Doanh nghiệp

Cuộc chiến “thời trang siêu nhanh”

Quân Bảo 25/07/2023 - 07:50

Tại Mỹ, hãng thời trang siêu nhanh, siêu rẻ của Trung Quốc, Temu, vừa đâm đơn kiện hãng thời trang cũng siêu nhanh, siêu rẻ và cũng của Trung Quốc, Shein về tội “độc quyền”.

Vụ kiện đã đẩy cuộc chiến pháp lý giữa hai chiến binh thời trang nhanh lên một “tầm cao mới”. Trước đó vào tháng 12, Shein kiện Temu, cho rằng Temu huy động người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer) để chê bai Shein.

Trong vụ kiện mới, Temu tuyên bố Shein đã “tham gia vào những chiến dịch đe dọa, hăm dọa, đưa ra thông tin sai lệch và áp dụng các hình phạt vô căn cứ” đối với những nhà sản xuất quần áo đang hợp tác với Temu. Đồng thời, Temu cho rằng Shein ép các nhà sản xuất phải ký thỏa thuận độc quyền nhằm ngăn họ hợp tác với Temu.

Chưa bàn đến tính đúng sai của vụ kiện, vì dù sao vẫn còn phải chờ tòa phán xét. Chỉ xét riêng nguồn gốc và vị thế, người ta đã có thể nhìn ra các màn kèn cựa nhau của hai thương hiệu này.

Đều bắt nguồn từ Trung Quốc, cả Temu và Shein đều thành danh với cương vị một nhà bán lẻ online chuyên về thời trang nhanh. Theo một số khía cạnh nào đó, họ đã đánh bại các ông lớn trong ngành như Zara hoặc H&M bằng cách tạo ra các sản phẩm với tốc độ nhanh hơn, đồng thời hiểu rõ cách tiếp cận khách hàng online.

Dữ liệu từ Bloomberg Second Measure cho thây Shein đã vượt qua Zara và H&M, vươn lên đứng đầu thị phần Mỹ trong suốt mùa dịch. Còn Temu, dù mới ra mắt năm ngoái, cũng đã có chỗ đứng vững chắc.

Trong tình thế ấy, các cuộc đối đầu pháp lý càng khiến cuộc chiến nóng hơn bao giờ hết, cũng như thể hiện được mức độ cạnh tranh của ngành hàng thời trang nhanh.

“Cuộc chiến” mới

Temu có cùng mẹ với Pinduoduo, sàn TMĐT khổng lồ ở Trung Quốc. Temu chính thức chào sân Hoa Kỳ hồi tháng 9 năm ngoái. Sàn Temu có mọi thứ, từ trang phục, đồ gia dụng cho đến đồ điện tử với mức giá cực thấp. Temu nhanh chóng trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất Hoa Kỳ.

Trong đơn kiện mới đây của mình, Temu tuyên bố việc họ ra mắt thị trường Hoa Kỳ đã khiến Shein lo lắng và có những động thái ra tay. Temu cáo buộc Shein cố gắng “khóa chuỗi cung ứng” bằng cách buộc các nhà sản xuất ký thỏa thuận độc quyền, không được hợp tác với Temu. Nếu nhà sản xuất tiếp tục làm việc với Temu, Shein sẽ áp dụng các hình phạt.

Theo Temu, giống như Shein, hầu hết các nhà cung cấp của Temu đều có trụ sở tại Trung Quốc. Do đó họ không quen thuộc với hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ và không có kinh phí thuê luật sư độc lập. Hành động của Shein là đang muốn loại trừ Temu, từ đó Shein có thể áp đặt các mức giá cao hơn cho người tiêu dùng, trong khi các lựa chọn dịch vụ lại bị giảm đi.

Đáp lại những cáo buộc này, đại diện Shein tuyên bố họ “tin tưởng rằng đơn khiếu nại không có cơ sở” và họ sẽ tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ.

Cuộc chiến của các blogger

Nếu như Temu chỉ mới chào sân Hoa Kỳ từ tháng 9 năm ngoái, thì Shein đã thành công ở thị trường này từ hai năm trước, thu hút được lượng lớn khách hàng trẻ tuổi bằng trải nghiệm mua sắm trên điện thoại dễ gây nghiện và kho trang phục đồ sộ, hợp thời trang. Shein đang thống trị mảng thời trang siêu nhanh ở Mỹ với hơn 75% thị phần.

Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy Temu đã vượt mặt Shein. Chẳng hạn thống kê từ Second Measure cho thấy tổng chi tiêu người Mỹ dành cho Temu đã vượt 20% so với Shein.

Trong những tháng gần đây, cả hai nền tảng ngày càng trở nên mâu thuẫn nhiều hơn, đặc biệt là các cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội.

Tháng 12 năm trước, Shein đệ đơn khiếu nại lên tòa án Illinois, cáo buộc Temu “chiêu mộ” các influencer, “hướng dẫn” họ đưa ra những thông tin sai lệch về Shein và nâng tầm Temu. Chẳng hạn “Shein không phải là sàn trang phục duy nhất. Hãy đến với Temu, hàng rẻ hơn, chất lượng hơn”.

Đáp trả lại, Temu cũng nộp đơn đề nghị bác bỏ vụ kiện. Tuy nhiên vụ kiện vẫn đang trong quá trình chờ giải quyết.

Tạm kết

Theo đánh giá từ những chuyên gia trong ngành, chưa bàn đến việc bên nào có lợi thế trong các vụ kiện, một điều có thể khẳng định rõ ràng là Temu và Shein là mối đe dọa đối với nhau. Dưới tình thế kèn cựa như vậy, việc lôi nhau ra tòa không có gì đáng ngạc nhiên. Và họ đang cố gắng thể hiện tính hợp pháp của mình tại tòa án bằng cách đổ lỗi và cáo buộc bên kia có những hành động vi phạm pháp luật.

Chính thức trình làng tàu tự hành lớn nhất thế giới: Có sức chuyên chở lên đến 58.000 tấn, phạm vi hoạt động tối đa khoảng 16.000 hải lý

Láng giềng Việt Nam tung ‘siêu’ tàu container đầu tiên chạy bằng hydro: Nặng 1.450 tấn, phạm vi hoạt động lên tới 380km, hứa hẹn dẫn đầu cuộc cách mạng xanh trên biển

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/cuoc-chien-thoi-trang-sieu-nhanh-248012.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cuộc chiến “thời trang siêu nhanh”
    POWERED BY ONECMS & INTECH