Đại gia buôn thép là chủ nợ của Novaland, Xây dựng Hòa Bình lâm cảnh 'bĩ cực', đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết
SMC lỗ ròng năm thứ ba liên tiếp và đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết. Nợ vay gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu tạo áp lực tài chính, trong khi công ty chưa đòi được các khoản nợ tại nhóm Novaland, Thành phố Aqua... Khoản nợ của Xây dựng Hòa Bình cũng đã chuyển thành cổ phiếu với giá cao hơn thị trường.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC ) công bố báo cáo tài chính năm 2024 với doanh thu thuần 8.924 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2023. Lãi gộp "siêu mỏng", đạt 21 tỷ đồng, biên lãi 0,2%.
Công ty phải gánh nhiều khoản chi phí lớn như lãi vay 203 tỷ đồng, chi phí bán hàng 93 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 227 tỷ đồng... Khoản thu nhập tài chính 244 tỷ đồng, chủ yếu do bán tài sản đầu tư là cổ phần tại doanh nghiệp khác được 179 tỷ đồng, giúp giảm bớt phần nào khó khăn.
SMC báo lỗ ròng 287 tỷ đồng, cải thiện hơn so với mức lỗ 925 tỷ đồng trong năm 2023. Đây là năm thứ ba liên tiếp doanh nghiệp thua lỗ và đối diện nguy cơ hủy niêm yết theo quy định.
Nguồn: Tổng hợp |
Tại thời điểm ngày 31/12/2024, quy mô tài sản của SMC là 4.511 tỷ đồng, giảm 1.667 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng là 648 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khách hàng 1.236 tỷ đồng sau khi đã trích lập 663 tỷ đồng nợ xấu; hàng tồn kho 632 tỷ đồng...
Kinh doanh thua lỗ đã đẩy vốn chủ sở hữu của SMC về 511 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 4.000 tỷ đồng, bao gồm nợ vay 2.390 tỷ đồng, gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu.
SMC là nhà sản xuất và phân phối thép có gần 35 năm hình thành và phát triển, trụ sở chính đặt tại TP. HCM. Năm 2006, công ty này được niêm yết trên HoSE. Giai đoạn từ năm 2021 trở về trước, SMC kinh doanh thuận lợi và tăng trưởng hàng năm. Đỉnh cao là năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu 21.319 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 901 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của SMC bắt đầu sa sút vào năm 2022, đây cũng là thời điểm thị trường vốn bị thắt chặt, khi siết trái phiếu, chứng khoán sụt giảm. SMC xuất hiện các khoản nợ khó đòi, trong khi phải gánh nợ vay lớn.
Báo cáo tài chính thể hiện, các doanh nghiệp nợ khó đòi gồm: Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley và Công ty TNHH The Forest City nằm trong hệ sinh thái của Novaland (NVL) lên đến 742 tỷ đồng; Công ty TNHH Thành phố Aqua; CTCP Hưng Thịnh Incons; cùng nhiều doanh nghiệp khác.
Đối với công nợ 105 tỷ đồng của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), SMC đã đồng ý chuyển thành cổ phiếu HBC với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trên thị trường, HBC đang ở mức 6.300 đồng/cổ phiếu tại ngày 24/1.
Để cải thiện tình hình, SMC gần đây liên tục rao bán tài sản là các bất động sản, bao gồm: Lô đất rộng 27.731,4m² tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, TP. Đà Nẵng (96 tỷ đồng); Lô đất rộng 9.096m² tại Khu công nghiệp Tân Tạo (126 tỷ đồng); Lô đất rộng 6.197m² tại Bình Dương (49 tỷ đồng). Thậm chí, tòa nhà văn phòng có diện tích 329,5m² tại TP. HCM, công ty cũng muốn chuyển nhượng với giá 170 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu SMC |
Kết phiên giao dịch cuối năm Giáp Thìn 2024 (ngày 24/1), SMC giảm 3,23% về 6.300 đồng/cp. Kể từ mức đỉnh vùng 45.000 đồng/cp năm 2021, SMC đã mất tới 86% giá trị. Vốn hóa công ty còn 464 tỷ đồng.