Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á 'lung lay': GDP tăng trưởng chậm chạp, người dân nợ nần chồng chất
Ngày 25/2, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022, nhằm kích thích nền kinh tế đang chững lại.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã hạ lãi suất từ 3% xuống 2,75%, đúng như dự báo của các nhà kinh tế do Reuters khảo sát. Đây là lần cắt giảm thứ ba trong bốn cuộc họp gần nhất. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc  đang đối mặt với bất ổn chính trị do phiên tòa luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Ngay sau khi quyết định lãi suất được công bố, chỉ số Kospi giảm 0,46%, trong khi đồng won Hàn Quốc mất giá 0,2%, giao dịch ở mức 1.431,3 won đổi 1 USD.
Phát biểu trên chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC, ông Alex Holmes, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á tại Economist Intelligence Unit nhận định BOK có khả năng sẽ đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất thay vì trì hoãn.

Trước đây, BOK lo ngại về sự ổn định tài chính, đặc biệt là nguy cơ thị trường bất động sản tăng quá nóng và nợ hộ gia đình gia tăng. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Yoon thay đổi quyết định về thiết quân luật vào tháng 12, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Hàn Quốc sụt giảm mạnh. Điều này buộc BOK phải tập trung hơn vào việc hỗ trợ nền kinh tế thay vì chỉ lo lắng về vấn đề nợ hộ gia đình.
“Từ giờ, sự quan tâm sẽ tập trung vào việc hỗ trợ nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, trong khi những lo ngại về nợ hộ gia đình có thể sẽ được gác lại”, ông Holmes nói.
Được biết, theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tỷ lệ nợ hộ gia đình của Hàn Quốc vào quý II năm 2024 đạt 91% GDP. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình 68,9% của các quốc gia phát triển khác.
Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy Hàn Quốc có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cao nhất trong các quốc gia châu Á vào năm 2023, ở mức 93,54. Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, có tỷ lệ 63,67%, trong khi Ấn Độ là 39,16%. Nhật Bản có tỷ lệ 65,66% vào năm 2023.
Ngoài ra, GDP của Hàn Quốc trong quý IV/2024 chỉ tăng 1,2%, thấp hơn dự báo và là mức tăng trưởng chậm nhất trong sáu quý qua. BOK cho biết nguyên nhân chính là do sự suy giảm trong tiêu dùng (người dân chi tiêu ít hơn) và ngành xây dựng .
Citi nhận định rằng dù chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và đồng won Hàn Quốc ngày càng lớn, nhưng không có dòng vốn trái phiếu đáng kể bị rút khỏi nước này. Do đó, tác động tiêu cực của việc đồng won suy yếu lên ngành tài chính và dòng vốn nước ngoài được cho là không quá nghiêm trọng.
Bà Min Joo Kang, chuyên gia kinh tế cấp cao về Hàn Quốc và Nhật Bản tại ING, cho biết trong một báo cáo tuần trước rằng tình trạng hỗn loạn chính trị ở Seoul – yếu tố đã khiến đồng won suy yếu mạnh – hiện đã lắng xuống.
Bà cũng dự đoán lạm phát sẽ duy trì trong phạm vi mục tiêu 2% của BOK trong năm nay, giúp Ngân hàng Trung ương có thêm dư địa để giảm lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể áp đặt thuế quan đối ứng lên hàng hóa Hàn Quốc. Dù lạm phát tại Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng, đạt 2,2% vào tháng 1, nhưng vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của BOK.
Tuy nhiên, bà Kang cảnh báo rằng việc cắt giảm lãi suất có thể làm gia tăng nợ hộ gia đình và đẩy giá bất động sản lên cao hơn.
Theo CNBC
>> Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á lung lay, người dân làm 2-3 công việc vẫn không đủ sống 
Một tỉnh của Trung Quốc giàu hơn 170 nền kinh tế, đến Hàn Quốc còn xếp sau 
Tình tiết mới về lệnh thiết quân luật gây tranh cãi của Tổng thống Hàn Quốc