Tài chính Ngân hàng

Đại diện Bộ Công an: Có tình trạng tín dụng đen 'ngoại' vào Việt Nam cho vay lãi suất lên đến 1.000%

Khúc Văn 30/11/2023 16:18

Đại diện Bộ Công an cho biết có tình trạng tín dụng đen 'ngoại' vào Việt Nam cho vay lãi suất lên đến 1.000%.

Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết cơ quan công an phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua hoặc thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Các đối tượng tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng lên đến trên 1.000%/năm".

Tín dụng đen lãi suất lên đến 1.000%

Tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an nhấn mạnh tình hình tội phạm tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, chiêu trò đòi nợ. Tín dụng đen kéo theo nhiều hệ lụy.

Tội phạm tín dụng đen truyền thống kết hợp công nghệ thành lập cơ sở kinh doanh cầm đồ hoặc biến tướng, doanh nghiệp kinh doanh tài chính. Sau đó, các đối tượng sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng quản lý cầm đồ hoặc ứng dụng cho vay để quảng cáo, tiếp cận người vay.

Gần đây, lực lượng chức năng còn phát hiện các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản…

"Qua đấu tranh, triệt phá tội phạm tín dụng đen, cơ quan công an phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua hoặc thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Các đối tượng tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng lên đến trên 1.000%/năm”, ông Tùng nói.

Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an TP. HCM, Tiền Giang, Hà Nội bắt, xử lý hàng ngàn đối tượng thành lập ra các công ty luật nhưng thực chất là đi đòi nợ.

Tại TP. HCM, Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó phòng cảnh sát hình sự Công an TP HCM, cho biết trong số 500 vụ án đã bị triệt phá trên cả nước thì TP. HCM xử lý 219 vụ, khởi tố 105 vụ án, hơn 200 bị can.

Theo Thượng tá Lê Duy Sâm, đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng rất nhiều phương thức thủ đoạn như núp bóng công ty tài chính hay dưới các hợp đồng giả cách. Trong hợp đồng sẽ không đề cập đến lãi suất để tránh bị xử lý hình sự.

Ở chiều ngược lại, lợi dụng việc cơ quan công trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản, một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, công ty tài chính chính thống… cố tình "chây ỳ" trả nợ. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm, các đối tượng đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách "bùng nợ" gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính còn 134.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay.

Kiến nghị giảm mức lãi suất cấu thành tội phạm vay năng lãi từ gấp 5 lần xuống gấp 3 lần

Để ngăn chặn tình trạng tín dụng "đen" bùng phát, Thượng tá Tùng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng "đen" và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng "đen".

Thứ hai là thường xuyên tuyên truyền phòng ngừa tín dụng "đen", đồng thời, tiếp tục huy động hệ thống chính trị vào cuộc phát hiện, xóa, bóc gỡ, tháo dỡ tờ rơi, biển quảng cáo liên quan đến hoạt động tín dụng "đen".

Thứ ba, UBND các cấp, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế cho người dân gặp khó khăn. Phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi, an toàn.

Thứ 4, đối với cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan, trọng tâm là ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cở sở dữ liệu của các bộ, ngành để quản lý nhà nước.

Trước mắt hoàn tất việc xác thực, làm sạch và loại bỏ sim "rác", tài khoản ngân hàng "ảo"; xác thực thông tin các tài khoản trên không gian mạng. Đặc biệt, thúc đẩy gói vay tín chấp qua dữ liệu dân cư để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vay vốn chính thống.

Thượng tá Tùng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực của ngành ngân hàng dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động tín dụng "đen"; tăng cường quản lý nhà nước trong việc cấp phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các công ty tài chính, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện các vi phạm để xử lý nghiêm.

Cuối cùng, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự (tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) theo hướng tăng nặng hình phạt tương ứng với số tiền thu lời bất chính phù hợp với các loại tội phạm tương tự, giảm mức lãi suất cấu thành tội phạm từ gấp 5 lần xuống gấp 3 lần lãi suất quy định.

>>Truy nã Chủ tịch công ty đòi nợ thuê kiểu khủng bố: Đe doạ, ghép ảnh bôi nhọ trên Facebook

Bắt đối tượng cầm đầu đường dây ‘tín dụng đen’ và ổ cá độ bóng đá hơn 100 tỷ đồng

Bắt nhóm đối tượng cho vay tín dụng đen lãi suất 'cắt cổ' lên tới 700%/năm

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-dien-bo-cong-an-co-tinh-trang-tin-dung-den-ngoai-vao-viet-nam-cho-vay-lai-suat-len-den-1000-213439.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đại diện Bộ Công an: Có tình trạng tín dụng đen 'ngoại' vào Việt Nam cho vay lãi suất lên đến 1.000%
    POWERED BY ONECMS & INTECH