Cụ ông U90 kiếm hơn 345 tỷ đồng nhờ đầu tư cổ phiếu: Được ví như 'Warren Buffett Nhật Bản', 2 giờ sáng đã dậy theo dõi thị trường
Shigeru Fujimoto chia sẻ: “Khi giá cổ phiếu giảm, đó là thời điểm tốt để mua vào. Nhưng điều quan trọng là liệu bạn có đủ tiền và can đảm để làm điều đó không”.
Shigeru Fujimoto (88 tuổi) - người từng là chủ cửa hàng thú cưng đến từ Kobe, Nhật Bản - đã gây chú ý trên thị trường khi cổ phiếu công ty Storage-OH tăng vọt 17% hồi tháng 10 năm ngoái. Được biết, ông Fujimoto là cổ đông tại công ty chuyên về lưu trữ và kho bãi này.
Trong khi phần lớn người Nhật vẫn lựa chọn giữ tiền mặt hoặc gửi tiết kiệm với lãi suất gần như bằng 0, ông Fujimoto đã tích lũy được khoảng 2 tỷ yên (tương đương hơn 345 tỷ đồng) sau gần 7 thập kỷ đầu tư chứng khoán.
Ông không chỉ nổi bật vì những bước đi táo bạo trong tài chính, mà còn vì cách ông tích lũy của cải cho tuổi già, trong khi nhiều người cao tuổi khác đang phải “vật lộn” với những khoản lương hưu nhỏ nhoi giữa cơn bão lạm phát.
Thậm chí, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán  tháng trước - đợt giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1987 - cũng không khiến ông Fujimoto lo lắng. Ông chia sẻ rằng: “Khi giá cổ phiếu giảm, đó là thời điểm tốt để mua vào. Nhưng điều quan trọng là liệu bạn có đủ tiền và can đảm để làm điều đó không”.
Hiện tại, có một lượng lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ đang theo dõi động thái của ông trên thị trường chứng khoán. Ông thậm chí còn viết một cuốn sách về chiến lược đầu tư của mình.
Warren Buffett của Nhật Bản
Đối với nhiều người Nhật, đặc biệt là người cao tuổi, nỗi ám ảnh từ sự sụp đổ của bong bóng tài sản đầu thập niên 1990 đã khiến họ e ngại đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Hiện tại, tiền mặt chiếm hơn một nửa tài sản hộ gia đình ở Nhật Bản, tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với Mỹ hay châu Âu, theo một báo cáo của Ngân hàng Nhật Bản.
Chính phủ nước này đang cố gắng khuyến khích người dân chuyển phần lớn số tiền gửi ngân hàng khổng lồ này vào thị trường chứng khoán thông qua việc mở rộng các tài khoản tiết kiệm hưu trí miễn thuế, gọi là NISA. Nhờ chiến dịch này, các hộ gia đình Nhật đã đầu tư hơn 10 nghìn tỷ yên vào NISA trong nửa đầu năm nay, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dẫu vậy, văn hóa đầu tư của Nhật vẫn còn khá thận trọng.
Ông Fujimoto, người không sử dụng điện thoại thông minh, ô tô hay thậm chí thẻ tín dụng, lại hoan nghênh xu hướng giới trẻ Nhật Bản tham gia đầu tư chứng khoán. “Thật thú vị khi bạn suy nghĩ kỹ, học hỏi nhiều và đạt được lợi nhuận tốt, đúng không? Việc học rất thú vị và cũng thật vui khi nhìn thấy kết quả”, ông cho hay.
Với người hâm mộ đông đảo, ông đôi khi được hỏi liệu có nhận “học viên” hay không, thậm chí còn được truyền thông gọi là "Warren Buffett  của Nhật Bản". Dù khiêm tốn trước sự so sánh này, ông Fujimoto nói rằng điều duy nhất ông và huyền thoại Buffett có chung chỉ là tuổi tác và niềm đam mê cổ phiếu.
Niềm đam mê và bài học về đầu tư
Trong 10 năm qua, ông Fujimoto tập trung vào giao dịch ngắn hạn, nhưng ông cảnh báo rằng đây không phải chiến lược lý tưởng cho các nhà đầu tư trẻ. "Điều quan trọng là giữ cổ phiếu tốt trong dài hạn. Đừng mua rồi bán ngay như các nhà giao dịch trong ngày. Nếu bạn giữ cổ phiếu đủ lâu, chúng sẽ sinh lời".
Ông Fujimoto bắt đầu hành trình đầu tư từ khi còn trẻ, vào năm 19 tuổi, khi ông nói chuyện với một Giám đốc từ công ty môi giới thường xuyên ghé qua cửa hàng thú cưng nơi ông làm việc.
Cổ phiếu đầu tiên mà ông mua là của các doanh nghiệp mà sau này trở thành Sharp Corp và công ty lọc dầu Eneos Holdings Inc. Ban đầu, ông không hoàn toàn tập trung vào đầu tư, thay vào đó là mở một cửa hàng thú cưng và sau này là một tiệm chơi mạt chược kiểu Nhật.
Đến năm 1986, sau khi bán chuỗi tiệm mạt chược và kiếm được 65 triệu yên, ông mới bắt đầu đầu tư toàn thời gian.
Là người đàn ông U90, ông Fujimoto vẫn thức dậy vào lúc 2 giờ sáng để theo dõi thị trường Mỹ và xem kênh CNBC. Fujimoto nói rằng đầu tư giúp ông tận hưởng cuộc sống và ngăn ngừa việc “nhớ nhớ quên quên”. Tuy nhiên, ông không hoàn toàn hài lòng với tài sản của mình, cho rằng mình "chưa nỗ lực đủ" và cần cân bằng giữa việc không quá tham lam nhưng vẫn theo đuổi lợi nhuận.
>> Warren Buffett gợi ý 1 chiến lược quan trọng giúp đầu tư thành công hơn