Việt Nam làm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội 35.000 tỷ: Sử dụng công nghệ hiện đại nhất châu Âu, đảm bảo an toàn chính xác tuyệt đối
Hàng loạt công nghệ cao đã được áp dụng để xây dựng và vận hành tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. Đáng chú ý, công nghệ này rất thân thiện với môi trường và đã được sử dụng tại 25% hệ thống metro trên thế giới.
Tuyến đường sắt đô thị (Metro) Nhổn - Ga Hà Nội trị giá 35.000 tỷ đồng đã chính thức vận hành thương mại từ ngày 8/8 sau 14 năm chờ đợi. Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai ở Thủ đô được đưa vào hoạt động.
Tuyến đường có tổng chiều dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao là ga Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chùa Hà, Cầu Giấy và 4 ga ngầm là ga Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu, Ga Hà Nội. Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4km.
Được biết, hàng loạt công nghệ cao đã được áp dụng để xây dựng và vận hành tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Công nghệ chống ồn, chống rung và đảm bảo an toàn tuyệt đối
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hệ thống toa tàu  của dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội được sản xuất theo công nghệ hiện đại nhất của Pháp và các nước châu Âu  hiện nay. Đáng chú ý, các công nghệ này rất thân thiện với môi trường và được sử dụng tại 25% hệ thống metro trên thế giới.
Giám đốc Liên doanh dự án (Alstom - Thalès - Colas Rail) Gilles Machelon cũng chia sẻ, các toa tàu được thiết lập để tiêu thụ ít năng lượng - chỉ bằng 1/3 so với xe bus và bằng 1/4 so với ô tô cá nhân.
Đáng chú ý, công nghệ hàn liền đã được vào tuyến metro này nhằm đảm bảo tốc độ tàu chạy cao, chống ồn, chống rung; đồng thời lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu.
Hãng chế tạo tàu Alstom của Pháp là đơn vị sản xuất toa tàu cho đoàn tàu thuộc dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội. Mỗi đoàn tàu đều được sử dụng động lực phân tán với động cơ đặt dưới gầm tàu, chạy bằng điện công suất 750V DC - cấp ở đường ray thứ ba - để đảm bảo tính an toàn, ổn định và mỹ quan đô thị, đặc biệt là đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của thế giới.
Vỏ tàu cũng được chế tạo tại Pháp - làm từ hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ và tuổi thọ cao.
Công nghệ "tự động"
Hãng chế tạo tàu Alstom, Pháp cũng mang tới hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu dựa trên thông tin (CBTC - Communication-Based Train Control) cho tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. Đáng chú ý, đây là công nghệ hiện đại được áp dụng rộng rãi ở các nước láng giềng như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan...
Hệ thống này cho phép đoàn tàu thực hiện đóng đường di động, từ đó thu hẹp giãn cách giữa các đoàn tàu, nâng cao tần suất chạy tàu nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Để làm được điều này, nó đã dựa vào truyền thông không dây, truyền thông tin 2 chiều theo thời gian thực về vị trí, tốc độ đoàn tàu, khoảng cách giữa các đoàn tàu…để điều khiển tàu di chuyển. Theo đó, trung tâm chỉ huy sẽ tự động ra lệnh cho đoàn tàu vận hành ở tốc độ tối đa và tối thiểu nhờ các thông tin thu phát tự động.
Hệ thống cũng tự động khống chế tốc độ của tàu. Hệ thống hãm có thể hãm tái sinh để giảm tiêu thụ năng lượng và giúp giảm chi phí bảo trì.
Nhà ga hiện đại và vệ sinh tàu nhanh chóng
Các nhà ga của tuyến metro cũng được trang bị thang máy và thang cuốn hiện đại, giúp hành khách di chuyển thuận tiện giữa các tầng trong nhà ga. Đặc biệt, tuyến đường sắt đô thị còn được tích hợp công nghệ rửa tàu tự động của Pháp, giúp chu trình làm sạch toàn bộ tàu diễn ra trong thời gian rất ngắn - chỉ khoảng 3 phút.