Doanh nghiệp

Trước khi về “chung một nhà”, quy mô kinh tế của Hải Phòng và Hải Dương ra sao?

Tâm An 13/04/2025 - 16:19

Hải Phòng là địa phương có quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng top 5 cả nước, Hải Dương xếp vị trí thứ 11. Cả hai địa phương đều có thế mạnh về phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 19 vừa diễn ra, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đã yêu cầu Đảng ủy UBND thành phố chủ động nghiên cứu phương án tối ưu trong việc sáp nhập với Hải Dương.

Hai địa phương sẽ tổng hợp, thống kê các cơ chế đặc thù áp dụng cho các ngành, lĩnh vực đã được HĐND mỗi tỉnh thông qua để đề xuất phương án xử lý sau khi sáp nhập, phù hợp với hướng dẫn của Trung ương. Trên tinh thần chính sách nào ưu việt hơn, có lợi cho người dân và doanh nghiệp hơn thì tiếp tục duy trì để người dân hai địa phương được thụ hưởng kết quả từ việc sáp nhập.

Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành của Hải Phòng trong 6 năm trở lại đây luôn trong xu hướng tăng mạnh, bất chấp đại dịch Covid-19.

Cụ thể, năm 2019, GRDP của thành phố này ở mức gần 248.417 tỷ đồng thì năm 2024 đã vọt lên ngưỡng 445.995 tỷ đồng, tăng 79,5% (tương đương tăng 197.578 tỷ đồng), đồng thời đứng top 5 cả nước.

Đáng chú ý, GRDP của Hải Phòng năm 2024 gấp hơn 2 lần con số 212.386 tỷ đồng của Hải Dương.

Trong 6 năm qua, GRDP của Hải Dương cũng duy trì đà tăng ổn định, từ 127.939 tỷ đồng năm 2019 tăng lên 212.386 tỷ đồng năm 2024, tức tăng 66%. Hiện, Hải Dương xếp thứ 11 cả nước về quy mô GRDP.

Đây cũng là hai địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với thế mạnh về phát triển công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.

Theo đó, trong cơ cấu GRDP của Hải Phòng, công nghiệp và xây dựng chiếm 52,6%, dịch vụ 38,49%.

Với Hải Dương, công nghiệp và xây dựng chiếm 56,05%, dịch vụ 26,52% trong cơ cấu GRDP.

GRDP bình quân đầu người của Hải Phòng cũng tăng mạnh, từ 122,2 triệu đồng năm 2019 lên 187,9 đồng/người/năm vào năm 2023. Giai đoạn 2019-2023, GRDP bình quân đầu người của thành phố này tăng trung bình 13,14 triệu đồng/người/năm.

Trong khi đó, GRDP bình quân đầu người của Hải Dương từ 66,8 triệu đồng năm 2019 đến 2023 đã tăng lên 95,8 triệu đồng/người/năm, tương đương tăng trung bình 5,8 triệu đồng/người mỗi năm.

Xét về dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) , Hải Phòng luôn nằm trong top đầu các địa phương thu hút dòng vốn FDI ở nước ta. Năm 2023, thành phố này thu hút 120 dự án FDI, với số vốn đăng ký hơn 3,62 tỷ USD.

Trong khi đó, Hải Dương cũng thu hút 83 dự án FDI, với số vốn đăng ký 1,31 tỷ USD.

Về thu ngân sách nội địa của Hải Phòng, số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 đạt gần 43.472 tỷ đồng, gấp 1,6 lần con số 27.016 tỷ đồng của năm 2019.

Tại Hải Dương, thu ngân sách nội địa từ năm 2019 đến 2023 có sự tăng giảm đan xen. Theo đó, năm 2019, thu ngân sách nội địa của tỉnh này đạt gần 16.096 tỷ đồng, sau đó giảm mạnh ở năm tiếp theo và lấy lại đà tăng lên 18.402 tỷ đồng vào năm 2021.

Năm 2022, thu ngân sách nội địa của Hải Dương lại giảm, đến 2023 phục hồi và đạt 18.823 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ tăng nhẹ 421 tỷ đồng so với năm 2021.

>> Trung ương yêu cầu các tỉnh, thành phố nghiên cứu sắp xếp, đặt tên cấp xã sau sáp nhập

NÓNG: Chỉ 2 ngày nữa, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh sở hữu ‘Đà Lạt thứ 2’ của Tây Nguyên sẽ họp bàn triển khai sáp nhập tỉnh

Tổng Bí thư: Sắp xếp nhân sự khi sáp nhập tỉnh phải lấy tiêu chuẩn 'vì công việc'

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bat-ngo-voi-quy-mo-kinh-te-hai-phong-va-hai-duong-truoc-khi-ve-chung-mot-nha-2390680.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trước khi về “chung một nhà”, quy mô kinh tế của Hải Phòng và Hải Dương ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH