Vị doanh nhân gốc Việt từng gây xôn xao trên nhiều tờ báo Pháp vì muốn mua lại Tháp Eiffel.
Sự thật đằng sau thương vụ "mua lại Tháp Eiffel"
Năm 2014, tờ Lemonde có bài viết với tiêu đề: "Chuc Hoang, le millionnaire de la tour Eiffel" (dịch: Chúc Hoàng, triệu phú Tháp Eiffel). Ngay lập tức bài báo này đã thu hút sự chú ý dư ý của dư luận.
Thời điểm đó, vị đại gia  gốc Việt nói trên từng gây xôn xao với thông tin ông muốn “mua lại” Tháp Eiffel. Tuy nhiên, trên thực tế, thông tin được công bố sau đó cho biết, ông Chúc thực chất muốn mua một công ty có tên Tháp Eiffel (Société de la Tour Eiffel).
Được thành lập vào năm 1889 bởi chính Gustave Eiffel, người kỹ sư cha đẻ của ngọn tháp Eiffel. Tuy nhiên, công ty này mất quyền quản lý ngọn tháp vào tay chính quyền thành phố Paris vào năm 1979. Ngày nay, Công ty Tháp Eiffel là đơn vị quản lý nhiều tòa nhà văn phòng, nhà đất ở Paris. Tuy nhiên, vào thời điểm đó công ty này đang lâm vào tình trạng khó khăn và ngập trong nợ nần.
Doanh nhân Chúc Hoàng bắt đầu quan tâm đến Công ty Tháp Eiffel từ cuối năm 2012. Đầu tháng 7/2014, vị đại gia này gửi đơn lên cơ quan Quản lý thị trường tài chính Pháp (AMF) để xin mua lại công ty này. Giá đưa ra là 55 euro mỗi cổ phiếu, nhằm mua 4,3 triệu cổ phiếu và 113.400 quyền chọn khác. Lần mua này không thành công vì có đối thủ khác ngăn cản với giá 58 euro.
Dẫu vậy, dù không mua được công ty trên nhưng với tư cách nhà đầu tư lớn nhất, nắm 30,3% vốn của Công ty Tháp Eiffel, ông Chúc vẫn đã thu về khoản lợi nhuận đáng kể. Hiện tại, vị doanh nhân này đang sở hữu 30,74% cổ phần của Công ty Tháp Eiffel.
Được xây dựng từ tháng 1/1887 đến tháng 3/1889, Tháp Eiffel ban đầu chỉ là cổng chào cho cuộc đại triển lãm thế giới nhân kỷ niệm 100 năm ngày cách mạng Pháp. Tuy nhiên, về sau, Eiffel đã trở thành công trình biểu tượng của nước Pháp.
Theo thông tin được đăng tải, quyền quản lý và khai thác kinh doanh biểu tượng này đang được Tòa thị chính Paris trao cho Société d’Exploitation de la Tour Eiffel (SETE - Công ty Khai thác Tháp Eiffel). Công ty này do thành phố Paris giữ gần 60% vốn. Phần vốn góp còn lại do 5 công ty bao gồm Dexia Credit Local, Eiffage, Ufipar (thuộc tập đoàn LVMH), Unibail và Safidi SA nắm giữ, với mỗi doanh nghiệp sở hữu 8% vốn.
Chính vì sự tương đồng, trùng hợp trong tên của hai công ty đã khiến không ít người nghĩ rằng Eiffel vẫn thuộc quyền quản lý của Công ty Tháp Eiffel có tuổi đời hơn 100 năm thay vì doanh nghiệp Nhà nước tồn tại chưa đầy một thập kỷ như SETE. Cũng vì vậy mà nhiều người đồn đoán rằng triệu phú gốc Việt  muốn mua tòa tháp nổi tiếng của Pháp.
Đại gia gốc Việt Chúc Hoàng giàu như thế nào?
Theo truyền thông Pháp, năm 2014, với tổng giá trị tài sản khoảng 290 triệu Euro (tương đương 395 triệu USD), ông Chúc Hoàng xếp thứ 176/200 người giàu nhất nước Pháp. Theo số liệu của Challenges, năm 2021, vị doanh nhân người Pháp gốc Việt đứng ở vị trí 113 trong danh sách những người giàu nhất ở Pháp với khối tài sản ước tính 1 tỷ Euro.
Tuy nhiên, số tài sản thực của ông có thể còn lớn hơn so với con số này. Ngoài ra, ông Chúc còn có trong tay khoảng 40 công ty.
Là người gốc Thái Bình, ông Chúc sang Pháp từ năm 1961. Với thành tích học tập xuất sắc, ông tốt nghiệp trường Bách Khoa của Pháp vào năm 1969. Sau khi tốt nghiệp, ông từng có vài năm làm việc cho Quỹ Tiền gửi và ký thác rồi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh. Ban đầu, ông hợp tác với con trai ông chủ chuỗi cửa hàng Nouvelles Galeries của Pháp, chuyên mua lại các cửa hàng bánh quy, cửa hàng thịt lúc bấy giờ. Về sau, 2 người tách ra làm riêng, ông Chúc giữ lại các cửa hàng thịt và phát triển kinh doanh với nhãn hiệu Schmid - một thương hiệu dưa bắp cải lớn ở Paris.
Ông Chúc dần gây dựng được cơ nghiệp lớn bằng cách mua các công ty đang thua lỗ và gây dựng cho đến khi chúng làm ăn khởi sắc thì bán lại. Ví dụ, năm 1995, Ngân hàng Vernes mất khả năng chi trả nên bán Chi nhánh Eurobail chuyên cho thuê tài chính bất động sản. Ông đã đứng ra mua lại cả chi nhánh ngân hàng này và tìm cách vực dậy. Hiện nay, cơ sở này trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho ông.
Vài năm sau, ông Chúc quyết định “chơi lớn” hơn khi mua lại các khoản nợ khó đòi của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs với giá bèo. Cả thương vụ này và thương vụ kế tiếp là mua cổ phần của Bigben Interactive - nhà phân phối thiết bị chơi game hàng đầu châu Âu - sau đó đều mang lại cho ông những khoản lời khủng. Cơn sốt bất động sản ở Pháp cũng là một nguồn mang đến cho ông nhiều tiền tài.
Dĩ nhiên, trên thương trường , ông Chúc cũng nếm trải không ít thất bại. Cuối những năm 1980, ông đã mất một khoản kha khá khi bỏ tiền đầu tư vào một khách sạn. Thương vụ mua lại hãng chuyên sản xuất xe đồ chơi Majorette vào năm 2008 cũng thất bại...
Tuy nhiên, sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, như nhận xét của luật sư Nicole Guedj (nguyên Quốc vụ khanh dưới thời Tổng thống Jacques Chirac, hiện đang làm cố vấn cho ông Chúc) với sự thận trọng và can đảm của một nhà quản trị giỏi, ông đã gây dựng được một tập đoàn với những thành tích đáng nể.
Trong nhiều thập kỷ qua, doanh nhân  Chúc Hoàng khá kín tiếng trước công chúng Pháp nhưng ông chính là người đứng phía sau khá nhiều doanh nghiệp có tiếng tại nước này như Công ty Phương Đông, Công ty MI29 hay Địa ốc Wilson...