Cuối năm, ghé về thủ phủ vàng mã lớn nhất miền Bắc gặp 9x đưa 'hàng hiệu tâm linh' trở thành xu hướng hút triệu view TikTok
Với TikTok, người trẻ 9x này đã chứng minh rằng, ngay cả một nghề tưởng như chỉ gắn liền với quá khứ cũng có thể tìm thấy chỗ đứng vững chắc trong kỷ nguyên số.
Trong không gian ngập tràn màu sắc của làng nghề Song Hồ - thủ phủ vàng mã lớn nhất miền Bắc những ngày cuối năm, tôi có dịp gặp Đức Quang - chàng trai 9x đã thổi luồng gió mới vào nghề làm vàng mã nơi đây. Dưới sự sáng tạo của Đức Quang, vàng mã đã trở thành một xu hướng hoàn toàn mới trên nền tảng số TikTok  – nơi những món đồ "hàng hiệu tâm linh" như iPhone, biệt thự hay siêu xe bằng giấy trở thành sản phẩm triệu view, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Sở hữu hai tài khoản @quangvangma1 và @quangvangma2, Đức Quang không chỉ thu hút hơn 200 nghìn người theo dõi mà còn đạt 7 triệu lượt thích. Mỗi clip của anh đều ghi nhận lượng xem ấn tượng, từ hàng chục nghìn đến hàng triệu lượt, tạo nên sức hút mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Làng nghề Song Hồ, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu đã được mệnh danh là "thủ phủ vàng mã" của miền Bắc. Với bề dày nhiều năm gắn bó với nghề sản xuất vàng mã, nơi đây không chỉ lưu giữ giá trị truyền thống mà còn là nguồn sống của biết bao thế hệ.
Những chiếc khung tre nhỏ nhắn, tờ giấy màu rực rỡ và bàn tay khéo léo của người thợ đã tạo nên những sản phẩm không chỉ đẹp về hình thức mà còn chứa đựng nét văn hóa tâm linh sâu sắc. Tuổi thơ của Đức Quang cũng gắn liền với những hình ảnh quen thuộc ấy. Từ nhỏ, anh đã được chứng kiến cha mẹ tỉ mẩn tạo ra từng ngôi nhà, bộ đồ lễ hay những món đồ cúng đầy ý nghĩa. Chính những ký ức ấy đã ươm mầm cho tình yêu với nghề truyền thống, dù trong hành trình trưởng thành, Quang từng mơ ước xa rời làng quê để tìm kiếm những cơ hội mới.
Những chiếc khung tre nhỏ nhắn, tờ giấy màu rực rỡ và bàn tay khéo léo của người thợ đã tạo nên những sản phẩm tâm linh đầy màu sắc
Mang theo niềm đam mê và khát vọng làm mới nghề vàng mã, Đức Quang quyết định khởi nghiệp tại Hà Nội – mảnh đất đầy tiềm năng nhưng cũng thách thức. Năm 2022, anh mở một cửa hàng nhỏ tại quận Long Biên, với mong muốn mang những sản phẩm truyền thống của làng Song Hồ đến gần hơn với khách hàng thành phố.
Tuy nhiên, giấc mơ nơi phố thị không hề dễ dàng như Quang hình dung. Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động kinh doanh đình trệ, nguồn cung lẫn cầu đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn nữa, Quang nhận ra rằng đối tượng khách hàng mình nhắm tới chưa thực sự phù hợp. Người dân thành phố ngày càng thay đổi thói quen mua sắm, ưu tiên sự tiện lợi và nhanh chóng thay vì lựa chọn những sản phẩm thủ công tỉ mỉ.
Trước những thử thách không ngừng, Đức Quang đã đưa ra một quyết định mà nhiều người cho là mạo hiểm, đóng cửa hàng ở Hà Nội sau 4 tháng hoạt động và trở về làng nghề Song Hồ. “Đây không phải là sự từ bỏ mà là bước ngoặt để tôi tái định hình chiến lược kinh doanh, dựa trên nền tảng gia đình và quê hương”, Đức Quang chia sẻ.
Tại Song Hồ, anh không chỉ kế thừa những bí quyết truyền thống mà còn tìm cách sáng tạo, kết hợp yếu tố hiện đại để tạo ra những sản phẩm vàng mã độc đáo, phù hợp với thị hiếu người trẻ. Chính quyết định trở về đã giúp Quang nhận ra rằng giá trị thật sự của nghề không nằm ở nơi bán hàng, mà ở câu chuyện và tâm huyết đằng sau mỗi sản phẩm.
Sau khi trở về làng nghề Song Hồ, Đức Quang không chỉ tìm cách phát triển sản phẩm mà còn không ngừng tìm kiếm những phương thức tiếp cận khách hàng mới. Trong thời đại công nghệ bùng nổ, anh nhận ra tiềm năng vượt trội của các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok – nơi hàng triệu người dùng truy cập mỗi ngày để khám phá và kết nối.
Tuy nhiên, hành trình chinh phục TikTok không hề dễ dàng. Những video đầu tiên của anh gặp phải lượng tương tác thấp, nội dung chưa tạo được ấn tượng mạnh. Quang không khỏi hoài nghi về việc liệu một nghề như làm vàng mã có thực sự phù hợp với không gian trực tuyến, nơi ưu tiên tính giải trí và sự mới lạ. Nhưng thay vì bỏ cuộc, anh kiên trì nghiên cứu cách thức vận hành của TikTok, tìm hiểu thị hiếu người xem và thử nghiệm nhiều ý tưởng mới mẻ.
Sau nhiều lần thất bại, Đức Quang nhận ra rằng để tạo sự khác biệt, nội dung của anh cần bám sát vào giá trị cốt lõi của vàng mã: “Đó là ý nghĩa tâm linh sâu sắc và sự kính trọng dành cho tổ tiên, người đã khuất, cùng các vị thần thánh mà người Việt tôn thờ”, Đức Quang nói.
Nhận ra giá trị cốt lõi, Đức Quang đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới đa dạng
Thay vì chạy theo xu hướng giải trí ngắn hạn, Quang chọn hướng đi riêng: kể câu chuyện về từng sản phẩm vàng mã, giải thích ý nghĩa của từng chi tiết và tái hiện nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống người Việt. Mỗi video không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn mang đến kiến thức và cảm xúc, khiến người xem không chỉ bị thu hút mà còn cảm nhận được sự kết nối văn hóa.
Các video của Đức Quang trên TikTok nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem
Những nỗ lực của Đức Quang đã được đền đáp xứng đáng. Các video của anh trên TikTok nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem, đặc biệt vào những dịp lễ Tết, rằm tháng Giêng hay tháng Bảy âm lịch. Biến vàng mã từ một mặt hàng tưởng chừng như khó bán trở thành một sản phẩm độc đáo và được ưa chuộng trên nền tảng số, nhờ đó Đức Quang cũng đã nhận được hàng nghìn đơn hàng đổ về từ khắp mọi miền đất nước.
Với TikTok, Đức Quang đã chứng minh rằng, ngay cả một nghề tưởng như chỉ gắn liền với quá khứ cũng có thể tìm thấy chỗ đứng vững chắc trong kỷ nguyên số, khi biết cách hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại.
Trong những năm gắn bó với nghề vàng mã, Đức Quang đã thổi một làn gió mới vào các sản phẩm truyền thống khi kết hợp sự sáng tạo và tư duy hiện đại. Anh không chỉ dừng lại ở những vật phẩm quen thuộc như quần áo, tiền vàng, mà còn mở rộng danh mục sản phẩm với các "hàng hiệu tâm linh" độc đáo, từ balo, vở viết, bút dành cho trẻ em đã khuất, đến những món đồ xa xỉ như điện thoại thông minh, xe hơi, thậm chí cả biệt thự giấy, sân vận động,... dành cho người đã mất. Mỗi sản phẩm không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc.
Một số sản phẩm độc đáo của Quang
Thành công của Đức Quang không chỉ đến từ sự sáng tạo, mà còn từ khả năng thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với khách hàng. Anh chia sẻ: “Bản thân tôi luôn lắng nghe tâm tư của từng người, từ nỗi nhớ con trẻ của những bậc cha mẹ, đến mong muốn bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên”. Có thể nói, chính sự nhạy bén này đã giúp Đức Quang tạo ra những sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn chạm đến trái tim của khách hàng.
Có lần, một người mẹ đặt làm riêng một bộ đồ chơi giấy cho đứa con trai đã khuất, với đầy đủ sách vở, bút viết và cả một chiếc balo nhỏ xinh. Quang nhớ lại rằng, người mẹ ấy đã rơi nước mắt khi nhận hàng, bởi trong từng chi tiết của món quà, bà cảm nhận được hình bóng của con trai mình. Hay có những gia đình đặt làm những căn biệt thự giấy lộng lẫy để gửi đến cha mẹ mình ở thế giới bên kia, với mong muốn họ sẽ sống "đầy đủ, sung túc" như khi còn sống từng ao ước.
Những câu chuyện xúc động như vậy không chỉ khiến Đức Quang thêm yêu công việc mà còn giúp anh nhận ra rằng, vàng mã không chỉ đơn thuần là vật phẩm thờ cúng mà còn là món quà tinh thần của người sống dành cho người đã khuất, đó cũng là một cách để họ tiếp tục yêu thương. Tất thảy những giá trị đó tạo nên một kênh bán hàng không chỉ bền vững mà còn mang giá trị tinh thần sâu sắc.
Nghề sản xuất vàng mã, dù mang đậm nét văn hóa tâm linh, vẫn không tránh khỏi những ý kiến trái chiều trong xã hội hiện đại. Một số người cho rằng việc đốt vàng mã là hành động lãng phí tài nguyên và gây hại đến môi trường. Những hình ảnh khói bụi từ lễ cúng lớn, cùng việc đổ bỏ tro tàn xuống sông hồ, đã làm dấy lên những tranh cãi về tác động tiêu cực của hoạt động này đối với hệ sinh thái.
Là một người trẻ tâm huyết với nghề, Đức Quang không thể đứng ngoài những ý kiến này. Anh thẳng thắn nhìn nhận: để nghề vàng mã có thể tồn tại và phát triển, cần một cách tiếp cận mới mẻ hơn, vừa giữ gìn giá trị truyền thống, vừa đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời hiện đại.
Theo phong tục dân gian, tro vàng mã thường được để nguội, gói trong giấy đỏ hoặc túi ni-lông rồi rải xuống sông, hồ. Tuy nhiên, Đức Quang cho rằng hành động này vô tình gây ô nhiễm nguồn nước. Anh cho rằng, mọi người có thể sử dụng tro làm phân bón cho cây cối trong vườn. Ý tưởng này không chỉ tận dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả mà còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Theo anh, đây là cách để nghề vàng mã không chỉ dừng lại ở giá trị tâm linh, mà còn mang lại lợi ích thực tế trong đời sống hàng ngày.
Theo Đức Quang, việc đốt vàng mã nên được thực hiện tại các khu vực riêng biệt, không nên đốt tràn lan ra đường phố hoặc các khu vực công cộng. "Theo quan niệm của Phật giáo, tâm xuất thì Phật biết, nên việc hóa vàng mã đúng nơi quy định không làm mất đi ý nghĩa của hành động này. Người đã khuất vẫn cảm nhận được tấm lòng của người thân mà không lo mất lộc", Đức Quang chia sẻ.
Có thể nói, mỗi sản phẩm vàng mã được Đức Quang đóng gói và gửi đi không chỉ chứa đựng tâm huyết của một người trẻ dám nghĩ, dám làm, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa giá trị tâm linh và đời sống thực tế. Đức Quang đã khéo léo biến những thách thức thành cơ hội, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và xây dựng một mô hình kinh doanh vừa sáng tạo vừa có trách nhiệm với xã hội.
Một số sản phẩm độc đáo của Quang vàng mã
Những ngày này, một ngày làm việc của Đức Quang gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Ngay cả khi trò chuyện với chúng tôi, anh vẫn không ngừng kiểm tra hàng hóa, tận dụng từng phút giây để đảm bảo các đơn hàng được xử lý chính xác và giao kịp thời, đặc biệt là trong cao điểm Tết Nguyên đán.
Đức Quang chia sẻ: Tết năm nay, mặt hàng tiền vàng và ông Công ông Táo là hai sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất. “Hiện tại đang là giai đoạn cao điểm của mùa Tết, chúng tôi tập trung đổ sỉ cho các cửa hàng trên toàn quốc. Thời điểm này, các cửa hàng đều cần ổn định nguồn hàng trước khi bước vào những ngày cận Tết, khi họ không còn thời gian nhập thêm. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng xuất từ 1 đến 2 xe hàng lớn”, Đức Quang nói.
Những ngày này, một ngày làm việc của Đức Quang gần như không có thời gian nghỉ ngơi.
Anh cũng cho biết thêm, mặc dù nhu cầu tiêu thụ năm nay tương đương các năm trước, nhưng số lượng người sản xuất và lượng hàng hóa tăng mạnh, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Vì vậy, dù hàng hóa được xuất đi đều đặn, mọi người vẫn cảm nhận như lượng tiêu thụ ít hơn.
Đức Quang chia sẻ,Tết năm nay, mặt hàng tiền vàng và ông Công ông Táo là hai sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất.
Hiện nay, cơ sở kinh doanh của Đức Quang không chỉ là nơi sản xuất vàng mã mà còn trở thành nguồn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế vùng. Từ những đơn hàng nhỏ lẻ ban đầu, Đức Quang đã không ngừng nỗ lực mở rộng quy mô, xây dựng doanh nghiệp thành tổng kho sỉ lẻ vàng mã, phân phối sản phẩm đến khắp mọi miền đất nước.
>> Làng nghề bánh khô mè Đà Nẵng hối hả vào cao điểm vụ Tết