Đằng sau sự bùng nổ lĩnh vực F&B Việt Nam?

17-06-2023 18:51|NGUYỄN CHUẨN

Bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam đang có sự mở rộng nhanh chóng của các chuỗi hàng đầu.

mixue.jpeg
Mixue, chuỗi cửa hàng kem tươi và trà của Trung Quốc chạm mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam.

Đua nhau mở cửa hàng mới

Theo báo cáo của iPOS, công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các giải pháp phần mềm và phần cứng trong lĩnh vực ngành F&B, thị trường F&B Việt Nam đang có sự phục hồi đáng kể sau đại dịch COVID-19, đạt doanh thu 610 nghìn tỷ đồng năm 2022, tăng trưởng 139%.

 

Cũng theo báo cáo của iPOS, thị trường này được dự báo sẽ mở rộng 18% trong năm nay và đạt 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026. Báo cáo cũng chỉ ra, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng, quán cà phê vào năm 2022, tăng 39% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, iPOS cũng đưa ra nhận định, thị trường năm nay sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các chuỗi lớn để giành thị phần trong khi các chuỗi nhỏ trở nên thận trọng hơn.

Trong khi đó, theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành F&B Việt Nam sẽ khởi sắc hơn từ nửa cuối năm nay. VDSC cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng có thể tiếp tục chi tiêu cho lĩnh vực F&B với xu hướng lựa chọn sản phẩm có mức giá hợp lý hơn. Đồng thời, sự phục hồi của du lịch cũng sẽ đem lại sự hỗ trợ đáng kể cho ngành F&B.

Có thể nói, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, các thương hiệu F&B hàng đầu tại Việt Nam đã cho thấy sự hồi sinh đáng kể khi tiếp tục mở rộng chuỗi của họ sau đại dịch COVID-19.

Đơn cử như trường hợp của Mixue, mới đây, chuỗi cửa hàng kem tươi và trà của Trung Quốc tập trung vào thị trường bình dân và Thế hệ Z, đã công bố họ cán mốc 1.000 cửa hàng thông qua hình thức nhượng quyền sau gần 5 năm hoạt động tại Việt Nam.

highlandcoffee.jpg
Highland Coffee cũng đang đạt con số khoảng 600 cửa hàng.

Hay như là thương hiệu Highland Coffee, chuỗi cửa hàng đồ uống của Việt Nam cũng đã đạt con số khoảng 600 cửa hàng, tăng 63,5% so với tháng 3 năm 2021, trong khi chuỗi cửa hàng E-Coffee của “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã tăng gần gấp đôi cửa hàng từ con số 308 vào tháng 3 năm 2021 lên con số 620 vào tháng 2 năm 2023.

Một thương hiệu đình đám trong làng F&B Việt Nam khác là Phúc Long cũng đã nhanh chóng mở rộng quy mô lên hơn 900 cửa hàng, trong đó có 132 cửa hàng flagship và hơn 770 ki ốt tại WinMart/WinMart+, so với con số chỉ 80 cửa hàng vào tháng 3 năm 2021.

Lý do của sự bùng nổ?

Việt Nam có dân số thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh và lực lượng dân số trẻ khá lớn. Trong một báo cáo năm 2018, PwC, gã khổng lồ kiểm toán toàn cầu đã dự báo dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam có thể đạt 44 triệu người vào năm 2020, và đến năm 2030, quy mô tầng lớp trung lưu của Việt Nam được dự báo sẽ đạt con số 95 triệu người.

a2.jpg
Dân số trẻ, mức thu nhập tăng đang là nguyên nhân chính khiến thị trường F&B Việt Nam bùng nổ.

Khi tầng lớp trung lưu của Việt Nam phát triển và thu nhập khả dụng của tất cả các thành phần dân cư tăng lên, khả năng chi tiêu lớn hơn sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trong ngành thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là ăn uống bên ngoài.

Dân số tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Việt Nam cũng phản ánh tốc độ tăng trưởng GDP kép hàng năm của đất nước là 5% trong 20 năm qua, nhanh hơn 1,7 lần so với mức trung bình toàn cầu. Bất chấp sự thụt lùi của đại dịch, Fitch Solutions, cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu vẫn kỳ vọng thu nhập khả dụng của Việt Nam tiếp tục trên quỹ đạo tăng trưởng này trong trung hạn (2020-2024).

Trong vòng 5 năm tới, Fitch Solutions dự báo thu nhập khả dụng của hộ gia đình sẽ tăng với tốc độ kép hàng năm (CAGR) là 9,0% tính theo nội tệ (7,9% tính theo đô la Mỹ), đưa thu nhập khả dụng của hộ gia đình đạt giá trị 6.800 đô la Mỹ vào năm 2024.

Khi thu nhập khả dụng tăng lên, ngân sách dành cho thực phẩm, chỗ ở và các tiện ích mở rộng cũng tăng lên, và kết quả là, việc đi ăn ngoài đang trở nên phổ biến ở Việt Nam và ở một mức độ nào đó là một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại ở đất nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang có khoảng 72,1 triệu người dùng internet. Số người dùng internet truy cập bằng điện thoại thông minh là 95,8%. Thời gian sử dụng internet hằng ngày trung bình là 6 giờ 38 phút, trong đó sử dụng mạng xã hội hơn 2 giờ vào năm 2022.

Với lối sống và các chuẩn mực văn hóa xã hội đang thay đổi, dân số trẻ có xu hướng ra ngoài ăn uống nhiều hơn và chia sẻ những câu chuyện cũng như trải nghiệm của họ trên mạng xã hội, giống như ở phần còn lại của thế giới.

Trong khi đó, theo một báo cáo của công ty tư vấn đầu tư toàn cầu Dezan Shira & Associates cho biết, người Việt Nam đã chi một phần lớn thu nhập của họ chođồ ăn thức uống. Các ước tính cho thấy rằng khoảng từ 20% đến 48% thu nhập hộ gia đình được chi cho tiêu dùng thực phẩm và đồ uống. Ngoài ra, du lịch cũng là một đóng góp đáng kể khác cho ngành F&B của Việt Nam. Khách du lịch chi trung bình 23,7% ngân sách của họ cho đồ ăn thức uống khi ở Việt Nam.

Tất cả những điều này đang cho thấy sự bùng nổ của các chuỗi cửa hàng ăn uống tại Việt Nam và cũng đang tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành, bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/dang-sau-su-bung-no-linh-vuc-f-b-viet-nam-245940.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đằng sau sự bùng nổ lĩnh vực F&B Việt Nam?
    POWERED BY ONECMS & INTECH