Đại gia nức tiếng Sài Gòn xưa là ông chủ Chợ Lớn: Từ kẻ vô gia cư cho đến tỷ phú thế kỷ XX nhờ vô số mưu mẹo, mánh khóe kinh doanh
Trong kinh doanh, Quách Đàm rất mưu mẹo nhưng trong đời sống hàng ngày, ông lại rất được lòng dân chúng nhờ thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Người miền Nam từng có câu: “Nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích” để nhắc đến những đại gia gốc Hoa giàu có bậc nhất Sài Gòn - Chợ Lớn  vào đầu thế kỷ XX. Trong đó, Quách Đàm (1863-1927) đứng vị trí thứ hai, thể hiện được tầm ảnh hưởng và sự giàu sang của ông thời bấy giờ.
Từ người mua bán ve chai , phải ngủ dưới hiên chợ cho đến hào phú nổi tiếng Chợ Lớn
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (trong sách "Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người"), Quách Đàm, một người gốc Triều Châu, đã đến Chợ Lớn lập nghiệp và gặt hái thành công vượt bậc. Trong thập niên 1920, ông trở thành chủ sở hữu của nhiều nhà máy xay lúa, cơ sở địa ốc và các doanh nghiệp khác tại Chợ Lớn, khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực kinh doanh.
Quách Đàm từng quàng trên vai đôi quang gánh đi khắp các ngõ hẻm ở khu vực Chợ Lớn để buôn bán ve chai. Không có nhà cửa hay người thân, ông mải mê kiếm sống suốt cả ngày, tối về lại tìm mái hiên ở chợ để ngủ. Dù nghèo khó, Quách Đàm không từ bỏ khát vọng làm giàu. Ngày ngày làm việc chăm chỉ, đêm ngủ vỉa hè và sống trong cảnh kham khổ, nhưng sau một thời gian, ông đã tích lũy được ít vốn. Bỏ nghề buôn ve chai, ông chuyển sang kinh doanh da trâu và vi cá, đi khắp Sài Gòn và các tỉnh lân cận thu mua mặt hàng này để xuất bán ra nước ngoài.
Làm ăn khấm khá, Quách Đàm thuê một căn nhà trên đường Hải Thượng Lãn Ông để mở cửa hiệu lớn. Chỉ vài năm sau, với số vốn tích lũy đáng kể, ông tiếp tục thuê thêm một căn ở khu chợ Kim Biên ngày nay. Ngôi nhà nằm gần con rạch thông ra kênh Tàu Hủ, từ đó ông chuyển hướng sang thu mua lúa gạo từ các tỉnh miền Tây. Ban đầu, ông buôn bán nhỏ nhưng nhanh chóng phát triển, trở thành nhà thầu cung cấp gạo lớn nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển đã kể về một trong những mánh khóe làm ăn giúp Quách Đàm phất lên nhanh chóng. Một năm, ông chỉ đạo mua lúa khắp miền Tây và tích trữ chúng trong các kho chờ ngày xuất bán ra nước ngoài. Tuy nhiên, do không nắm bắt được tình hình thị trường, năm đó giá lúa quốc tế đã sụt giảm mạnh. Với lượng lúa dự trữ khổng lồ, Quách Đàm đối diện với nguy cơ thua lỗ lớn và phá sản, khiến người nhà và nhân công rất lo lắng. Dù vậy, ông vẫn giữ bình tĩnh và ra lệnh cho nhân viên ở miền Tây tiếp tục mua lúa với giá cũ. Thậm chí, ông còn sẵn sàng trả giá cao hơn các thương lái khác để gom mua hết lúa trên thị trường.
Bên cạnh đó, Quách Đàm đã gửi thư cho các đại diện ở nước ngoài, tung ra tin đồn rằng giá lúa sắp tăng vọt. Mánh lới này của ông nhanh chóng khiến các thương lái “sập bẫy”, đua nhau thu mua lúa trong nước với giá cao, chờ bán để kiếm lời. Khi thấy tình hình thuận lợi, Quách Đàm mới âm thầm dừng việc mua lúa và bắt đầu xuất kho bán lúa của mình. Khi kho lúa của ông dần vơi đi, các nhà buôn khác mới phát hiện mình bị lừa và họ phải chia nhau gánh phần lỗ cho ông.
Trong kinh doanh, Quách Đàm rất mưu mẹo nhưng trong đời sống hàng ngày, ông lại rất được lòng dân chúng nhờ những hành động giúp đỡ người nghèo. Ông thành lập quỹ từ thiện và cùng gia đình thường xuyên phân phát cứu trợ khắp nơi. Nhờ vào tài năng kinh doanh, Quách Đàm đã từng bước trở thành một trong những người giàu có nổi tiếng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Sự giàu có của ông đã khiến người Pháp vừa năn nỉ vừa ép buộc ông mua lại những doanh nghiệp nợ nần, sắp phá sản. Nhiều công ty mía đường vào thời điểm đó cũng rơi vào tay ông và nhanh chóng khởi sắc, mang lại cho gia đình Quách Đàm nguồn tài chính dồi dào hơn nữa.
Bỏ tiền hiến đất, xây chợ tặng thành phố
Khoảng năm 1920, khi chính quyền thành phố Sài Gòn nhận thấy chợ Lớn cũ (gần chân cầu Chà Và ngày nay) đã cũ kỹ và chật chội, có ý định dời đi, Quách Đàm đã hứa hiến tặng một khu đất rộng ở Bình Tây - tài sản thuộc sở hữu của ông. Ông còn cam kết xây dựng một ngôi chợ mới, khang trang và bề thế hơn. Tuy nhiên, năm 1927, khi mọi công đoạn chuẩn bị xây chợ đã hoàn tất, Quách Đàm qua đời, khiến việc xây dựng bị hoãn lại một năm. Đến năm 1928, các con ông đã thay cha hoàn thành việc xây dựng chợ Bình Tây.
Ngôi chợ được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Pháp nhưng mang đậm nét văn hóa Á Đông. Mặc dù chính thức mang tên chợ Bình Tây, hầu hết người dân vẫn quen gọi là chợ Lớn mới.
Tính đến hiện tại, chợ Bình Tây đã trải qua ba đợt trùng tu lớn. Lần đầu tiên vào năm 1992, chợ được nâng cấp và sửa chữa toàn diện. Đợt trùng tu thứ hai diễn ra vào năm 2006, khi chợ xây dựng thêm hai dãy phố trên trục đường Trần Bình và Lê Tấn Kế với kết cấu khung sắt, mái tôn. Đợt trùng tu gần đây nhất diễn ra vào tháng 11/2016, với dự án nâng cấp toàn diện bên trong chợ, giúp mở rộng không gian buôn bán, tạo sự thoáng đãng và thuận tiện hơn cho tiểu thương.
Điều đặc biệt là, dù đã trải qua nhiều cuộc trùng tu lớn, chợ Bình Tây vẫn giữ nguyên nét đẹp cổ kính như thuở ban đầu. Gần 100 năm hình thành và phát triển, chợ Bình Tây hiện nay đã trở thành một địa điểm hoành tráng về quy mô và chủng loại hàng hóa. Dù cho các siêu thị và trung tâm thương mại  mọc lên dày đặc, nơi này vẫn duy trì vị thế của một chợ đầu mối bán buôn lớn hàng đầu tại TP. HCM.