Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á chính thức dỡ bỏ lệnh cấm bán khống dài nhất lịch sử
Động thái này được kỳ vọng sẽ cải thiện thanh khoản thị trường và thu hút thêm nhà đầu tư, dù vẫn gây tranh cãi khi nhiều người lo ngại giá cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng.
Hàn Quốc đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm bán khống  dài nhất trong lịch sử nước này vào ngày 31/3, sau khi siết chặt các biện pháp kiểm soát giao dịch bất hợp pháp.
Lệnh cấm được áp đặt từ tháng 11/2023 sau hàng loạt vi phạm liên quan đến hoạt động bán khống tại nhiều ngân hàng đầu tư toàn cầu.
Theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc  (FSC), lệnh cấm sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn đối với khoảng 2.700 cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc. Trước đó, chỉ 350 cổ phiếu thuộc chỉ số Kospi và sàn Kosdaq được phép bán khống.
Không giống những lần cấm bán khống trước đây, động thái lần này chủ yếu mang tính chất quản lý, nhằm bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân, theo giới chuyên gia.

Trước đó, lịch sử các lệnh cấm bán khống tại Hàn Quốc diễn ra từ: Tháng 10/2008 – tháng 5/2009 (Khủng hoảng tài chính toàn cầu), tháng 8/2011 – tháng 11/2011 (Khủng hoảng nợ Eurozone), tháng 3/2020 – tháng 5/2021 (Đại dịch Covid-19).
Không giống các lệnh cấm trước nhằm bình ổn thị trường tài chính, lệnh cấm năm 2023 tập trung vào cải cách hệ thống để nâng cao khả năng tiếp cận của nhà đầu tư cá nhân, theo phân tích từ Macquarie.
Siết chặt kiểm soát bán khống
Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp xử phạt đối với hoạt động bán khống bất hợp pháp. Sở Giao dịch Chứng khoán nước này đã triển khai hệ thống giám sát có thể phát hiện hành vi bán khống chui (naked short selling) – tức là bán khống cổ phiếu mà không thực sự vay mượn, vốn bị cấm tại Hàn Quốc.
Mức phạt đối với các giao dịch bất hợp pháp cũng được nâng lên đáng kể. Những cá nhân hoặc tổ chức thu lợi bất chính từ 5 tỷ won (3,4 triệu USD) trở lên có thể đối mặt với án tù từ 5 năm đến chung thân.
Bán khống là một chủ đề gây tranh cãi tại Hàn Quốc, khi nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng hoạt động này khiến giá cổ phiếu lao dốc.
Peter Kim, Giám đốc điều hành của KB Securities, nhận định: “Nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 50% khối lượng giao dịch trên thị trường, biến chứng khoán trở thành một vấn đề quan trọng về mặt chính trị với Chính phủ Hàn Quốc”.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, với một số ngân hàng đầu tư toàn cầu bị phạt. Gần đây nhất, vào tháng 2, Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc đã xử phạt nhiều ngân hàng lớn như JPMorgan và Morgan Stanley vì vi phạm quy định bán khống.
Kỳ vọng tác động tích cực đến thị trường
Giới phân tích kỳ vọng việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán Hàn Quốc.
Ông Kim cho rằng việc khôi phục bán khống sẽ mang lại tác động tích cực khi giúp thị trường thanh khoản hơn, thu hút thêm các quỹ đầu cơ và nâng cao tính minh bạch.
Nhóm phân tích của Macquarie đánh giá: “Cổ phiếu giá trị sẽ có hiệu suất tốt hơn cổ phiếu tăng trưởng. Đây là lý do khiến chúng tôi tin rằng việc nối lại bán khống sẽ có tác động trung lập đến tích cực đối với thị trường chung”.
Goldman Sachs cũng dự đoán khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng khi bán khống được phép trở lại, bởi trước đây họ chiếm khoảng 70% tổng giao dịch bán khống tại Hàn Quốc.
Theo CNBC
>> Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á ‘nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm’ giữa khủng hoảng dân số