Cụ bà nhiều tuổi bậc nhất Việt Nam nhưng tóc vẫn đen như con gái, răng rụng lại mọc, 123 tuổi chưa một lần đi viện
Dù đã 123 tuổi nhưng răng cụ không móm, tóc vẫn đen, chỉ thoảng ít sợi bạc, trong khi tóc con gái đã bạc nửa đầu.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương , năm 2023, tỉnh có hơn 400 người tròn 100 tuổi. Trong đó, cụ bà Nguyễn Thị Cơ, 123 tuổi, sống tại thôn Phạm Khê, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện được xác định là người cao tuổi nhất (theo năm sinh ghi trên căn cước công dân).
Điều đặc biệt khiến nhiều người kinh ngạc là dù đã bước qua tuổi 123, cụ Cơ vẫn giữ được mái tóc đen mượt. Bà Nguyễn Thị Hạt, con gái út của cụ, chia sẻ rằng từ trước đến nay tóc cụ vẫn đen, chỉ xuất hiện rất ít sợi bạc. Bà cũng không hiểu vì sao tóc mẹ mình vẫn giữ được màu đen tự nhiên, trong khi răng rụng rồi lại mọc. Cụ Cơ vẫn tỉnh táo, minh mẫn, có thể phân biệt được người quen và người lạ chỉ qua giọng nói. Gia đình cho biết, cụ chưa từng ốm đau nghiêm trọng hay phải vào viện điều trị, chỉ yếu đi theo tuổi tác. Khi mệt, cụ chỉ cần uống vài viên thuốc hoặc nhờ y bác sĩ tiêm.
Bà Hạt cho biết thêm: “Con rể cụ năm nay gần 90 tuổi đã lẫn, nhưng cụ thì chưa. Dù mắt cụ không còn rõ nhưng cụ vẫn nghe đài và trò chuyện cùng mọi người”.
Có nhiều người đặt câu hỏi về độ chính xác của tuổi 123 này. Tuy nhiên, chính quyền địa phương  cho biết do cụ đã rất cao tuổi, những người cùng thời với cụ đều đã qua đời, nên không có nhân chứng nào để xác thực thông tin. Hiện tại, căn cứ duy nhất là giấy tờ của cụ, gồm chứng minh nhân dân từ năm 1979 được dùng để cấp căn cước công dân mới. Dựa trên thông tin này, chính quyền địa phương tổ chức chúc thọ cho cụ hàng năm, và tuổi 123 của cụ được xác nhận dựa theo các giấy tờ còn lưu giữ.
Theo giấy tờ, cụ Nguyễn Thị Cơ sinh năm 1901 tại xã Đoàn Đào, huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng (nay là xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Cụ có ba người con gái, nhưng người con lớn không may qua đời từ khi còn nhỏ, người con thứ hai lấy chồng xa, nên cụ sống cùng con gái út là bà Nguyễn Thị Hạt.
Khi 25 tuổi, bà Hạt kết hôn với một người đàn ông đồng ý ở rể do hoàn cảnh gia đình bà khó khăn. Cặp vợ chồng này sinh được một cô con gái. Đến năm 1980, chồng bà Hạt muốn chuyển về quê nội cách đó khoảng 10km. Mặc dù nhiều người khuyên "thuyền theo lái, gái theo chồng", nhưng vì gia đình neo người và cha đang ốm nặng, bà Hạt quyết định ở lại để chăm sóc cha mẹ già. Từ đó, hai vợ chồng ly thân, bà Hạt một mình nuôi con.
Năm 1982, cha bà qua đời, bà Hạt tiếp tục ở lại chăm sóc mẹ. Gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng để mưu sinh. Những năm trước khi còn khỏe, cụ Cơ thường ra sân chơi và đi dạo, nhưng vài năm trở lại đây, cụ chỉ có thể quanh quẩn trong nhà do mắt mờ và chân yếu.
Trong 3 năm trở lại đây, thị lực của cụ Cơ giảm dần, việc di chuyển cũng trở nên khó khăn. Hai mẹ con sống dựa vào khoản trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng dành cho người cao tuổi của cụ Cơ. Để tiết kiệm chi tiêu, bà Hạt nấu ăn bằng bếp củi, không bật quạt và hạn chế xem tivi, thay vào đó nghe đài chạy bằng pin. Bà cố gắng giữ tiền điện hàng tháng trong khoảng 50.000 đồng từ trợ cấp hộ nghèo. Ngoài việc chăm sóc mẹ, bà Hạt còn nuôi vài con gà và trồng rau để cải thiện cuộc sống.
Gia đình cụ Cơ thuộc diện hộ nghèo đặc biệt của thôn Phạm Khê. Nhiều người thắc mắc về bí quyết sống thọ của cụ, nhưng bà Hạt cho biết không có bí quyết gì đặc biệt, chỉ là lối sống giản dị hàng ngày. Cụ Cơ duy trì thói quen ăn 3 bữa cơm nóng với muối vừng, thỉnh thoảng thêm giò, chả. Khi cụ không ăn cơm, bà Hạt thay thế bằng sữa, cháo hoặc mì tôm.
>> Bí quyết đảo ngược để trường thọ của người xưa: Ăn gừng mùa hè, củ cải mùa đông 
Cụ bà hưởng lương hưu khởi điểm 290 đồng/tháng đến nay tăng thế nào? 
Gọi công an thật mới ngăn được cụ bà ở Hà Nội chuyển 410 triệu cho công an giả