Là đập thủy điện lớn nhất thế giới, công trình này đã sử dụng 27,2 triệu m3 bê tông, 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel) và đào 102,6 triệu m3 đất.
Nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới
Đập Tam Hiệp là đập thủy điện  nằm chặn ngang sông Trường Giang (sông dài thứ ba trên thế giới, dài nhất châu Á) tại Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đập được bắt đầu xây dựng vào tháng 12/1994 và hoàn thành vào cuối năm 2009, tuy nhiên, toàn bộ công trình Tam Hiệp chỉ được hoàn tất vào cuối năm 2020, sau khi hoàn thành toàn bộ quy trình nghiệm thu.
Trước đó, vào ngày 10/7/2003, tổ máy phát điện đầu tiên của dự án Tam Hiệp đã chính thức đi vào hoạt động. Với 34 tổ máy phát điện, nhà máy thủy điện Tam Hiệp có tổng công suất lắp đặt là 22,5 GWh và công suất thiết kế phát điện hàng năm là 88,2 tỷ kWh.
Công trình  này đã sử dụng 27,2 triệu m3 bê tông (chủ yếu cho thành đập), 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel), đào 102,6 triệu m3 đất. Đập Tam Hiệp có chiều dài 2.355m và độ cao 185m so với mực nước biển, hồ chứa có thể tích 39,3km3, chứa được khoảng 42 tỷ tấn nước và tổng diện tích bề mặt nước 1.045km2. So với nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam, thủy điện Sơn La  với sức chứa 9,26 tỷ tấn nước, thì công trình này có sức chứa gấp 4,5 lần.
Đập Tam Hiệp có tổng cộng 77 cửa xả lũ, trong đó có 22 cửa xả lũ mặt và 23 cửa xả lũ sâu. Ngoài ra, còn có các cửa xả chỉ sử dụng trong quá trình thi công và các cửa xả cát ở hai nhà máy điện nằm ở phía tả ngạn (bên trái) và hữu ngạn (bên phải) của đập. Tổng vốn đầu tư của công trình này là 30 tỷ USD (khoảng 742.500 tỷ đồng). Đây cũng chính là đập thủy điện lớn nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, chức năng chính của công trình Tam Hiệp không phải là phát điện mà là kiểm soát lũ. Trong năm 2020, đập này đã thành công trong việc kiềm chế đỉnh lũ của trận lũ thứ 5 trên sông Dương Tử (Trường Giang) với lưu lượng lên tới 75.000m3/giây - mức nước lũ lớn nhất mà đập Tam Hiệp đã phải đối mặt kể từ khi hoàn thành xây dựng.
Kể từ khi hoạt động vào năm 2003, dự án Tam Hiệp đã thực hiện 66 lần kiểm soát lũ ở trung và hạ lưu của sông Trường Giang, với tổng dung tích phòng lũ là 208,8 tỷ m3.
Một chức năng khác của công trình Tam Hiệp là vận tải hàng hóa. Hệ thống vận tải hàng hóa tại đây đã được vận hành từ năm 2003, bao gồm 2 hệ thống vận tải đường sông. Hồ chứa của đập nhấn chìm một khu vực trải dài đến 600km về phía thượng nguồn, cho phép tàu hàng tải trọng lớn di chuyển 2.250km từ biển Hoa Đông (cảng Thượng Hải) đến tận thành phố Trùng Khánh.
Có thể khẳng định rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia sở hữu hệ thống siêu đập thủy điện lớn nhất trên thế giới. Với 6 đập bao gồm Ô Đông Đức, Bạch Hạc Than, Khê Lạc Độ, Hướng Gia Bá, Tam Hiệp và Cát Châu Bá, một hệ thống năng lượng sạch lớn nhất thế giới đã được hình thành trên sông Dương Tử tại đất nước tỷ dân này.
Những tranh cãi xoay quanh việc xây dựng đập thủy điện Tam Hiệp
Giống như nhiều đập nước đang xây dựng khác trên thế giới, dự án này cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong và ngoài Trung Quốc. Các đề xuất ủng hộ dựa vào các lợi ích kinh tế từ việc kiểm soát ngập lụt do sông Trường Giang gây ra và năng lượng từ thủy điện. Các ý kiến phản đối chủ yếu tập trung vào lo ngại vỡ đập, chi phí cho 1,9 triệu người phải di cư, sự mất đi nhiều địa điểm có giá trị khảo cổ học và văn hóa, cũng như các tác động đến môi trường .
Vấn đề gây tranh cãi nhất là về mức độ thiệt hại mà đập Tam Hiệp gây ra cho môi trường. Theo nhiều ước tính, 70% lượng nước ngọt của Trung Quốc bị ô nhiễm và sự hiện diện của con đập này càng làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Đập được xây dựng trên đỉnh của các cơ sở xử lý chất thải cũ cùng với hoạt động khai mỏ, mỗi năm, khoảng 265 triệu gallon nước thải thô đã lắng xuống dòng sông Trường Giang.
Ngoài ra, vùng lân cận đập Tam Hiệp là nơi cư trú và sinh sống của 6.400 loài thực vật, 300 loài cá và hơn 500 loài động vật có xương sống trên cạn. Công trình thủy điện này không chỉ ảnh hưởng đến các loài đã được kể trên mà còn gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường sống của chúng. Sự xói mòn của hồ chứa đã gây ra nhiều trận lở đất. Đập lớn đã tạo ra một tình trạng khí hậu gây nguy hiểm cho hệ sinh thái của khu vực.
Cùng với đó, việc đẩy 42 tỷ tấn nước lên cao 185m so với mực nước biển sẽ làm tăng mô-men quán tính của Trái Đất, dẫn đến việc chậm lại chuyển động quay của hành tinh. Theo các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), việc di chuyển một lượng nước lớn như vậy sẽ làm cho ngày dài thêm khoảng 0,06 mili giây, khiến Trái Đất hơi tròn hơn ở giữa và phẳng hơn ở đỉnh. Tác động cũng làm điểm cực lệch đi khoảng hai centimet. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng không có lý do để lo ngại về tác động này vì sự thay đổi trong chuyển động quay của Trái Đất thường xuyên xảy ra do ảnh hưởng của Mặt Trăng và các động đất.