Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%.
Chính sách tài khoá còn dư địa
Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn cho rằng tỷ giá  có biến động lớn do áp lực của đồng tiền các nước, nhưng nước ta vẫn giữ vững ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khi cơ cấu đầu tư tư nhân đóng vai trò quyết định trong tổng cầu tăng trưởng kinh tế , việc đầu tư còn yếu; đầu tư công vẫn chưa thu hút đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, số lượng các doanh nghiệp thành lập mới  tăng nhưng giải thể, phá sản, ngưng hoạt động cũng tăng cao; số vốn thành lập trên một doanh nghiệp cũng thấp đi.
Đại biểu Trần Anh Tuấn phát biểu. |
Ông Tuấn cho rằng sách tài khóa của nước ta còn dư địa nên có thể sử dụng các nguồn lực tài khóa, gói hỗ trợ thông qua các khoản thuế, phí như giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ nền kinh tế. Các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang phát huy hiệu quả, kích thích sản xuất, hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đó, thời gian tới, phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp thành lập, lôi kéo nguồn lực xã hội cho đầu tư.
“Cần rất nhiều điều phải nghiên cứu khi nhắc đến thủ tục đầu tư, cơ chế chưa đồng bộ khi sử dụng nguồn lực chi thường xuyên, chi đầu tư, chi từng nguồn vốn sự nghiệp. Những bất cập đã làm thủ tục đầu tư rất chậm. Các dự án y tế, giáo dục, giao thông còn chậm, phải đẩy nhanh các dự án trọng điểm”, ông Tuấn nêu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, bối cảnh nền kinh tế trong năm qua không thuận lợi nên đã tác động lớn đến sự phát triển của kinh tế trong nước. Mặc dù nền kinh tế vĩ mô ổn định nhưng tỷ giá tăng trở lại, lạm phát tăng hơn đã tác động đến sự phát triển kinh tế. Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ để giám sát.
“Trong năm qua, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng tính bền vững chưa cao do bất ổn khó lường từ tình hình thế giới. Do đó, cần quan tâm hơn đến phát triển thị trường nội địa; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, tạo động lực về đầu tư, ưu tiên thu hút doanh nghiệp công nghệ cao phát triển…”, ông Ngân nói.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%.
Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tồn tại tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm,…
>>Tỷ giá USD hôm nay 24/5: thị trường tự do tăng vọt 
Tăng kích cầu trong nước
Về giải pháp, ông Cường đề nghị cần tăng kích cầu trong nước, có chính sách tiếp tục miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí; có giải pháp cụ thể khơi thông hoạt động doanh nghiệp, để doanh nghiệp tin tưởng mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất…
Đại biểu Quốc hội: “Tổng cầu trong nước còn yếu, chậm hồi phục”. |
Đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá, trong bối cảnh khó khăn nhưng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành sáng suốt, khôn khéo tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như vi mạch bán dẫn, tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia, điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế.
Tuy vậy, một số biến động bất thường của thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy có sự không ổn định.
“Chính phủ cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu.
Theo bà Yên, đối với thị trường vàng, có thể thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch nhiều, dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực đến việc ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, nên thị trường hóa vàng miếng và cho phép nhập khẩu vàng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
“Nên chăng không còn độc quyền sản xuất vàng miếng nữa, mà nên mở rộng cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời cho phép các doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu vàng”, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.
>>Nhập siêu bất ngờ trở lại, NHNN có tiếp tục tăng lãi suất OMO và tín phiếu?