Cuộc đời quyền quý, truân chuyên của vị hoàng hậu duy nhất trong lịch sử Việt Nam 3 lần giành giải Hoa hậu Đông Dương sắp lên phim
Xinh đẹp, học thức, đức hạnh, chuyện tình của vị hoàng hậu này có lẽ là một trong những giai thoại được đời sau quan tâm nhiều nhất.
Nam Phương hoàng hậu - hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là hoàng hậu  cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Cuộc đời của hoàng hậu trải qua nhiều biến cố, trong đó, chuyện tình giữa vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu có lẽ là một trong những giai thoại được đời sau quan tâm nhiều nhất. Đặc biệt khi sắp tới đây, câu chuyện ấy lần đầu tiên được tái hiện trên màn ảnh rộng.
Hương hoa của vùng đất phương Nam
Nam Phương hoàng Hậu, tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 4/12/1914 tại Huyện Kiến Hòa, Tỉnh Định Tường (nay thuộc Thị Xã Gò Công, Tỉnh Tiền Giang). Bà sinh ra trong một gia đình Công giáo giàu có nhất miền Nam  Việt Nam vào thời kỳ đó. Đặc biệt, ông ngoại của bà là Huyện Sỹ Lê Phát Đạt - một trong bốn người giàu nhất cả nước trong những năm đầu của thế kỷ 20.
Từ khi còn nhỏ, cùng với chị gái, Nguyễn Hữu Thị Lan đã được cha mẹ chiều chuộng và sống trong sự sung túc. Lúc bà 12 tuổi, gia đình đã quyết định gửi bà sang Pháp để theo học tại trường Couvent des Oiseaux - một trường nữ danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành. Ngoài ra,bà còn được vinh danh tại nhiều cuộc thi sắc đẹp và 3 lần giành giải Hoa hậu Đông Dương.
Có thể nói, bà là người có đủ những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, được nhân dân ca ngợi là một trong những đóa hoa thơm của vùng đất phương Nam.
"Tình yêu sét đánh” và cuộc hôn nhân đặc biệt
Sau khi trở về từ nước ngoài, Nguyễn Hữu Thị Lan vô tình gặp được vua Bảo Đại (ông là con trai duy nhất của Hoàng đế Khải Định) trong một cuộc yến tiệc tại khách sạn La Palace nổi tiếng của Đà Lạt. Với vẻ ngoài xinh đẹp nên ngay từ lần gặp đầu tiên, Nguyễn Hữu Thị Lan đã khiến nhà vua say đắm. Trong cuốn Con rồng Việt Nam có viết: "Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê". Mặc dù có nhiều rào cản do Nguyễn Hữu Thị Lan là người theo đạo Công giáo nhưng cuối cùng năm 1934 Bảo Đại cũng được phép tổ chức hôn lễ với người vợ vừa thông minh sắc sảo vừa quyến rũ này. Chỉ 4 ngày sau cưới, bà Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong thành Nam Phương hoàng hậu. Đó là một trong những điều kiện mà gia đình họ Nguyễn đặt ra khi vua Bảo Đại đến hỏi cưới bà. Đặc biệt, Nguyễn Hữu Thị Lan cũng yêu cầu phải bãi bỏ chế độ hậu cung, phi tần và tuân thủ nguyên tắc hôn nhân một vợ - một chồng.
Trước đó, những điều này đã bị phản đối quyết liệt. Tuy vậy, vị vua này khẳng định chắc chắn trước Hoàng tộc triều Nguyễn rằng: “Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình”.
Tuy nhiên, mặc dù ban đầu họ đã trải qua những khoảnh khắc đầy yêu thương nhưng đến cuối cùng, cuộc hôn nhân của họ lại không diễn ra như mong đợi.
Trong những ngày đầu sau khi gắn bó Nam Phương hoàng hậu đã hạ sinh năm người con. Tuy nhiên, theo thời gian, tình cảm giữa họ dần phai nhạt. Mặc dù từng đắm say trong tình yêu với Hoàng hậu, nhưng vua Bảo Đại lại là người có tính cách trăng hoa, ham chơi. Sau Cách Mạng Tháng Tám, vua Bảo Đại thoái vị, cả gia đình rời khỏi cung. Ông ra Hà Nội làm Cố vấn Chính Phủ, Nam Phương Hoàng hậu ở lại Huế. Cũng từ đây, bà phát hiện chồng mình qua lại lén lút với những người phụ nữ khác nhau.
Chuyện tình của hai người cũng từ đó dần đứt đoạn, cho đến khi chiến tranh xảy ra, lo ngại cho an nguy của các con, bà đưa 5 người con tìm đường từ Đà Lạt tản cư sang Pháp. Sau khi Ngô Đình Diệm lật đổ Quốc trưởng Bảo Đại, không còn hy vọng về việc Thái tử Bảo Long sẽ lên ngôi, Nam Phương hoàng hậu dường như “chấp nhận” số phận, sống an yên những ngày tháng cuối đời tại Pháp.
Dù nhiều người nói rằng bà "lưu vong", tuy nhiên bà vẫn tiếp tục sống trong nhung lụa nhờ đến sự giàu có của gia đình. Bố mẹ của bà, ông bà Nguyễn Hữu Hào, đã dành cho bà nhiều tài sản, vật chất có thể làm dịu đi nỗi đau riêng tư của con gái. Tuy nhiên, bà đã chọn sống xa sự xô bồ của thành phố, quay về với niềm hạnh phúc yên bình ở vùng quê Chabrignac, cách Paris 500km về phía Tây Nam.
Theo thông tin từ Lepopulaire.fr, trong những năm cuối đời, ở quê nhà, Nam Phương Hoàng hậu vẫn được mọi người trong làng yêu mến và quý trọng. Lucien Boudy, một cựu xã trưởng của làng Chabrignac, mô tả về Hoàng hậu Nam Phương: "Bà là một phu nhân duyên dáng, vô cùng thân thiện với người dân trong làng. Bà luôn tỏ ra nhân từ và quan tâm đến mọi người, kể cả những người làm việc trong nhà".
Khi cuộc đời được chuyển thể thành phim
Cuộc đời của hoàng hậu trải qua nhiều biến cố, trong đó, chuyện tình với vua Bảo Đại có lẽ là một trong những thứ được nhiều đời sau quan tâm nhất. Được biết, chuyện tình hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương dự kiến sẽ được chuyển thể thành phim điện ảnh "Hoàng hậu cuối cùng" với bối cảnh chính diễn ra ở Huế.
Theo đó, sáng 8/5, đại diện Galaxy - đơn vị phát hành - công bố dự án do đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito thực hiện. Kịch bản lấy cảm hứng từ: Tình sử Nam Phương hoàng hậu - tiểu thuyết nhà văn Trần Thị Hảo và Nam Phương hoàng hậu - tác phẩm nghiên cứu lịch sử của Lê Lan Khanh.
Theo đạo diễn Bảo Nhân, đoàn làm phim đã nhận được đóng góp ý kiến từ các lãnh đạo của Sở, các ban ngành của thành phố về cách khai thác nhân vật, nhằm tôn vinh hình ảnh và cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu trong lòng công chúng. Phim sẽ không tập trung vào yếu tố cung đấu, mà sẽ thông qua hình ảnh của Nam Phương Hoàng hậu và Đức Thái hậu Từ Cung để thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Phim dự kiến khởi quay năm 2025 tại Huế, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, TP.HCM. Ngoài các địa danh trong nước, vùng Chabrignac (Pháp), nơi hoàng hậu Nam Phương sống những ngày cuối đời, cũng được ghi hình. Êkíp cũng đang lên kế hoạch casting và sẽ công bố lịch tuyển diễn viên trong thời gian tới.