Cường quốc số 1 thế giới khởi công tuyến đường sắt cao tốc sau 15 năm trì hoãn: Tốc độ tối đa 321km/giờ, sử dụng công nghệ chính xác đến từng giây
Mỹ đã chính thức khởi công đường sắt cao tốc đầu tiên nối liền 2 thành phố sầm uất, với công nghệ tiên tiến đến từ Nhật Bản.
Sau nhiều năm lên kế hoạch, Mỹ cuối cùng đã bắt đầu xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc nối Nam California và Las Vegas. Dự án đường sắt Brightline West này được kỳ vọng sẽ là tuyến đường sắt cao tốc thực sự đầu tiên tại quốc gia này.
Theo CNBC, Brightline West sẽ có vận tốc trung bình khoảng 185km/h và có thể đạt tốc độ tối đa 321km/giờ, tương đương với tàu viên đạn của Nhật Bản. Dự kiến đi vào hoạt động năm 2028, tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Nam California và Las Vegas xuống còn 2 giờ, bằng một nửa so với đi ô tô.
Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg nhấn mạnh: "Chúng ta đã mơ về một đường sắt cao tốc tại Mỹ trong hàng chục năm qua và bây giờ giấc mơ này dần trở thành hiện thực".
Dự án được kỳ vọng mang lại tác động kinh tế hơn 10 tỷ USD và tạo ra trên 35.000 việc làm ở Nevada và California trong quá trình xây dựng. Ước tính tuyến đường sẽ vận chuyển 11 triệu hành khách/chiều/năm với giá vé tương đương vé máy bay.
Được biết, dự án đường sắt cao tốc này khởi động từ năm 2008 nhưng vẫn chưa hoàn thành sau 15 năm. Theo Cơ quan Đường sắt Cao tốc California, chi phí dự kiến đã tăng lên 88-128 tỷ USD do lạm phát và chi phí xây dựng tăng cao. Các quy định nghiêm ngặt về môi trường cùng kiện tụng từ các bên liên quan cũng góp phần làm chậm tiến độ dự án.
Ngoài ra, Mỹ đang xúc tiến dự án đường sắt cao tốc 380km nối Dallas và Houston ở Texas, với chi phí ước tính 25-30 tỷ USD. Dự án này dự kiến sử dụng công nghệ tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản và nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ hai nước.
Theo đó, Mỹ lựa chọn công nghệ tàu cao tốc Shinkansen  của Nhật Bản, thay vì lựa chọn các giải pháp từ Trung Quốc, Đức hay Pháp. Quyết định này dựa trên uy tín và hiệu quả đã được kiểm chứng của hệ thống HSR (High Speed Rail) Nhật Bản trên toàn cầu.
Shinkansen nổi tiếng với sự kết hợp hoàn hảo giữa phần cứng và phần mềm. Hệ thống bao gồm đường ray chuyên dụng, hệ thống điều khiển tàu tự động (ATC) và quản lý lịch trình tự động. Điều này cho phép kiểm soát chính xác đến từng giây, đảm bảo độ tin cậy cao trong vận hành.
Ưu điểm nổi bật của Shinkansen là khả năng vận hành với khoảng cách giữa các tàu rất ngắn, đồng thời duy trì lịch trình chính xác với độ trễ trung bình dưới một phút. Hệ thống còn được biết đến với tỷ lệ an toàn gần như tuyệt đối nhờ đường ray chuyên dụng và hệ thống ATC tiên tiến.
Công nghệ Shinkansen liên tục được cải tiến, đặc biệt là thiết kế khí động học của thân tàu. Hình dáng "mũi dài" đặc trưng giúp giảm sức cản không khí, cải thiện hiệu suất trong đường hầm và tăng cường sự ổn định của tàu ở tốc độ cao.
Việc Mỹ lựa chọn công nghệ Shinkansen phản ánh xu hướng ưu tiên an toàn, hiệu quả và độ tin cậy trong phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại . Quyết định này cũng thể hiện sự tin tưởng vào kinh nghiệm lâu năm của Nhật Bản trong lĩnh vực đường sắt cao tốc.
Bên cạnh đó, các chuyên gia xây dựng cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên trong quá trình xây dựng để đảm bảo việc thích ứng với điều kiện địa lý và quy định của Mỹ.
Theo BNN