Đào 2,5 triệu m3 đất đá xuyên qua 3 ngọn núi: Xây dựng ‘siêu’ hầm đường bộ dài nhất thế giới, được trang bị dải rung lớn giúp ‘đánh thức’ tài xế nếu mất tập trung
Quá trình xây dựng được chia thành bốn giai đoạn chính: khoan, nổ mìn, bốc xếp, vận chuyển và tạo cảnh quan.
Vào tháng 6 năm 1992, Quốc hội Na Uy đã thông qua quyết định xây dựng đường hầm  dài nhất thế giới. Đường hầm Laerdal, với chiều dài 24,5km, kết nối Aurland và Laerdal, là một phần quan trọng trên tuyến đường cao tốc nối thủ đô Oslo với thành phố lớn nhất Bergen. Mục tiêu của dự án là loại bỏ nhu cầu sử dụng phà và tránh địa hình hiểm trở, đồng thời giảm thiểu rủi ro tai nạn.
Từ góc độ môi trường, đường hầm được xem là một giải pháp bền vững nhằm bảo vệ các cảnh quan thiên nhiên hoang sơ.
Được hoàn thành vào năm 2000 sau 5 năm thi công, Laerdal vẫn giữ danh hiệu đường hầm dài nhất thế giới với tổng chi phí xây dựng lên tới 163 triệu USD, tương đương 6.658 USD cho mỗi mét chiều dài. Quá trình xây dựng được chia thành bốn giai đoạn chính: khoan, nổ mìn, bốc xếp, vận chuyển và tạo cảnh quan.
Đường hầm được chia thành 4 khu vực, mỗi khu cách nhau 6km và được ngăn cách bởi 3 hang động núi lớn. Những không gian mở này cho phép xe cộ quay đầu mà không cần phải lùi lại. Một trong những thách thức lớn nhất của dự án là xử lý 2,5 triệu m³ đá đào. Để tránh gây ảnh hưởng đến thung lũng chính và các hoạt động nông nghiệp, Cục Đường bộ Na Uy đã xây thêm một đường hầm phụ dài 2,1km để chứa và xử lý vật liệu đào, đảm bảo không gây nguy hiểm cho dòng chảy tự nhiên.
Vấn đề an toàn trong đường hầm dài như Laerdal luôn là ưu tiên hàng đầu. Các kiến trúc sư đã tạo ra các đường cong mềm mại kết hợp với hệ thống đèn xanh huyền ảo để giữ sự tập trung cho tài xế. Đi qua Laerdal, người lái xe như bước vào một không gian nghệ thuật ánh sáng. Hệ thống đèn này được điều chỉnh tự động dựa trên thời gian và điều kiện ánh sáng bên ngoài. Ánh sáng trong hầm thay đổi từ trắng sang vàng, mô phỏng ánh bình minh và ánh sáng xanh tạo cảm giác như một cuộc phiêu lưu thú vị, giúp người lái tránh cảm giác buồn ngủ trong 20 phút di chuyển.
Mỗi làn đường trong hầm cũng được trang bị dải rung lớn, giúp "đánh thức" tài xế nếu mất tập trung. Ngoài ra, Laerdal cũng là đường hầm đầu tiên có hệ thống thông gió hiện đại, với một nhà máy xử lý không khí riêng nằm trong một hang động cách Aurland 9,5km. Nhà máy này sử dụng các quạt lớn và bộ lọc tĩnh điện, kết hợp với bộ lọc carbon, giúp loại bỏ bụi và khí độc hại, đảm bảo chất lượng không khí trong hầm luôn trong lành, ngay cả khi mật độ giao thông tăng cao.
Hệ thống thông gió và lọc không khí được giám sát liên tục và sẽ tự động kích hoạt khi cần. Nếu có sự cố phát sinh, như lượng khói vượt mức cho phép, đường hầm sẽ tự động đóng lại để đảm bảo an toàn. Đường hầm Laerdal còn được trang bị các biện pháp phòng cháy chữa cháy và lối thoát hiểm khẩn cấp, đảm bảo an toàn tối đa cho người tham gia giao thông trong mọi tình huống.
>> Thành phố đông dân nhất thế giới nhân rộng siêu đường hầm chống lũ dưới lòng đất