Khai mạc Hội nghị Trung ương, cho ý kiến về đề án sáp nhập tỉnh
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 khai mạc sáng nay, dự kiến diễn ra đến ngày 12/4. Hội nghị cho ý kiến đối với 15 nội dung.
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, tại hội nghị lần này, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với 15 nội dung, tập trung vào hai nhóm vấn đề chính.

Một là nhóm vấn đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Hai là nhóm vấn đề về tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 14 của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương xem xét, quyết định một số nội dung công tác cán bộ theo thẩm quyền, báo cáo Trung ương về tình hình đất nước, thế giới và khu vực; những công việc quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay và các chuyên đề về hoàn thiện thể chế và đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình mới rất khẩn trương, cần sự đột phá, sự quyết đoán, quyết liệt, sự đoàn kết, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách tới việc triển khai thực hiện, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các Ủy viên Trung ương, các đại biểu tham dự hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung để hội nghị đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra.



Liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong Kết luận 127, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã nêu rõ hơn việc nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Đối với cấp tỉnh, ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới... làm cơ sở, căn cứ khoa học trong sắp xếp.
Đối với cấp xã, cần xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hoá, các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo... Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã.
Tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu miền Trung - Tây Nguyên, ngày 28/3, Tổng Bí thư cho biết dự kiến ban đầu cả nước còn khoảng 34 tỉnh, thành trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành hiện nay; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện; sáp nhập còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ cơ cấu lại gồm 3 cấp, đó là Trung ương, tỉnh/thành phố và xã/phường.
Đảng ủy Chính phủ sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại hội nghị lần thứ 11 để thông qua đề án sáp nhập tỉnh, xã, không tổ chức cấp huyện.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng. Đó là Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
52 địa phương còn lại thuộc diện phải sắp xếp, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
>> Tổng Bí thư: Sắp xếp tổ chức bộ máy không cầu toàn nhưng không nóng vội
Bộ Công an sẽ hướng dẫn người dân cập nhật địa chỉ cư trú sau khi sáp nhập tỉnh, xã
Các bộ ngành sẽ làm gì để sáp nhập tỉnh, sắp xếp xã, không tổ chức cấp huyện?