trường chứng khoán hiện đại đầu tiên, biểu trưng đầu tiên (không đổi suốt thời gian tồn tại) - biểu trưng xuất hiện trên cờ, đại bác, và tiền xu của công ty, tạo thành bộ nhận diện thương hiệu đầu tiên.
Một sinh viên lịch sử người Hà Lan đã tìm ra cổ phiếu được cho là cổ nhất thế giới nằm trong những tài liệu lưu trữ bị quên lãng về thành phố Enkhuzen. Tờ cổ phiếu này thuộc về ông Pieter Harmensz, một công dân của thành phố Enkhuzen, người sinh thời làm trợ lý cho một vài đời thị trưởng ở đây.
Bối cảnh hình thành nên một huyền thoại
Trong quá khứ, mọi đợt giao thương Âu-Á đều chỉ là những hành trình mạo hiểm một lần - việc kinh doanh tự giải tán khi chuyến đi kết thúc. Người Anh muốn duy trì kinh doanh nên đã tập hợp nguồn lực để lập công ty Đông Ấn Anh vào năm 1600 nhằm tạo điều kiện buôn bán liên tục. Chính phủ Hà Lan không ngồi yên, phê chuẩn cho VOC ra đời hai năm sau đó với nhiệm vụ hỗ trợ giao thương Âu-Á và là công cụ giành thị trường với người Anh.
Cơ sở đầu tiên của VOC đặt tại Banten (Batavia), Indonesia vào năm 1619, khi Jan Pietersz Coen chiếm cảng này. Tại đây, pháo đài Batavia khổng lồ được dựng lên cùng với nhà xưởng, kho bãi và khu nhà ở của nhân viên. Trong thập niên sau đó, VOC chiếm thêm nhiều đảo của Indonesia và lập những đồn điền rộng lớn trồng đinh hương và nhục đậu khấu xuất khẩu. Tại Batavia, hàng từ châu Âu đến sẽ được bán phân phối khắp châu Á, biến thành phố cảng nhỏ thành trụ sở chính của VOC và trung tâm mậu dịch lớn của thế giới.
Được Chính phủ Hà Lan ủy quyền dựng pháo đài, nắm quân đội và kí kết hiệp ước, VOC càng củng cố sức mạnh và thế độc quyền rộng khắp của mình: họ là những người châu Âu duy nhất được phép giao thương với Nhật Bản khi họ mua bạc và đồng từ đây (rồi sau đó đổi chúng lấy vải lụa và đồ gốm từ Trung Quốc và Ấn Độ); họ nhận được những loại gia vị quý để mang về châu Âu, sẵn tiện giới thiệu phát kiến và công nghệ châu Âu đến châu Á.
Bong bóng Uất kim hương và sự trỗi dậy của VOC
Trước khi VOC ra đời, hoa tulip (uất kim hương) đã xuất hiện ở Tây Âu cuối thế kỉ 16. Vốn đến từ Ottoman (Thổ Nhĩ Kì ngày nay), tulip rất được săn đón vì hình dáng lạ thường của nó khiến dân tình xem nó là biểu tượng đẳng cấp. Hoa tulip rất khó trồng, nên khi người Hà Lan tìm ra cách trồng và rút ngắn thời gian phát triển của loài hoa này từ 7-12 năm xuống còn 1 năm, họ tranh thủ biến nó thành đòn bẩy kinh tế đất nước.
Đến năm 1636, củ hoa tulip là mặt hàng xuất khẩu nhiều thứ tư của Hà Lan với giá được đẩy lên ngất ngưởng. VOC nằm ngay tâm cơn lốc tulip khi đội tàu của công ty chở hoa đi bán khắp thế giới, góp phần lớn tăng giá cổ phiếu VOC và giúp công ty đạt giá trị 78 triệu guilder - đơn vị tiền tệ của Hà Lan thời đó (đây là nhận định của hãng Visual Capitalist). Con số này tương đương 7,9 ngàn tỉ đôla Mỹ, xấp xỉ GDP của hai cường quốc Đức và Anh cộng lại hoặc… khoảng 7 lần giá trị tập đoàn thương mại điện tử Amazon. Bất chấp cơn lốc tan bụp như bóng xà phòng cuối năm 1637 khiến nhiều người tán gia bại sản, VOC vẫn tồn tại, phát triển mạnh hơn và sẵn sàng mở rộng không gì cản nổi.
The Tulip Folly |
Với lợi nhuận và ngân sách khổng lồ mới có, VOC bắt tay dựng các cảng buôn. Năm 1640, công ty vươn vòi đến Ceylon (Sri Lanka ngày nay) do Bồ Đào Nha chiếm trước đây; hàng loạt cảng buôn tiếp theo lần lượt có mặt tại Mũi Hảo Vọng (Nam Phi), Ba Tư, Bengal, Malacca, Xiêm (Thái Lan ngày nay), Formosa (Đài Loan ngày nay), Malabar, và nhiều nơi khác. Đến năm 1860, VOC có 40 tàu chiến, 150 tàu buôn, 10.000 quân tinh nhuệ, và vô số nhân viên cùng hàng hóa. VOC là công ty lớn mạnh nhất thế giới thời đó…
Đế chế sụp đổ
Năm 1672, chiến tranh Anh-Hà Lan bùng nổ rồi kéo dài hai năm khiến Hà Lan không thể buôn bán tại châu Âu; điều này giúp cho các công ty Đông Ấn của Pháp và Đan Mạch mon men thị trường. Suốt 60 năm sau là hàng loạt những biến cố cạnh tranh lẫn nhau: thay đổi cảng buôn, thử bán nhiều loại hàng, rút khỏi khu vực buôn bán; VOC vẫn làm ăn có lãi nhưng không còn địa vị độc tôn như trước.
Rồi đến trận Colachel ngày 10/08/1741. Vài ngày trước, đoàn thám hiểm Hà Lan gồm 14 tàu cập bến thị trấn Colachel thuộc Vương quốc Travancore miền Nam Ấn Độ và cướp phá làng mạc với mục đích kiểm soát vùng trồng hồ tiêu (mệnh danh là “vàng đen” thời đó). Khi chờ viện binh, lính Hà Lan đóng hết vào Pháo đài Colachel, nên quốc vương Marthanda Varma quyết định sai quân vây pháo đài để chia cắt tiếp tế lương thực và đạn dược. Phe Hà Lan bị bỏ đói nên phải đầu hàng - đánh dấu thất bại quân sự đầu tiên của người Âu trước người Á.
Trận thua thảm trên khiến VOC không thu được gì dù đã đổ một đống tiền, mà còn thiếu nguồn lực đầu tư cho kế hoạch lớn tiếp theo trong bối cảnh cạnh tranh đầy rẫy. Cảng Batavia từ niềm tự hào trở thành gánh nặng, khi mọi tàu của VOC đều phải dừng tại đây làm tốn thời gian, đội chi phí, hệ thống hậu cần và phân phối chậm chạp hơn so với các đối thủ chuyển hàng trực tiếp từ Trung Quốc về châu Âu, công ty không thể nương theo biến đổi thời cuộc đến mức không gượng nổi. VOC vật vờ hoạt động cho đến ngày 31/12/1799, kết thúc 200 năm của tập đoàn oanh liệt nhất lịch sử nhân loại.
Còn Batavia? Siêu trụ sở suốt thời vàng son của VOC đổi tên thành Jakarta từ năm 1949 chính là Thủ đô nước Indonesia ngày nay; tòa văn phòng VOC giờ là Bảo tàng Lịch sử Jakarta.
Hai giải đua xe địa hình và Gymkhana hấp dẫn chính thức khởi tranh tại Hà Nội 
Leo dốc cao, lội hố bùn như tay đua với xe Toyota Hilux tại PVOIL VOC 2024